Thành tích của các con cuối mỗi năm học là niềm vui, sự tự hào của các bậc phụ huynh. Nhưng, nếu thành tích ấy là thành tích ảo, thì nó xứng đáng là… nỗi lo sợ của cả nhân loại.
Mùa bế giảng, mùa của rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Trên mạng xã hội, các phụ huynh tự hào chụp ảnh giấy khen, bằng khen để khoe thành tích của con sau một năm học tập đầy nỗ lực. Niềm vui ấy còn được nhân rộng tới khắp các hang cùng ngõ hẻm, qua nhiều câu chuyện “khoe con, khoe cháu” một cách đầy thỏa mãn của những người làm cha làm mẹ, của ông bà, cô bác nội ngoại...
Ấy vậy mà, hòa trong niềm vui ấy là nỗi buồn, niềm trăn trở của một vị phụ huynh đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu.
"Tôi mới đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu trai lớp 6. Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá. Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài".
Các vị phụ huynh khác cũng buồn. Nỗi buồn của họ cũng đa dạng lắm. Nhưng chủ yếu, họ buồn vì con đi học được có 9 điểm, buồn vì con thi học sinh giỏi không có giải. Và đặc biệt, buồn vì cuối năm, con không được giấy khen, không được học sinh giỏi hay học sinh xuất sắc của lớp. Tuyệt nhiên, chưa từng thấy vị nào buồn vì con/cháu lọt vào top học sinh giỏi của lớp như người đàn ông đến từ Vũng Tàu.
Tôi nhớ, ngày xưa, hiếm lắm một lớp mới có đôi ba học sinh giỏi. Thế nhưng kể từ ngày giáo dục đổi mới, “dè dặt” trong đánh giá học sinh vì sợ các em bị tổn thương, thành tích ngành giáo dục cũng được “nâng lên” một “tầm cao mới”. Ở nhiều ngôi trường, hiếm lắm mới thấy một vài học sinh khá… còn lại, toàn học sinh giỏi và xuất sắc.
Các con học giỏi, ai là người mừng nhất?
Tất nhiên là thầy cô!
Giáo dục ngoài đua với các ngành khác, còn là cuộc đua nội bộ giữa các tỉnh, địa phương, các trường, các lớp và từng cá nhân. Năm nào lớp thụt lùi là giáo viên chủ nhiệm lo ngay ngáy, đêm ngày “ủ mưu” nâng cao thành tích.
Người mừng tiếp theo, không ai khác là các vị phụ huynh. Dù sao, các phụ huynh luôn mang tâm lý “bằng mọi giá phải đầu tư cho con học”. Để làm gì? Để con bằng bạn bằng bè, để con thoát ly sau này đỡ khổ… Và vì thế, chẳng có lý do gì để họ không có quyền được mừng vui, được tự hào khi con cái họ học hành giỏi giang, giấy khen “treo không hết”.
Học sinh giỏi, tốt chứ sao không tốt! Chỉ có điều, sự vui mừng này có gì đó… sai sai.
Tôi biết, có rất nhiều giáo viên vui một niềm vui “không trọn vẹn”. Bởi nỗi, để có được thành tích tạm gọi là “hài lòng” trong cuộc đua giáo dục tại nơi công tác, họ cũng phải “lách”, phải “lắt léo” tìm đường đi cho “trái ngọt” ấy.
Trước đây, học sinh biết mình học kém, không dám thi vào trường này, lớp kia. Giáo viên thấy vậy lo lắng, tìm cách động viên, kèm cặp cho thi bằng được. Bây giờ, thấy học sinh học kém, thầy cô vẫn động viên, nhưng "động viên" không nên thi vào lớp nọ, trường kia kẻo ảnh hưởng thành tích chung của trường.
Không chỉ giáo viên, nhiều vị phụ huynh cũng vui một niềm vui “không trọn vẹn”, khi mà, ngoài việc “đồng hành” cùng con trong những buổi học, cha mẹ cũng phải bỏ công bỏ sức, tìm cách móc nối, “cải thiện” điểm các môn học cho con mình để không có được khen thì cũng không… đúp. Đấy! thành tích của các con, đôi khi lại là cuộc “chạy tiếp sức” điểm số giữa phụ huynh và giáo viên.
Nghịch lý là, câu chuyện này, người trong cuộc ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng tất cả vẫn chọn cách… vui cười.
Người vui vì hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục trong năm. Kẻ vui vì “nở mày nở mặt” với làng xóm láng giềng, họ hàng, đồng nghiệp... Chẳng giáo viên hay phụ huynh nào dám mạnh dạn nói: Học sinh của tôi/con của tôi không xứng với thành tích đó.
Không ít người hẳn vẫn đang băn khoăn trước phản ứng “lạ” của vị phụ huynh ở Vũng Tàu. Riêng cá nhân tôi lại cho rằng, anh xứng đáng là “vị phụ huynh của năm”.
Nhiều vị phụ huynh có lẽ chưa bao giờ lo sợ, xã hội này sẽ xuất hiện những thanh niên “ảo tưởng sức mạnh” dưới cái mác “trò giỏi”; xã hội này sẽ tồn tại những con người luôn coi mình là nhất nhưng không biết yêu thương, tôn trọng người khác; xã hội cũng sẽ sinh ra những đứa trẻ không có trách nhiệm với bản thân, cuộc sống… Nhưng vị phụ huynh ấy thì có!
Vậy, thành tích học tập của các con nếu phi thực tế thì có đáng vui?
* Bài viết thể hiện quan điểm của người viết.
Thưởng học sinh giỏi chỉ bằng tờ giấy: Trưởng Phòng GD&ĐT Cầu Giấy viết thư xin lỗi Thay mặt lãnh đạo Phòng GDĐT quận Cầu Giấy, tôi xin gửi tới các vị phụ huynh, các em học sinh lời xin lỗi chân ... |
42/43 em một lớp nhận giấy khen học sinh giỏi: Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuộc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu cấp quản lý trực tiếp của trường THCS có 42/43 em trong một lớp ... |