Báo cáo thực trạng thực hiện chính sách tiền lương và phụ cấp đối với công chức, viên chức ngành y tế cho thấy, 37,6% nhân viên y tế phải làm thêm công việc ngoài đơn vị để tăng thu nhập, trong đó có có hơn 55% làm thêm đúng chuyên môn và hơn 44% làm thêm những công việc ngoài chuyên môn.
Báo cáo do Viện chiến lược và Chính sách y tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Y tế) thực hiện. Báo cáo được tiến hành tại các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Y tế, 16 viện, bệnh viện và tại các địa phương (6 tỉnh, thành phố).
75,5% số nhân viên y tế được khảo sát có hưởng thu nhập tăng thêm tại đơn vị, trong đó đa số cho rằng thu nhập tăng thêm ít hơn nhiều so với thu nhập từ lương và các loại phụ cấp. Mức độ thu nhập tăng thêm tại các đơn vị được khảo sát có sự chênh lệch lớn, có nơi lên tới 100 lần.
Vẫn theo báo cáo, đa số nhân viên y tế cho rằng lương, các chế độ phụ cấp và thu nhập tăng thêm tại đơn vị chỉ đảm bảo được 1 phần đời sống của gia đình (65%) và đảm bảo không đáng kể (22%).
36% số người làm thêm có thu nhập cao hơn thu nhập trong đơn vị; 8,9% thu nhập ngang bằng với thu nhập từ đơn vị, số còn lại là thấp hơn.
Chỉ có 38% nhân viên y tế được phỏng vấn bày tỏ sự hài lòng đối với công việc hiện tại; số đông thừa nhận là không hài lòng – trong đó có 59,7% cho biết là do chế độ tiền lương không thoả đáng; 24,8% là do các chế độ phụ cấp chưa thoả đáng.
Báo cáo cũng cho thấy, có hơn 35% nhân viên y tế dự định sẽ làm thêm để tăng thêm thu nhập trong thời gian tới; hơn 10% dự định chuyển công tác đi cơ sở y tế khác.
Theo số liệu báo cáo năm 2018, 57/63 Sở Y tế có 810 viên chức bỏ việc với lý do chủ yếu do thu nhập chưa thoả đáng: Thành phố Hồ Chí Minh: 127 trường hợp; Đồng Nai (98); Đăk Lăk (46); Nghệ An (39); Đà Nẵng (32); Ninh Thuận (25)…
Từ số liệu khảo sát này, một trong những kiến nghị của báo cáo là cần xem xét lại việc cải tiến chế độ tiền lương sao cho tương thích vơi những đặc thù về yêu cầu đào tạo và đào tạo liên tục cũng như cường độ, áp lực, trách nhiệm cao trong công việc; về môi trường làm việc độc hại, về thời điểm làm việc; về tâm thế, tâm trạng bất ổn của đối tượng phục vụ nhằm khắc phục được những bất cập của chế độ tiền lương hiện hành đối với nhân viên y tế…