Trong vụ án "bay lắc" tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, TAND TP Hà Nội đã tuyên 2 án tử hình, 1 án chung thân đối với ba bị cáo phạm tội liên quan đến hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý ngay tại phòng điều trị của bệnh viện.
- Bệnh nhân mở tiệc sinh nhật bằng ma túy cho nhân viên Bệnh viện Tâm thần TW1
- Khởi tố thêm 2 nữ cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1
Sau hai ngày xét xử sơ thẩm vụ “bay lắc” tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, sáng 31/8, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với các bị cáo.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, SN 1983, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội), là đối tượng vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để chữa bệnh theo diện bắt buộc, tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”, 10 năm tù về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” và 4 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”. Tổng hợp hình phạt cả ba tội danh, bị cáo Quý phải thi hành hình phạt chung là tử hình.
Bị cáo Nguyễn Văn Ngọc (SN 1974, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) tử hình về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”, 8 năm tù về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”. Tổng hợp hình phạt cả hai tội danh, bị cáo Ngọc phải thi hành hình phạt chung là tử hình.
Bị cáo Nguyễn Công Thường (SN 1986, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) tù chung thân về tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”.
Bị cáo Nguyễn Trung Nguyên (SN 1983, trú tại xã Văn Phú, huyện Thanh Trì) 26 năm tù về hai tội “Mua bán trái phép chất ma tuý” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Bị cáo Đỗ Thị Lưu (SN 1969, cựu Trưởng khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) 3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị cáo Nguyễn Anh Vũ (SN 1986, kỹ thuật viên Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) 7 năm tù về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Bị cáo Nguyễn Minh Huệ (SN 1980, điều dưỡng viên Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền) và bị cáo Bùi Thi Hạt (SN 1984, hộ lý Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền), mỗi bị cáo 5 năm tù về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Bị cáo Bùi Chí Hải (SN 1998, là bị cáo trong vụ án mà TAND huyện Thanh Trì đang thụ lý, giải quyết, hiện bị tạm giam tại Trại tạm giam số 2, Công an TP Hà Nội) 9 năm tù về các tội: “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”, “Mua bán trái phép chất ma tuý” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Bị cáo Lê Hoàng Hải (SN 1995, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) 7 năm 6 thánh tù về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo Huệ phải chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhận chức vụ trong thời hạn 5 năm, kể từ khi mãn hạn tù, đồng thời tuyên phạt 20 triệu đồng.
Ngoài tuyên phạt các bị cáo mức án trên, HĐXX kiến nghị Công an TP Hà Nội điều tra sai phạm nếu có của lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tại thời điểm xảy ra vụ án, để không bỏ lọt tội phạm.
Quá trình xét xử vụ án này, các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội. Riêng bị cáo Đỗ Thị Lưu không thừa nhận sai phạm.
Trước đó, trong ngày đầu xét xử vụ án, trong khi đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên toà công bố bản cáo trạng, bị cáo Quý giẫy giụa, kêu la mất trật tự, không hợp tác, bất kể HĐXX đã nhiều lần nhắc nhở. Tuy nhiên, khi được quyền nói lời sau cùng, bị cáo Quý nhận thức được hành vi của mình. Bị cáo Quý gửi lời xin lỗi Ban lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Bị cáo Quý cũng nói lời xin lỗi gia đình và mọi người, xin HĐXX cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt.
Theo nhận định của HĐXX, các bị cáo coi thường pháp luật, phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nhân viên Bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Bệnh viện và ngành y.
HĐXX xác định, bị cáo Quý là người chủ mưu, cầm đầu vụ án. Bị cáo Lưu vì động cơ vụ lợi đã để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng ngay tại bệnh viện- nơi bị cáo đang công tác. Các bị cáo khác là đồng phạm tích cực, giúp bị cáo Quý hoàn thành tội phạm.
Liên quan đến vụ án này, ông Vương Văn Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) đã bị kỷ luật cách chức vì đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong phạm vi bệnh viện, hậu quả rất nghiêm trọng.
Ba Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I gồm các ông: Nguyễn Tuấn Đại, Lê Ngọc Tú và Nguyễn Mạnh Phát đều bị kỷ luật khiển trách và phê bình, do chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội quy, quy chế chuyên môn của bệnh viện.
Như Báo CAND đã đưa tin, Quý là đối tượng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quyết định của Viện KSND huyện Thanh Trì (Hà Nội). Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, để có tiền tiêu xài cá nhân và sử dụng ma túy, Quý đã thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy ngay tại bệnh viện này.
Khi Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền được chuyển về tòa nhà mới của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Quý đã tự ý cải tạo buồng bệnh thành ba buồng nhỏ, trong đó có một buồng phía bên trong được bố trí hệ thống âm thanh, ánh sáng, đèn nháy, đèn chiếu lazer để phục vụ cho việc giao dịch mua bán ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Quý đã mua ma túy của một người đàn ông quê Nghệ An rồi giấu trên nắp trần phòng điều trị để bán cho khách mua và sử dụng cá nhân. Quý còn nhiều lần đưa bạn bè bên ngoài vào bệnh viện này và tổ chức sử dụng ma tuý ngay tại buồng bệnh, trong đó có một số cán bộ nhân viên của Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền cũng được Quý cho sử dụng ma túy. Cũng tại bệnh viện này, Quý thuê người ở cùng buồng bệnh phục vụ nhu cầu cá nhân và bán lẻ ma túy.
Quý khai nhận, sau khi cải tạo xong buồng bệnh, Trưởng khoa Đỗ Thị Lưu và Điều dưỡng viên Tạ Thị Thêm có biết và nhắc nhở, yêu cầu tháo dỡ, nhưng Quý không chấp hành. Hàng tháng, Quý có nộp cho Lưu từ 6-10 triệu đồng tiền buồng bệnh để được tự do đưa người lạ và bạn bè vào buồng bệnh “bay lắc” mà không bị nhắc nhở.
Cũng theo lời khai của Quý, tại bệnh viện, Lưu đe dọa sẽ nhận xét vào bệnh án sức khỏe tốt để anh ta phải đi trả án, không được điều trị tại khoa... Quá trình điều tra, Lưu không thừa nhận thu tiền hoặc chỉ đạo thu tiền của người nhà bệnh nhân. Lưu chỉ khai nhận, Quý bốn lần chúc mừng Khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền với tổng số tiền là 8,5 triệu đồng.
Bị cáo Lưu vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác, với trách nhiệm là Trưởng khoa, bị cáo Lưu đã không quyết liệt yêu cầu tháo dỡ, không báo cáo Ban Giám đốc bệnh viện, dẫn đến việc Quý tự ý đưa người lạ vào khoa, sử dụng buồng bệnh để mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện, gây mất lòng tin của nhân dân đối với ngành y nói chung và đội ngũ nhân viên cán bộ y tế của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Ngoài hành vi bao che cho Quý, bị cáo Lưu còn lợi dụng chức vụ Trưởng khoa để thu, nhận tiền trái phép của bệnh nhân và người nhà họ. Bị cáo Lưu cũng thông qua quỹ công đoàn để chia cho mỗi cán bộ, nhân viên trong khoa trung bình 600 nghìn đồng một tháng, tổng cộng cho 38 cán bộ trong khoảng 24 tháng với tổng số 384 triệu đồng. Quá trình điều tra, các nhân viên trong khoa nhận thức đây là tiền hưởng lợi trái phép đã nộp lại 247 triệu đồng.