Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cách mạng 4.0 tác động sâu sắc đến các ngành sản xuất chủ lực của VN theo hướng tự động hóa. Nhiều ngành có thế mạnh về nhân lực như dệt - may sẽ mất lợi thế về nhân công giá thấp và tay nghề cao.
Năng suất lao động ngành dệt may đã tăng lên đáng kể trong 10 năm qua. Ảnh: PV |
Có luồng dư luận lo lắng rằng, dệt - may VN sẽ lao đao vì hàng loạt đơn hàng quay đầu về chính quốc. Vậy liệu cách mạng công nghiệp 4.0 có thực sự đe dọa đến ngành dệt - may? Phóng viên Lao Động đã phỏng vấn ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex) - để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Nhân công giá thấp và công nghệ đều không là lợi thế
- Thưa ông, lo ngại về việc ngành dệt - may sẽ khó gượng dậy trong cuộc cách mạng 4.0 là có cơ sở?
- Dệt-may là ngành cọ xát với hội nhập và cạnh tranh từ rất sớm. Sau 10 năm tham gia WTO, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt-may Việt Nam (DMVN) đã tăng lên 3,6 lần, nhưng trong đó, giá trị của Việt Nam trong sản phẩm dệt may xuất khẩu lại tăng từ 2,5 tỉ USD năm 2007 lên 16 tỉ USD năm 2017 (tăng trên 6 lần). Đặc biệt, trong khoảng thời gian 15 năm, sau khi chúng ta có BTA với Mỹ (vào năm 2002), KNXK hàng dệt-may của VN tăng lên gấp 10 lần, từ 3 tỉ USD lên 31 tỉ USD năm 2017. Điều này có được là nhờ lợi thế nhân công giá thấp, có kỹ năng tay nghề cao, sự phù hợp của tính cách người lao động VN với nghề dệt-may, cùng vị trí địa lý thuận lợi do có nhiều cảng biển.
Tuy nhiên, trước xu thế phát triển mới của nền kinh tế thế giới, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu diễn ra, với trình độ tự động hóa, robot hóa cao, Internet kết nối vạn vật (IOT) áp dụng vào quá trình sản xuất, lưu thông thì tất yếu lượng lao động cần thiết trên một đơn vị sản phẩm sẽ giảm mạnh.
Đơn cử, trong ngành sợi, trong thập niên 1990-2000, nhà máy với 1 vạn cọc sợi cần đến 110 công nhân vận hành, thì tới năm 2017, với máy móc thiết bị thay đổi hiện đại có tốc độ tăng 20%, cũng nhà máy đó sẽ có năng suất trên đầu người tăng gấp 7 lần, và sử dụng chỉ khoảng 15-20 công nhân (giảm 6 lần nhân sự). Còn trong ngành dệt, vào những năm 1990-2000, thiết bị máy dệt hiện đại nhất có thể đạt tốc độ 400-450 vòng/phút, thì đến năm 2012-2013, máy dệt đạt tốc độ 1.000 vòng/phút.
Hiện nay, máy dệt phổ biến có tốc độ lên tới 1.600-1.800 vòng/phút, cho sản lượng tăng gấp 4 lần. Không những thế, với xu thế IOT, các khâu trong quá trình sản xuất, lưu thông được kết nối với nhau nên chi phí quản lý, thiết kế cũng được giảm đi đáng kể. Như vậy, lợi thế về nhân công giá thấp sẽ không còn, dẫn đến nguy cơ sản xuất hàng dệt-may sẽ dịch chuyển ngược trở lại các quốc gia phát triển.
Thực tế, khi khâu sản xuất dệt-may trở về với các quốc gia phát triển, nơi là trung tâm tiêu thụ hàng thời trang, sẽ có lợi thế về vận chuyển, bởi hàng sẽ ra thị trường với tốc độ nhanh hơn. Mà trong ngành hàng thời trang, thì tốc độ từ khi thiết kế cho đến khi hàng ra thị trường là một yếu tố cạnh tranh quan trọng.
Như vậy, DMVN đứng trước bối cảnh bị kẹt về lợi thế, nhân công giá thấp của VN không so được với các quốc gia như Bangladesh, Campuchia, nhưng về công nghệ lại không thể cao bằng các quốc gia phát triển. Nếu chúng ta không có chiến lược chuyển đổi hợp lý, lựa chọn đầu tư đúng đắn thì sẽ gặp trở ngại lớn để duy trì sự tồn tại và phát triển.
