Người giữ tiền cần hiểu cái mình muốn làm, còn các kênh gửi ngân hàng, bất động sản, chứng khoán... đều có ưu nhược điểm riêng. 

Chị Thu Trâm, TP HCM cho biết, sau chục năm đi làm, hai vợ chồng chị tiết kiệm được khoảng 25 cây vàng. Với giá hiện nay khoảng 36,6 triệu đồng một lượng, quy đổi 25 cây tương đương 915 triệu đồng, nhưng trước giờ chị chủ yếu cất trong két sắt. Giờ thấy giá vàng cứ lình xình không tăng là mấy, nên chị muốn bán ra lấy tiền đầu tư.

Do vợ chồng đều đi làm giờ hành chính nên rất khó kinh doanh, trong khi đó, một số kênh khác như bất động sản, chứng khoán... có phần khởi sắc, hoặc lãi suất tiết kiệm cũng ở mức tương đối nên chị muốn rút ra bỏ vào những kênh này.

Tuy nhiên, điều mà vợ chồng chị băn khoăn là không biết với số tiền bán vàng trên thì đâu là kênh đầu tư hợp lý nhất trong thời điểm này?

Chia sẻ về vấn đề trên, một chuyên gia tài chính cho rằng, kênh nào cũng có ưu và nhược điểm riêng, quan trọng là mỗi nhà đầu tư phải hiểu cái mình làm, hiểu rõ lĩnh vực mà mình đầu tư cần làm gì và không nên làm gì thì mới giảm được rủi ro không đáng có, cũng như mang lại hiệu quả cao nhất cho đồng tiền của mình.

Và về cơ bản, ông chỉ có thể phân tích những ưu nhược điểm sơ lược của các kênh đầu tư mà chị Trâm đang quan tâm.

Trước hết là gửi ngân hàng. Ông cho rằng, đây thường là lựa chọn của nhiều người có tiền nhàn rỗi trong thời điểm hiện nay vì lãi suất tương đối cao so với lạm phát (lãi suất một năm dao động 7-8%). Bên cạnh đó, gửi tiết kiệm thì tính thanh khoản cao, tức là người gửi tiền có thể rút ra bất cứ lúc nào khi cần. Mặt khác, bạn sẽ có khoản thu nhập ổn định và xác định trước được dòng tiền nên có thể dùng để dự trù cho những kế hoạch khác.

Tuy nhiên, hạn chế của nó là không có khả năng tích luỹ tài sản. Bởi khi gửi tiết kiệm, nhận lãi suất 7-8% mỗi năm, nếu gửi 915 triệu đồng nêu trên, tức là cả năm thu về thêm tầm 73 triệu đồng, qua thời gian lâu dài, do lạm phát số vốn ấy sẽ dần mất giá trị.

Về kênh đầu tư bất động sản. Theo vị này, thị trường bất động sản cũng đang dần khởi sắc. Nếu dùng số tiền nhàn rỗi đó mua căn hộ thì khả năng sinh lợi cũng tầm 10% một năm (tức khoảng trên 91 triệu đồng mỗi năm). Ngoài ra, có thể dùng căn hộ này cho thuê để tăng thêm thu nhập.

Ngoài ra, chị Trâm cũng có thể cân nhắc việc săn mua nhà nát, sau đó bỏ tiền ra sửa chữa và bán lại với giá cao hơn. Nếu chịu khó và có chút may mắn, chị có thể kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi căn từ cơ hội đầu tư này.

Tuy nhiên, khó khăn là để "săn" được nhà nát giá rẻ không hề dễ dàng, cộng với đó là phải có khả năng tiếp thị bán được nhà đã sửa.

Riêng với kênh đầu tư chứng khoán, với số vốn trên chị Trâm có thể cân nhắc đầu tư vào chứng khoán vì thị trường hiện đã có sự sôi động trở lại. Nhưng cái khó của kênh này là đòi hỏi người tham gia phải có nhiều kiến thức nhằm hạn chế tối đa rủi ro.

Mặt khác, rủi ro mà nhà đầu tư cần lưu ý là thị trường thường bị dẫn dắt bởi các nhóm đầu cơ trong và ngoài nước với tiềm lực tài chính mạnh, lẫn chuyên nghiệp. Do đó, muốn tham gia kênh này đòi hỏi người đầu tư phải luôn theo dõi thị trường và có kiến thức về tài chính. Nếu không, bạn sẽ rất khó để đón được trúng sóng của thị trường.

Cuối cùng là nguyên tắc "chia trứng ra nhiều giỏ".

Nhiều nhà đầu tư thường áp dụng nguyên tắc "chia trứng ra nhiều giỏ" để đảm bảo an toàn cho tài sản của mình. Do đó, nếu chị Trâm đang nắm giữ 25 cây vàng thì cũng có thể tiếp tục giữ lại một phần (tầm 5 cây vàng) để đầu tư dài hạn, phần còn lại cân nhắc những kênh trên như gửi ngân hàng, tham gia thị trường chứng khoán hoặc mua USD...

/ Theo Vnexpress