Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cầu Vàm Cống là các dự án đang được đốc thúc tiến độ.
Tàu Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nộidự kiến khai thác thương mại trước tết Âm lịch 2019. Hiện dự án chạy thử toàn bộ 13 đoàn tàu hàng ngày từ điểm đầu dự án là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa).
Các đoàn tàu chạy giãn cách 10-12 phút mỗi chuyến và sẽ đạt 5 phút mỗi chuyến khi khai thác thương mại. Hoạt động chạy thử, căn chỉnh các hệ thống thiết bị chuyên ngành như thông tin, tín hiệu, cung cấp điện nhằm xác định thông số kỹ thuật công trình trước khi nghiệm thu.
Tàu Cát Linh - Hà Đông đang chạy thử. Ảnh: Giang Huy. |
Mỗi đoàn tàu có 4 toa dài khoảng 80 m, sức chứa lên đến 1.000 hành khách. Khi vận hành, tàu chạy tốc độ trung bình là 30-35 km mỗi giờ mặc dù có tốc độ thiết kế 65 km/h. Thời gian đi từ điểm đầu đến điểm cuối hết khoảng 30 phút.
Khối lượng xây lắp của dự án đã hoàn thành hơn 96%. Một số công trình như các nhà ga, khu bảo dưỡng (Depot) được lắp đạt khoảng 83% thiết bị.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến khai thác thương mại vào quý 2/2018, tuy nhiên, dự án chậm tiến độ do thiếu vốn nên Bộ Giao thông thay đổi thời gian hoàn thành.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có chiều dài 64 km cao tốc, quy mô 4 làn xe và nâng cấp 110 km mặt đường quốc lộ 1 hiện hữu; tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng theo hình thức BOT, khởi công từ tháng 10/2015.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, do năng lực nhà đầu tư hạn chế, dự án đã đình trệ trong hai năm khiến Bộ Giao thông phải thay đổi nhà đầu tư.
Tuyến cao tốc này có khối lượng đào, đắp nền đường đạt 98%; thi công cấp phối đá dăm 88%; thi công cống các loại 95%, thảm bê tông nhựa 16% và đã hoàn thành toàn bộ 33 cầu. Đến nay, các gói thầu cao tốc đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn vượt so với tiến độ yêu cầu khoảng 4%; dự kiến hoàn thành toàn dự án vào tháng 12/2019.
Thảm bê tông nhựa trên cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: Anh Duy. |
Trong năm tới, dự án tiếp tục thi công các hạng mục móng đường, cầu và thảm bê tông nhựa; xây dựng trạm thu phí, biển báo giao thông, đèn chiếu sáng.
Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn nằm trong tổng thể quy hoạch của cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, nối thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) dài 152 km.
Dự án hầm Cù Mông khởi công tháng 9/2015, điểm đầu tại km 1239+119 Quốc lộ 1 (Bình Định), điểm cuối tại km 1247+739 quốc lộ 1 (Phú Yên), tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, theo hình thức BOT. Ngoài tuyến hầm dài 2,6 km còn có đường dẫn dài 4 km, đạt vận tốc thiết kế 80 km/h.
Hầm chính gồm hai hầm đơn cách nhau khoảng 30 m. Giai đoạn một sẽ hoàn thiện trước một hầm để khai thác hai chiều; hầm còn lại chỉ đào thông và xây dựng kết cấu chống đỡ, được sử dụng như hầm lánh nạn.
Nhà thầu đang hoàn thiện hầm Cù Mông. Ảnh: Anh Duy. |
Theo Ban quản lý dự án, hiện khối lượng xây dựng hầm Cù Mông đạt 98%, đường dẫn phía Bắc và phía Nam đạt 95%, thiết bị trong hầm đã lắp đặt đạt 95%. Hầm Cù Mông sẽ được thông xe vào ngày 21/1/2019 và miễn phí cho các các phương tiện lưu thông dịp Tết Nguyên đán.
Đèo Cù Mông nằm trên quốc lộ 1A của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và một phần trên địa phận tỉnh Phú Yên, là một trong những đèo núi hiểm trở nhất Việt Nam. Hầm Cù Mông hoàn thành được kỳ vọng xóa điểm đen tai nạn giao thông trên đèo này và rút ngắn quãng đường lưu thông giữa Bình Định và Phú Yên.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), được hợp long trong tháng 9/2017.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án thông xe vào cuối năm 2017. Tuy nhiên tháng 11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị đã phát hiện dầm ngang CB6 bị nứt. Vết xé rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m.
Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng và các chuyên gia đầu ngành đánh giá nguyên nhân, lựa chọn giải pháp khắc phục là thay thế 60% diện tích dầm thép ngang để khắc phục vết nứt cầu Vàm Cống.
Cầu Vàm Cống. Ảnh: Cửu Long. |
Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, đến nay các đơn vị thi công đã hoàn tất 26 trong tổng số 38 bước thực hiện việc sửa chữa cầu Vàm Cống theo thiết kế được phê duyệt.
Sau khi dầm thép mới được thay thế, cần khoảng 3 tháng để các đơn vị thi công sơn, hoàn chỉnh mặt cầu, căn chỉnh dây văng. Tháng 4/2019, công trình sẽ được kiểm định trước khi nghiệm thu cấp nhà nước và dự kiến khánh thành vào đầu tháng 7.
Đây là cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, cách cầu Cần Thơ khoảng 48 km và bến phà Vàm Cống khoảng 3 km. Công trình này kết nối quốc lộ 91 (phía TP Cần Thơ) tới tuyến đường tránh TP Long Xuyên (An Giang), là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.
Những vấn đề định hình thế giới năm 2019 Căng thẳng Mỹ - Trung khó tiêu tan, quốc hội Mỹ sẽ cứng rắn với Thái tử Arab Saudi còn Nga - Mỹ có thể ... |
Năm 2019, lương tối thiểu vùng tăng thêm 200.000 đồng Mức lương tối thiểu vùng trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất từ 2.920.000 đến 4.180.000 đồng mỗi tháng, tùy khu ... |