Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác, vừa được ký sáng 15/11.
Lễ ký diễn ra trực tuyến, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tại Hà Nội. Đúng 11h45, Bộ trưởng Bộ Thương mại Brunei là người đầu tiên ký vào Hiệp định. Các Bộ trưởng tiếp tục ký lần lượt theo thứ tự bảng chữ cái. Việt Nam là nước cuối cùng. Sau đó, 5 đối tác của ASEAN, bắt đầu là Australia và cuối cùng là New Zealand ký hiệp định.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên của ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký kết RCEP trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 15/11. Ảnh: Giang Huy. |
RCEP khi được thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Hiệp định RCEP có 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về Sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế và kỹ thuật và mua sắm của chính phủ.
Để hiệp định có hiệu lực, ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến Cơ quan lưu chiểu theo quy định của Hiệp định. Các nhà lãnh đạo của RCEP cho biết hiệp định là mở và toàn diện. RCEP theo đó vẫn để mở cho Ấn Độ - quốc gia đã rút khỏi trong quá trình đàm phán - gia nhập kể từ ngày hiệp định có hiệu lực. Các quốc gia ký RCEP, sau khi Hiệp định RCEP được ký, sẽ tiến hành đàm phán với nước này bất cứ khi nào Ấn Độ gửi yêu cầu bằng văn bản bày tỏ ý định gia. Ấn Độ cũng có thể tham gia các cuộc họp của RCEP với tư cách là quan sát viên và trong các hoạt động hợp tác kinh tế do các quốc gia ký RCEP thực hiện.
RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều rủi ro, bất định. Ngoài ra, hiệp định sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp.., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Với Việt Nam, RCEP giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, quy mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay. Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Phương Ánh
Vì thịnh vượng chung TPP, RCEP, FTA… tiếp tục là bước đi không thể thiếu Trong những năm qua, nhiều sáng kiến đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình ... |