Với tôi, lần tác nghiệp tại hiện trường vụ sập hầm lò khai thác than ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình) xảy ra vào cuối năm 2016 có lẽ là kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian làm báo của mình. Tôi cùng đồng nghệp - phóng viên Trần Hằng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, nơi “2 không” (không điện, không nước) để phản ánh kịp thời diễn biến quá trình lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn, đưa các nạn nhân ra khỏi nơi đổ nát.
1. Với những người làm báo CAND như chúng tôi, việc nhận lệnh, lập tức đến các điểm “nóng” để tác nghiệp đã trở thành trách nhiệm và vinh dự. Sáng 19/11/2016, trước thông tin tại khu vực xóm Đồi, xã Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) xảy ra vụ sập hầm lò khai thác than khiến 3 người mắc kẹt bên trong, Ban Biên tập đã chỉ đạo lãnh đạo Ban phân công tôi cùng phóng viên Trần Hằng lập tức lên đường, có mặt tại hiện trường để thăm hỏi, hỗ trợ gia đình các nạn nhân cũng như phản ánh kịp thời công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng nơi đây.
Do nhận lệnh gấp nên chúng tôi không kịp chuẩn bị tư trang. “Hành lý” chúng tôi mang theo là những phần quà của nhà hảo tâm thông qua Báo CAND chia sẻ với gia đình các nạn nhân và chiếc ba lô đựng phương tiện tác nghiệp. Trên xe, những suy nghĩ “phải có mặt tại hiện trường thật sớm”, “làm sao để đưa thông tin nhanh nhất về vụ việc”… đau đáu trong tôi. Quốc lộ 6 dẫn chúng tôi lên huyện Tân Lạc cứ thế hun hút khi cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống.
Đầu giờ chiều, chúng tôi có mặt tại hiện trường vụ sập hầm lò. Không khí tang thương bao trùm lên khu xóm vốn chỉ có cỏ cây và núi rừng yên tĩnh. Cuộc đua với thời gian của lực lượng chức năng đầy căng thẳng và cam go.
Hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, dân quân tự vệ và nhân viên Trung tâm Cấp cứu mỏ của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản đang ngày đêm “căng mình” triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Khả năng sống sót của các nạn nhân bị mắc kẹt là rất ít, song mọi người đều nghĩ “còn nước, còn tát”.
Sau khi thăm hỏi, trao quà hỗ trợ gia đình các nạn nhân, chúng tôi được đồng chí Trưởng Công an huyện Tân Lạc (khi ấy là Đại tá Trần Mạnh Hải) tạo điều kiện cho vào khu vực cửa hầm lò để tác nghiệp. Những tảng đá lớn bịt kín đường lò dẫn vào vị trí các nạn nhân bị mắc kẹt, chốc chốc lại được lực lượng cứu hộ vận chuyển ra ngoài.
Dưới lán trại dã chiến, Ban Chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ liên tục cập nhật thông tin bên trong hầm lò, đồng thời đưa ra phương án cứu hộ an toàn nhất. Trong quá trình cứu hộ, cứu nạn, chỉ một chút bất cẩn, việc triển khai cứu hộ không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, sự cố sập hầm “thứ phát”, hậu quả khôn lường xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Để có thông tin đầy đủ, tôi cùng phóng viên Trần Hằng chia nhau tác nghiệp. Tôi có nhiệm vụ tiếp cận lực lượng cứu nạn, cứu hộ, thu thập thông tin từ khu vực cửa hầm lò, còn phóng viên Trần Hằng đảm nhận việc thu thập thông tin quanh khu vực xảy ra sự việc. Nhờ đó, những thông tin “nóng” về diễn biến vụ việc nhanh chóng được cập nhật sinh động trên Báo Điện tử CAND từng phút, từng giờ.
2. Hiện trường tác nghiệp là nơi hẻo lánh. Không điện, không nước. Chính quyền địa phương phải dùng máy phát điện chạy 24/24h. Cùng với đó, đông đảo nhân viên y tế, đoàn viên thanh niên được huy động để vận chuyển nước và lương thực từ trung tâm huyện vào hiện trường. Hàng trăm người chạy đua với thời gian tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt đã được hỗ trợ thức ăn và nước uống một cách kịp thời.
22h, cơn mưa sầm sập đổ xuống. Mưa như trút. Chúng tôi cùng lực lượng cứu hộ và đảm bảo an ninh trật tự bên ngoài ngồi thu mình trong lán trại dã chiến. Ai cũng ngóng về cửa hầm lò - nơi ánh đèn điện le lói hắt ra. Càng về đêm, muỗi rừng, cái lạnh càng “bủa vây” chúng tôi. Trên “chiếc giường” là tấm bạt dứa trải xuống nền đất ẩm thấp, tôi dùng chiếc bao tải trùm kín người. Đêm đó, tôi cùng các phóng viên có mặt tại hiện trường không sao ngủ được. Thi thoảng, phía dưới cửa hầm lò lại có tiếng lao xao, từng tốp nhân viên cứu hộ ra ngoài thay ca. Mỗi lần như vậy là các phóng viên lại nhao lên: “Có gì mới không các anh?”…
Thời điểm đó, sự cản trở lớn nhất đối với tôi trong quá trình tác nghiệp không phải là cái lạnh, là cơn mưa rừng hay muỗi, vắt… mà chính là nguồn điện. Bởi nguồn điện từ máy phát cũng chỉ nhằm cung cấp ánh sáng cho lực lượng chức năng triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Song, không vì thế mà quá trình tác nghiệp của tôi và anh em phóng viên đang có mặt ở đây bị gián đoạn. Thay vì cùng nhau sạc pin máy vi tính, chúng tôi phân chia nhau sạc. Nhờ vậy, chiếc máy tính phục vụ cho quá trình truyền dẫn thông tin về tòa soạn của chúng tôi không bị gián đoạn.
