3 lần gia hạn, “trảm” nhà thấu yếu năng lực nhưng Dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng hơn nghìn tỷ vẫn ì ạch, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân.
Dự án đường vành đai phía Tây Đà Nẵng (điểm đầu tại QL14B, điểm cuối tại Km 19+177,30 nối trục đường chính của Khu công nghệ thông tin tập trung) có chiều dài 19,3km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.134 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là liên danh nhà thầu Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn và Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1). Dự án khởi công tháng 10/2018, thời gian thực hiện hợp đồng 776 ngày, tức là đến tháng 10/2020 phải hoàn thành. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan bởi dịch COVID-19 nên UBND TP Đà Nẵng chấp thuận gia hạn đến 30/6/2022, rồi sau đó gia hạn đến 30/9/2022 và 31/12/2022 phải thông tuyến, hoàn thành. Sau 3 lần gia hạn, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Cienco1 không đáp ứng các yêu cầu, buộc chủ đầu tư quyết định “trảm”, yêu cầu phải chuyển phần việc của gói thầu công trình dang dở còn lại cho Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn-đơn vị liên danh nhà thầu tiếp tục thi công. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV ngày 7/2, toàn tuyến đường vành đai phía Tây, ngoài một số đoạn đã được thảm nhựa, nhiều đoạn, tuyến đi qua xã Hòa Ninh, Hòa Phú (Hòa Vang) vẫn còn ngổn ngang, có điểm chưa thi công được nền, cốt đường. Dù thời tiết những ngày qua tại Đà Nẵng khá thuận lợi nhưng tại đoạn đi qua địa bàn xã Hòa Ninh, tất cả phương tiện thi công đều tập kết trong bãi, không có bóng dáng công nhân thi công trên công trình. Còn tại đoạn tuyến qua địa phận xã Hòa Phú, chỉ lác đác một vài phương tiện đào, chở đất đá và tưới nước chống bụi làm việc. Theo ông Lê Văn Cừ, cán bộ địa chính-xây dựng xã Hòa Ninh, quá trình thi công tuyến đường qua địa bàn xã chậm gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống của nhiều hộ dân. Đặc biệt, trong trận lũ lụt lịch sử vừa qua đã có một số vị trí bố trí hệ thống mương, cống thoát nước không phù hợp nên gây ngập lụt phía thượng lưu, thiệt hại về nhà ở, tài sản của người dân và xói lở, trồi đất sản xuất phía hạ lưu. Tại vị trí cống Km14+624, miệng cống thu gom nước thượng lưu và miệng xả hạ lưu không khớp nối với dòng chảy tự nhiên của khe chính gây ngập úng thượng lưu, xói lở, trôi đất sản xuất của các hộ dân ở hạ lưu. “Vừa qua chủ đầu tư dự án đã có văn bản gửi địa phương lấy ý kiến về điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Dự án này-điều chỉnh mở rộng một số vị trí phần đất thu hồi để xử lý hạ tầng ký thuật dự án. Từ thực tế khảo sát, chúng tôi đã có ý kiến gửi với chủ đầu tư, đề nghị rà soát, kiểm tra để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp”, ông Cừ cho biết. Cống thoát nước thuộc Dự án đường vành đai phía Tây xả thẳng vào nhà dân phía hạ lưu gây ngập lụt, thiệt hại tài sản trong trận mưa lũ lịch sử tại Đà Nẵng. Trước đó, Thanh tra TP Đà Nẵng công bố kết luận thanh tra việc thực hiện dự án tuyến đường vành đai phía Tây (giai đoạn 1). Theo đó, qua kiểm tra cho thấy, dự án còn một số hạn chế, thiếu sót dẫn đến chậm tiến độ. Cụ thể, tại thời điểm lập dự án, tư vấn chỉ xác định ảnh hưởng khoảng 117 hộ dân, trong đó có 95 hộ cần di dời, tái định cư (TĐC) và chỉ có 5ha chuẩn bị để bố trí TĐC nên tư vấn lập dự án không đề xuất xây dựng khu TĐC. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì có 369 hồ sơ đất ở cần phải thu hồi, số lô đất cần để bố trí TĐC là 625 lô và quỹ đất để bố trí TĐC xung quanh dự án không đáp ứng. Khi lập dự án xác định có 128 mộ, phương án di dời không được đề cập nhưng lúc triển khai thì có 1.192 mộ cần di dời là nguyên nhân trước hết làm ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đánh giá, kiểm tra phương án giải phóng mặt bằng và TĐC chưa sát với yêu cầu thực tế, Sở Giao thông-Vận tải thẩm định chưa phù hợp với thực tế, Sở Kế hoạch-Đầu tư tham mưu UBND thành phố phê duyệt dự án nhưng không thể hiện phương án giải phóng mặt bằng và TĐC.