Hôm nay cả nước ghi nhận 20 bệnh nhân Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm sau 11 ngày lên 418; bốn người nghi nhiễm ở sân bay Tân Sơn Nhất chờ Bộ Y tế công bố.
20 ca nhiễm được ghi nhận trong đó 19 ca ở Hải Dương (15 ca liên quan ổ dịch TP Chí Linh đã được cách ly, 3 ca liên quan ổ dịch Cẩm Giàng, một liên quan ổ dịch xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn) và một ca ở Gia Lai.
Như vậy, tổng 10 ngày từ 28/1 đến 7/2, 418 ca nhiễm cộng đồng được ghi nhận ở 12 tỉnh thành gồm: Hải Dương (309), Quảng Ninh (47), Hà Nội (23), Gia Lai (19), Bình Dương (6), Bắc Ninh cùng Điện Biên mỗi nơi 3, Hòa Bình và TP HCM mỗi nơi 2 ca, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Giang mỗi nơi một ca.
Hải Dương hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất nước với số ca nhiễm nhiều nhất trong đợt bùng phát dịch lần này. Cơ quan chức năng tỉnh này vẫn tiếp tục truy vết những người liên quan, trong đó 13 trường hợp nhiễm nCoV ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến các quán karaoke trên địa bàn.
Quảng Ninh - vùng dịch lớn thứ hai với hai ổ dịch là sân bay Vân Đồn và thị xã Đông Triều đến sáng nay đã truy vết được hơn 104.200 trường hợp, thực hiện xét nghiệm 53.869 mẫu.
Làm việc với chính quyền tỉnh này hôm nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá nhờ các biện pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng triệt để các ổ dịch và nâng cao năng lực xét nghiệm nhanh, trả kết quả sớm chỉ trong thời gian rất ngắn, Quảng Ninh đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. "Tết Tân Sửu, nhân dân Quảng Ninh có thể yên tâm đón Tết trong trạng thái bình thường mới, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo các biện pháp chống dịch", ông Long nói.
Hà Nội, nơi có số ca nhiễm nhiều thứ ba cả nước hai hôm nay không ghi nhận thêm ca nhiễm. Ngày 7/2, chính quyền Thủ đô đã công bố mức xử phạt đối với 15 hành vi vi phạm quy định phòng, chống Covid-19, trong đó mức phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng; có thể bị phạt tù tối đa 20 năm hoặc chung thân.
Phó giáo sư Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhận định tình hình các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và được khóa chặt, không còn khả năng lây lan cho cộng đồng. Các ổ dịch xâm nhập ở các địa phương khác cũng đã được khoanh vùng xử lý triệt để ngay.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng chống dịch chưa bao giờ là đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh phức tạp. "Vì vậy, tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng không được phép lơ là, chủ quan và phải cùng nhau chống dịch với những nỗ lực cao nhất", ông Dương nói.
Theo ông Dương, đợt dịch lần này ngành y tế phải đối mặt với "kẻ thù" nguy hiểm hơn, đó là biến chủng nCoV Anh. Biến chủng này có đặc điểm là lây lan rất nhanh và mạnh. Thách thức đặt ra là phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh trên diện rộng với số lượng lớn. Để đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm trong tình hình mới, ngành y tế phải thay đổi chiến lược gộp mẫu xét nghiệm.
Liên quan đến ca bệnh là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất được ghi nhận hôm qua, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã phối hợp với Sở Y tế lấy mẫu xét nghiệm 1.400 người làm việc tại sân bay để dập dịch.
Nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19, chiều 4/2. Ảnh: Trung Sơn. |
Tối 7/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết đã có kết quả xét nghiệm lại 20 trường hợp trong 4 nhóm mẫu gộp nghi ngờ dương tính nCoV. Theo đó, 4 trường hợp nghi nhiễm nCoV (chờ Bộ Y tế công bố), 16 người còn lại kết quả âm tính.
Cả 4 ca nghi nhiễm này làm việc chung một đội với "bệnh nhân 1979" với nhiệm vụ bốc dỡ, giám sát hàng hóa tại một công ty phục vụ mặt đất, không tiếp xúc với hành khách.
"Thành phố đã tiến hành truy vết, khoanh vùng tất cả trường hợp F1, F2 tại sân bay, đã kiểm soát được chuỗi lây nhiễm này. Sân bay vẫn hoạt động bình thường", lãnh đạo HCDC cho biết.
Cũng theo HCDC, 70 ca F1 "bệnh nhân 1979" và 1980 đã có kết quả âm tính nCoV lần một. Đây là hai anh em, ở cùng nhà tại phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Sau khi phát hiện nhân viên mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất nhiễm Covid-19, chiều nay, Phó cục trưởng Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường yêu cầu các đơn vị ngành hàng không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ phòng chống dịch. Đây là chỉ đạo thứ hai với mức độ cảnh báo cao nhất của Cục Hàng không kể từ khi dịch bệnh bùng phát cuối tháng một.
Hiện sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đóng cửa do một nhân viên sân bay dương tính Covid-19. Tại cuộc họp khẩn sáng 7/1 tại sân bay Tân Sơn Nhất, các đơn vị đã chỉ ra một số biện pháp phòng dịch của các nhân viên dịch vụ mặt đất chưa đảm bảo đúng quy định; việc tiếp xúc với nhau giữa nhân viên và giữa nhân viên với hành khách còn nhiều bất cập, hành lý chưa được khử khuẩn...
Hữu Công
Bốn nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất nghi nhiễm nCoV |
Bình Dương: Bé gái 8 tháng tuổi dương tính với SARS-CoV-2 |
Thêm 37 ca COVID-19 là công nhân khu công nghiệp Hải Dương |