Bắc Kinh đã kêu gọi Washington nới lỏng các hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao của Hoa Kỳ sang Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp chuyên cơ xuống Bắc Kinh (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Bắc Kinh vào chiều ngày 8/11 để bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của ông trên cương vị Tổng thống.
Chỉ vài giờ sau khi ông Trump đặt chân xuống Bắc Kinh, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác thương mại trị giá 9 tỷ USD.
Theo đó, hai nước đã ký tổng cộng 19 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực sinh học, hàng không, sản xuất thông minh…, cùng một thỏa thuận của công ty Reignwood International mua thêm trực thăng từ hãng Bell Helicopter của Mỹ.
Buổi lễ ký kết diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, trước sự chứng kiến của Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Uông Dương cho biết:
“Việc ký kết hợp đồng giữa hai nước hôm nay chỉ là màn ‘khởi động’ và điều tuyệt vời còn ở ngày mai [9/11].
Những thỏa thuận này sẽ góp phần ổn định quan hệ kinh tế chung giữa hai nước”.
Bên cạnh đó, ông Richard Liu, Giám đốc điều hành của công ty thương mại điện tử JD.com tuyên bố, Trung Quốc sẽ mua 2 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong ba năm, trong đó sẽ có hơn một nửa là các sản phẩm thịt bò và thịt lợn.
“Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ yên tâm khi biết rằng họ có thể mua các sản phẩm thịt chất lượng cao, an toàn được nhập khẩu từ Mỹ”, Liu nói. [1]
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết:
Các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào ngày 9/11 sẽ tập trung vào giải quyết sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước.
“Việc giải quyết vấn đề mất cân đối trong thương mại giữa hai nước sẽ là một trọng tâm của các cuộc thảo luận hợp tác song phương giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập nhằm đạt tới sự đối xử công bằng và đối ứng cho các công ty hai nước”, ông Ross nói.
Hồi tuần trước, ông Trump cũng đã lên tiếng chỉ trích về giá trị thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc so với Hoa Kỳ.
Ông Trump gọi đó là nỗi “xấu hổ” và là một sự “khủng khiếp” đối với Mỹ.
Đồng thời, ông cáo buộc Bắc Kinh về những thực tiễn thương mại không lành mạnh, từ đó làm dấy lên những lo lắng về sự căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia thương mại lớn nhất thế giới này.
Theo các dữ liệu cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tăng 8,3% trong tháng 10 năm nay, trong khi nhập khẩu tăng 4,3%.
Điều này dẫn đến thặng dư thương mại 26,62 tỷ USD vào tháng trước, giảm so với mức kỷ lục 28,08 tỷ USD của tháng 9, nhưng vẫn ở mức cao.
Hiện tại, 19 hợp đồng thương mại đã được ký kết, tuy nhiên, một số công ty trong cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn tỏ ra lo lắng.
Bởi không rõ liệu các hợp đồng mới được ký kết này có thể giải quyết được các khiếu nại kéo dài đối với những hạn chế về tiếp cận thị trường ở Trung Quốc và thâm hụt thương mại hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phái đoàn được sự chào đón nhiệt tình của người dân Trung Quốc (Ảnh: Reuters) |
Ông Ross cũng nhấn mạnh thêm lời phát biểu của ông Uông Dương rằng, vào ngày 9/11, sẽ có một buổi lễ ký kết hợp tác thương mại song phương “quan trọng hơn” giữa hai nước.
Trong số các công ty dự kiến sẽ ký hợp đồng mới trong buổi lễ quan trọng này là Qualcomm, Boeing và Goldman Sachs. [2]
Có thể nhận thấy, liên quan đến lĩnh vực thương mại, chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Trump, ngoài việc tăng cường hợp tác giữa hai nước bằng việc ký kết các hợp đồng mới, còn mục đích quan trọng hơn là làm thế nào để đảm bảo sự cân bằng thương mại giữa hai nước hiện nay.
Mặc dù, đã có 19 hợp đồng thương mại mới được ký kết ngay khi ông Trump đặt đến Bắc Kinh, nhưng Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ và các đại diện của 29 tập đoàn công nghiệp nước này vẫn tỏ ra quan ngại về một sự thúc đẩy cân bằng thặng dư thương mại giữa hai nước.
Đồng hành với những lo ngại này, các chuyên gia cho rằng, mặc dù mong muốn của Hoa Kỳ là rất rõ, tuy nhiên, Trung Quốc lại có một cái nhìn khác về cách giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại.
Theo đó, Trung Quốc không chỉ ký kết các hợp đồng thương mại mới với Hoa Kỳ - một điều được cho là sẽ giúp cân đối lại thặng dư thương mại, mà còn đề xuất một mối quan hệ kinh tế rộng hơn giữa hai nước và cũng muốn mua nhiều sản phẩm chế tạo cũng như năng lượng của Hoa Kỳ.