Sang ngày thứ 2, do yêu cầu công tác, đồng nghiệp của tôi - chị Trần Hằng trở về đơn vị. Tôi tiếp tục ở lại hiện trường. Thông tin về hai nạn nhân được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi hầm lò bị sập nhanh chóng được tôi cập nhật, gửi về cho Trần Hằng tổng hợp và trình lãnh đạo duyệt đăng. Độc giả truy cập vào trang Báo Điện tử CAND theo đó nắm được thông tin một cách đầy đủ về quá trình tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nơi xóm Đồi – Lỗ Sơn.
Những ngày sau đó, khi phóng viên một số báo rời khỏi hiện trường và có ý kiến bảo rằng: “Em cứ trở về tòa soạn, có thông tin gì anh sẽ thông báo”, tôi vẫn tin rằng, chỉ ít phút nữa thôi, các anh – lực lượng cứu hộ sẽ đưa được nạn nhân cuối cùng ra khỏi hầm lò, và Báo CAND sẽ là cơ quan báo chí đăng tải thông tin đầu tiên về diễn biến mới nhất vụ việc. Thế rồi, tôi ở lại…
Nạn nhân cuối cùng là anh Bùi V.Q bị đất đá, than vùi lấp ở vị trí trong cùng hầm lò, nên để tiếp cận và đưa nạn nhân ra ngoài, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Sự trở ngại này càng tăng lên khi cơn mưa rừng thi thoảng lại ập xuống đây. Con đường dẫn vào hầm lò trở nên nhão nhoét.
3h sáng ngày 23/11/2016, khi đang thiu thiu ngủ trong lán trại của một hộ dân gần hiện trường, tôi được đồng chí Huyên - cán bộ của Đội Điều tra tổng hợp, Công an huyện Tân Lạc lay dậy. Biết có thông tin về nạn nhân cuối cùng, tôi vội vàng trở dậy, vai khoác ba lô, tay cầm theo chiếc máy ảnh có mặt tại cửa hầm lò.
“Đã phát hiện nạn nhân cuối cùng ở vị trí cuối hầm lò”, đón nhận thông tin này, tôi lập tức gọi điện thoại báo cáo đồng chí Thượng tá Vũ Mạnh Hà (khi ấy là Trưởng ban Điện tử Báo CAND) đang trong ca trực. Chưa đầy 2 phút sau, nội dung “nóng hổi” về nạn nhân cuối cùng trong vụ sập hầm lò được cập nhật trên Báo Điện tử CAND.
Những tưởng, chỉ thời gian ngắn sau, lực lượng chức năng sẽ đưa được thi thể anh Bùi V.Q ra khỏi hầm lò, nhưng không… Một giờ đồng hồ, 2 giờ đồng hồ, rồi 4-5-6…giờ đồng hồ trôi qua, thi thể anh Q vẫn còn trong đó. Thi thể anh Q bị một tảng đá lớn đè lên, xung quanh án ngữ bởi nhiều lớp đất đá.
Lực lượng cứu hộ vừa tích cực phá đá, đào đất, vừa phải thao tác chống lò để đảm bảo an toàn. Bên ngoài hiện trường, từ Ban Chỉ huy đến các lực lượng vẫn “nóng như lửa đốt”. Phía xa, người dân ùn ùn kéo đến để ngóng chờ thông tin. Trong đó, có cả người nhà nạn nhân đã túc trực mấy ngày tại hiện trường. Người nào, người nấy trông đều phờ phạc.
3. Đồng hồ điểm 16h05, sau rất nhiều nỗ lực, thi thể anh Q - nạn nhân cuối cùng cũng đã được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài hầm lò. Vậy là sau 5 ngày liền không ngơi nghỉ, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy và đưa được thi thể các nạn nhân ra khỏi hiện trường. Cuộc chạy đua với thời gian, với những khó khăn, vất vả của lực lượng cứu hộ đã kết thúc.
Sau buổi họp báo cuối ngày, thông tin về diễn biến vụ việc cũng như những vất vả, nỗ lực của lực lượng cứu hộ được cập nhật đầy đủ, kịp thời trên Báo CAND và các ấn phẩm chuyên đề, tôi thở phào nhẹ nhõm. Việc đầu tiên của tôi lúc bấy giờ là “nhờ” anh em Phòng Công tác chính trị - Công an tỉnh Hòa Bình đưa về nhà khách để… tắm.
https://cand.com.vn/doi-song/5-ngay-tac-nghiep-o-hien-truong-vu-sap-ham-than-tai-hoa-binh-i657301/