Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, đến năm 2025 Việt Nam sẽ là quốc gia dân số siêu già...
Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng Cục trưởng Dân số tại hội thảo Già hóa dân số và sức khỏe người cao tuổi, ngày 12/12.
"Việt Nam sẽ là quốc gia dân số siêu già vào năm 2050", bà Lan nói.
Với dữ liệu trên, Việt Nam được nhận định là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Ví dụ Pháp 115 mất năm, Australia 73 năm, Trung Quốc 26 năm; còn Việt Nam chỉ khoảng 17-20 năm.
Theo bà Lan, dân số già nhanh khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe cũng như vấn đề an sinh xã hội dành cho người cao tuổi trong thời gian tới.
Cùng chung nhận định, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), cho biết không chỉ Việt Nam, dân số toàn cầu cũng đang già hóa, số người trên 65 tuổi tăng nhanh nhất. Năm 2019, cứ 11 người thì có một trên 65 tuổi; dự báo đến năm 2050 cứ 6 người thì có một người trên 65 tuổi.
Năm 2018, lần đầu tiên số người trên 65 tuổi vượt số trẻ em dưới 5 tuổi, tính toàn cầu. Số người trên 80 tuổi dự báo tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người năm 2019 lên 426 triệu người năm 2050.
Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc đảm bảo hạ tầng an sinh xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên tới 73,2 tuổi năm 2014, và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030. Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 70% vẫn phải làm việc kiếm sống, trong khi người cao tuổi rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định.
Già hóa dân số nhanh cũng khiến cơ cấu dân số "vàng" bị rút ngắn nhanh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú từng cho rằng, cơ cấu dân số “vàng” sẽ mang lại cơ hội cho phát triển kinh tế và nhiều vận hội khác cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Do đó, phải khẩn trương tận dụng cơ hội quý hiếm này để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
“Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu dân số “vàng” không khai thác thì sẽ mất vào năm 2040”, ông Tú nhấn mạnh.
An An (tổng hợp) 14/12/2019 07:28
Dân số Việt Nam dự kiến tăng lên 104 triệu năm 2030 Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 104 triệu, tuổi thọ trung bình là 75, trong đó thời gian ... |
Nhĩ Khang trong Hoàn Châu Cách Cách: Anh nông dân sở hữu 14 triệu USD Dần rút lui khỏi ngành giải trí, chàng Phúc Nhĩ Khang trong Hoàn Châu Cách Cách ngày nào trở thành một nông dân chính hiệu. |
77% dân số Trung Quốc sẽ có một gói hàng mua Alibaba Ngày Độc thân 2019 Tập đoàn Alibaba tung ra “chiêu hot” hòng lập kỷ lục mới trong sự kiện mua sắm trực tuyến Ngày Độc thân 11.11 năm nay. |