Điều đó được cụ thể hóa trên các yêu cầu sau đây của phía Trung Quốc.
Thứ nhất, Hoa Kỳ cần phải nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghệ cao.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã kêu gọi Washington nới lỏng các hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao của Hoa Kỳ sang Trung Quốc, tuy nhiên vẫn chưa được phía Hoa Kỳ đáp ứng.
Bởi vậy, trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 9/11, ông Tập sẽ tiếp tục đưa ra đề xuất này, bởi Trung Quốc coi đây là một động thái giúp giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Thứ hai, Trung Quốc muốn Hoa Kỳ hợp tác nhiều hơn nữa trong nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực như không gian và hàng không.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wei Jianguo đã đề nghị hai nước nên hợp tác trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ, công nghệ năng lượng mới, các thành phố thông minh và phát triển bền vững.
Trung Quốc hiện đang hướng tới việc thúc đẩy chuỗi các ngành công nghiệp ngày càng trở nên sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, các đối tác thương mại lớn như Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) lại đang tỏ ra quan ngại về sự bảo trợ của chính phủ Trung Quốc đối với các ngành công nghiệp của nước này.
Đồng thời, họ cũng lo ngại về những mối liên quan đến an ninh quốc gia do sự “thèm ăn” ngày càng gia tăng của các công ty Trung Quốc đối với các công nghệ nước ngoài.
Bởi vậy, trong cuộc hội đàm với ông Trump, ông Tập sẽ trấn an Hoa Kỳ và EU về những lo ngại này, đồng thời yêu cầu Washington hợp tác nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Thứ ba, Trung Quốc sẽ thúc đẩy Hoa Kỳ tích cực tham gia vào sáng kiến Vành đai Con đường và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á.
Hồi tháng 4, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, ông Tập đã hoan nghênh sự tham gia của Hoa Kỳ vào sáng kiến Vành đai Con đường - một dự án cơ sở hạ tầng và thương mại khổng lồ liên kết các quốc gia từ châu Á đến châu Phi của Trung Quốc.
Ông Tập cũng bày tỏ mong muốn sẽ được tiếp cận nhiều hơn với các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của Mỹ. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc sáng lập đến nay đã thuyết phục được 80 quốc gia tham gia, trở thành đối thủ lớn nhất của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á.
Tuy nhiên, ngân hàng này lại chưa có sự tham gia của Mỹ. Do đó, trong cuộc hội đàm này, ông Tập cũng sẽ thúc giục Hoa Kỳ tham gia một cách tích cực vào hai sáng kiến này của Trung Quốc, coi đây là một trong những điều kiện để tăng cường hợp tác thương mại mạnh mẽ giữa hai nước.
Thứ tư, Trung Quốc muốn Mỹ kiềm chế các hoạt động điều tra về các chính sách của nước này liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ theo Điều 301 Đạo luật Thương mại 1974 của Hoa Kỳ.
Hiện nay, Mỹ đang tiến hành một cuộc điều tra về các cáo buộc phía Trung Quốc đã ép các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ hồi đầu năm nay.
Điều này có thể sẽ cho phép Hoa Kỳ áp đặt mức thuế trừng phạt lên các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Bởi vậy, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Donal Trump, ông Tập cũng sẽ tìm kiếm cách giải quyết vấn đề thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm tránh căng thẳng thương mại giữa hai nước. [3]
Chưa biết việc giải quyết những bất đồng thương mại Trung - Mỹ trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo như thế nào, và hai bên sẽ tiến tới ký kết những hợp đồng quan trọng ra sao, nhưng các chuyên gia nhận định:
Với các yêu cầu mà phía Trung Quốc nêu ra, Hoa Kỳ cần phải có cách nhìn nhận tích cực và hướng ứng, thì mục đích cân bằng thặng dư thương mại với Trung Quốc mới có thể đạt được một cách đầy đủ.
Chiến thuật \'trải thảm đỏ\' quyến rũ ông Trump của Trung Quốc Trung Quốc dường như đang muốn trải thảm đỏ lấy lòng Tổng thống Mỹ nhân chuyến thăm của ông tới nước này, chuyên gia nhận ... |
Trung Quốc đón Trump bằng nghi lễ đặc biệt nhất trong gần 70 năm Sáng 9/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức lễ tiếp đón chính thức Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Quảng trường Thiên ... |
Ông Trump tweet về \'buổi chiều đáng nhớ\' tại Tử Cấm Thành Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tweet đầu tiên của mình từ Trung Quốc vào tối 8/11, dù mạng xã hội Twitter luôn bị chặn ... |
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/4-yeu-cau-cua-Trung-Quoc-sau-mon-qua-9-ti-USD-ra-mat-Donald-Trump-post181147.gd