Đón 4.0 mà không cắt giảm việc làm
- Vậy dệt - may VN sẽ “thoát ra” bằng cách nào, thưa ông?
- Ngành DMVN đặt quyết tâm tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, sẽ đi con đường nào, và bằng phương thức nào? Trước hết, để có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh, thì năng suất lao động của DMVN phải tăng. Nhưng chúng ta không chọn tăng năng suất bằng tay nghề lao động, mà phải bằng công nghệ. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải đầu tư tiếp cận công nghệ hàng đầu của thế giới, giảm lượng lao động trên một sản phẩm.
Như vậy, các DNDM có thể tăng năng suất, rút ngắn thời gian giao hàng, cùng với đó là tăng lương cho người lao động (NLĐ), thu hút được nhân sự và đồng thời giải quyết được bài toán cạnh tranh nhân sự.
- Vấn đề quan ngại đặt ra, là liệu ngành sản xuất DM có giảm đáng kể lượng nhân sự, khiến một số người lao động mất việc làm?
- Hiện nay, ngành DMVN đang tạo ra số lượng xấp xỉ 3 triệu việc làm. Đây là một con số ấn tượng. Có thể thấy rằng, ngành DM tạo ra số lượng việc làm cao nhất trong các ngành công nghiệp của đất nước. Thực tế cho thấy, khi các DNDM dịch chuyển về các tỉnh, luôn thúc đẩy GDP của tỉnh tăng cao, cũng như KNXK tăng vọt, thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh.
Khi người nông dân chuyển dịch nghề, trở thành người công nhân, họ đồng thời dần thay đổi ý thức lao động công nghiệp hóa, sống hiệu quả hơn, loại bỏ dần những thói quen lè phè, đủng đỉnh lãng phí thời gian vô ích trong những việc làng, nhờ đó mà dành thời gian học tập, tiến bộ, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, hạn chế tệ nạn.
Những năm gần đây, xuất khẩu DMVN liên tục tăng ở mức 3 tỉ USD/năm. Để đạt mức tăng trưởng ấn tượng này, thì một nửa trong số đó dựa vào sự đầu tư mới các nhà máy sản xuất. Nhưng với phương thức đầu tư vào công nghệ hiện đại, thì chúng ta không cần mở thêm nhà máy mới, vẫn sử dụng lượng nhân công như cũ mà vẫn tăng trưởng nhờ tăng năng suất. DMVN đang ở vị thế tốt trên thị trường với lượng khách hàng truyền thống ổn định.
Trong thời điểm này, việc chuyển đổi công nghệ hiện đại theo lộ trình là phương thức đúng đắn để chúng ta giữ được đơn hàng và việc làm đủ cho người lao động, không phải giảm bớt nhân công. Trong cả ba lĩnh vực: Sợi - dệt - may chúng ta đều phải tiết giảm chi phí lao động trên một đơn vị sản phẩm để đảm bảo sự tồn tại và phát triển trong khi tham gia cuộc cách mạng công
nghiệp 4.0.
- Xin cảm ơn ông.
Cảnh báo dư lượng hóa chất độc hại trong hàng thời trang Báo cáo gần đây từ chương trình Không xả thải hóa chất độc hại (ZDHC) cho thấy, ngành dệt may – da giày và thời ... |
2,5 triệu công nhân trả nợ cho một “quả đấm thép” 38.000 tỉ đồng nợ nần của một “quả đấm thép” bằng số tiền tổng thu thuế của Quảng Ninh cả năm. Bằng giá trị sản ... |
Những \'kiếp nạn\' của doanh nghiệp Cách đây ít lâu, một người bạn làm doanh nghiệp chia sẻ cho tôi một danh sách 81 thủ tục mà dự án của anh ta phải xin ... |
86% lao động dệt may có thể mất việc vì cách mạng 4.0 Tạo ra sự thay đổi lớn nhưng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lại là phép thử, đào thải lao động nhân công giá rẻ, ... |
(https://laodong.vn/thi-truong/40-co-de-doa-viec-lam-cua-nguoi-lao-dong-nganh-det-may-574653.ldo)