Trong bài phát biểu về cuộc đột kích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn về sự hợp tác của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Iraq, Syria và người Kurd. Đáng chú ý, các đồng minh người Kurd của Mỹ ở Syria cũng chính là những người mà Mỹ đã bỏ rơi
1. Đồng minh là tất cả
Trong bài phát biểu về cuộc đột kích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn về sự hợp tác của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Iraq, Syria và người Kurd. Đáng chú ý, các đồng minh người Kurd của Mỹ ở Syria cũng chính là những người mà Mỹ đã bỏ rơi khi họ đột ngột rút phần lớn lực lượng khỏi Syria và mở đường cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lại được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin tình báo cho cuộc đột kích. Đây không phải là ngoại lệ bởi, phần lớn cuộc chiến chống khủng bố về mặt tình báo được thực hiện hoặc thông qua các đồng minh, những người có thông tin trên mặt đất cũng như khả năng hành động tại chỗ, đó là những gì không thể thay thế khi Mỹ không cần triển khai quân rầm rộ.
Nếu Mỹ sẽ tiếp tục chiến đấu với các nhóm khủng bố toàn cầu như IS, họ sẽ cần một loạt đồng minh, từ những đồng minh truyền thống là các quốc gia hùng mạnh tới các bộ lạc và dân quân địa phương có lực lượng tiếp xúc trực tiếp với các chiến binh ở các vùng xa xôi của Somalia, Yemen và các khu vực khác nơi các chiến binh thánh chiến đang hoạt động.
2. Cảnh giác với những thủ lĩnh ẩn mình
Từ sau ngày 11-9-2011, Mỹ đấu tranh để tự tìm diệt những kẻ cầm đầu đội quân khủng bố như Osama bin Laden. Kể từ đó, Washington đã có được sự hiểu biết cùng năng lực hoạt động đặc biệt về săn lùng các thủ lĩnh khủng bố. Tại Pakistan, Syria, Yemen và các quốc gia khác, Mỹ đã tiêu diệt những nghi phạm khủng bố bằng cách sử dụng máy bay không người lái và lực lượng biệt kích. Cái chết của những trùm khủng bố này không triệt tiêu hết các nhóm khủng bố, nhưng làm cho chúng kém hiệu quả hơn, gây khủng hoảng cho đội ngũ lãnh đạo và buộc các thủ lĩnh mới phải thế thủ thay vì lên kế hoạch tấn công.
Vụ tiêu diệt thủ lĩnh IS Baghdadi cũng có khả năng gây ra tác động tương tự. Sau khi thủ lĩnh tinh thần của nhóm không còn, IS sẽ tìm người kế nhiệm và người này sẽ không mạo hiểm để tránh chịu chung số phận như Baghdadi. Tuy nhiên, cần nhớ rằng IS từng phục hồi từ những mất mát về đội ngũ lãnh đạo lớn trong quá khứ.
3. Vùng chiến sự không phải là bất khả xâm phạm
Các nhóm thánh chiến thường chọn “thiên đường” an toàn là các quốc gia suy yếu hoặc đang bị cuốn vào các cuộc nội chiến như Afghanistan, Libya, Somalia và Yemen. Trước ngày 11-9, al-Qaeda đã xây dựng một đội quân ở Afghanistan dường như khó ngăn chặn nổi. Tuy nhiên, cuộc đột kích tiêu diệt Baghdadi chỉ ra rằng, các vùng chiến sự này xâm nhập dễ hơn nhiều so với trước đây. Phối hợp với các đồng minh, Mỹ có thể đánh bom những nơi ẩn náu của khủng bố hoặc đột kích để bắt giữ và tiêu diệt thủ lĩnh cầm đầu. Ngay cả khi Mỹ rút phần lớn binh sĩ khỏi Syria, họ vẫn có khả năng hành động ở đó vì 5.000 quân đang đóng ở nước láng giềng Iraq và Mỹ có thể hành động từ lãnh thổ của các đồng minh khác.
4. Các nhóm thánh chiến đang suy yếu
18 năm sau khi Mỹ phát động cuộc chiến khủng bố, thực tế al-Qaeda đã không tiến hành một cuộc tấn công lớn nào vào phương Tây trong hơn một thập kỷ. Sự sụp đổ của IS và hiện giờ là cái chết của trùm khủng bố Baghdadi đã đặt nhóm này vào thế phòng thủ, buộc nó phải tập trung vào việc sống sót thay vì tiến hành các cuộc tấn công vào phương Tây. Các cuộc tấn công khủng bố ở phạm vi toàn cầu ít hơn nhiều so với dự đoán, một phần là do các công cụ chống khủng bố và phòng thủ của phương Tây đã được cải thiện, nhưng một phần vì sự sụp đổ của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và sự héo tàn của al-Qaeda.
5. Cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn tiếp tục
Dù các chiến binh thánh chiến đã bị tấn công mạnh mẽ đến đâu, điều đáng chú ý là nhiều nhóm vẫn tồn tại một cách bền bỉ. Đại sứ Nathan Sales, điều phối viên chống khủng bố của Mỹ từng cảnh báo về sự lây lan của al-Qaeda sang châu Phi và thậm chí tuyên bố rằng những gì chúng ta thấy ngày nay là một al-Qaeda mạnh mẽ như nó đã từng tồn tại. Ở Iraq và Syria cũng như ở những vùng đất khác nơi các nhóm thánh chiến hoạt động, phần lớn phản ứng của Mỹ sẽ vẫn là săn lùng các thủ lĩnh và ngăn chặn sự phát triển của các “thiên đường” an toàn. Cái chết của Baghdadi là một đòn quan trọng, nhưng nó không phải là kết thúc của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Voi bị đặt tên Osama bin Laden |
Những kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố gây nổ ở Cục Thuế tỉnh Bình Dương là ai? |
Khung cảnh "nát như tương" sau khi Mỹ ra tay diệt trùm IS |