Nguyên Chủ tịch huyện, hai phó chủ tịch cùng 36 cán bộ khác của huyện Sóc Sơn đã bị kỷ luật với các hình thức khác nhau do liên quan đến các vi phạm đất rừng.
Năm tháng sau khi thanh tra thành phố có thông báo kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn, gần 40 cán bộ, công chức các cấp của huyện Sóc Sơn đã bị kỷ luật.
Cưỡng chế công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn vào tháng 4/2019. Ảnh: Võ Hải. |
Cụ thể, UBND huyện Sóc Sơn đã xem xét kỷ luật về mặt chính quyền đối với 80 trường hợp. Trong số này, có 19 trường hợp chưa đến mức kỷ luật; 22 người không bị kỷ luật vì hết thời hiệu (ốm, chữa bệnh); 29 người bị khiển trách; cảnh cáo 6 trường hợp; cách chức 2 trường hợp và buộc thôi việc 2 cán bộ công chức, lao động hợp đồng.
Bên cạnh đó, tập thể lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức kiểm điểm đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện các nhiệm kỳ (2006 - 2011, 2011 - 2016, 2016 - 2021), trong đó có Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện các nhiệm kỳ trên.
Trên cơ sở báo cáo kiểm điểm của huyện, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn - Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn.
Ban Thường vụ huyện ủy cũng đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ huyện ủy ba nhiệm kỳ (2005 - 2010, 2010 - 2015, 2015 - 2020) và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trách nhiệm liên quan trong ba nhiệm kỳ.
Trên cơ sở báo cáo của huyện Sóc Sơn, Ban thường vụ thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban thường vụ huyện ủy Sóc Sơn qua 3 nhiệm kỳ (từ năm 2006 đến nay) cần nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.
Uỷ ban Kiểm tra thành ủy cũng đã có các quyết định xử lý kỷ luật đối với 3 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý: Phó chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; Nguyên Chủ tịch UBND huyện Vương Văn Bút và nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tạ Văn Đạo cùng bị kỷ luật theo hình thức cảnh cáo.
Ngoài ra, Huyện ủy đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Đội Thanh tra trật tự xây dựng đô thị huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đối với ông Đào Văn Sửu và điều chuyển ông Sửu về làm Phó giám đốc Trung tâm quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn.
Cuối tháng 3/2019, thành phố công bố kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm. Ngày 1/4, UBND TP Hà Nội có văn bản giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân liên quan, đồng thời tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm được lập hồ sơ xử lý trong các năm 2017, 2018 trên địa bàn 10 xã và thị trấn Sóc Sơn; Với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, vi phạm trật tự xây dựng giai đoạn 2006-2018 tại thị trấn Sóc Sơn và 10 xã trên, huyện phải lập kế hoạch và thiết lập hồ sơ, phương án xử lý, khắc phục. |
Võ Hải
Hà Nội cưỡng chế công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn Một tháng sau khi kết luận thanh tra được công bố, những công trình vi phạm trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn bắt đầu ... |
Xử sai phạm đất rừng Sóc Sơn: Người trong cuộc nói gì? Các các cán bộ liên quan đến sai phạm đất rừng Sóc Sơn đang được hướng dẫn làm bản kiểm điểm, sai đến đâu xử ... |
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cưỡng chế các công trình vi phạm đất rừng Sóc Sơn Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sáng nay 10-4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu huyện Sóc ... |