Giữ hay thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT, nâng chất lượng giáo dục, đảm bảo giáo viên sống được bằng nghề... là bài toán chờ đợi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Ngày 8/4, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, làm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Vị trí này được xem là "nóng" nhất trong Chính phủ nhiều nhiệm kỳ gần đây bởi ngành này có số cán bộ, viên chức đông nhất với khoảng 1,5 triệu, tác động trực tiếp đến hơn 23 triệu học sinh, sinh viên. Giáo dục cũng là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình nên kỳ vọng và áp lực đặt lên vai tư lệnh ngành rất lớn.

Tiếp nhận vị trí mới, tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Giữ ổn định hay thay đổi kỳ tốt nghiệp THPT

Từ năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia ra đời, được gộp từ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đây được coi là bước đột phá trong đổi mới thi cử, khâu quan trọng của lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

5 năm sau đó, kỳ thi liên tục thay đổi, từ việc chuyển hình thức tự luận sang trắc nghiệm, từ thi tập trung ở cụm chuyển về các địa phương, tổ chức lại môn thi để tránh học lệch, học tủ... Các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, khách quan cũng được nâng cấp.

Tuy nhiên, vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình năm 2018 đặt ra nhiều vấn đề cần được giải quyết, đặc biệt khi các kỳ thi được giao cho địa phương chủ trì, các trường đại học chỉ giữ vai trò thanh tra, giám sát.

5 thách thức với tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo
Học sinh trường THPT Trần Cao Vân, TP HCM ôn thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Quỳnh Trần.

Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi được tổ chức muộn hơn một tháng rưỡi so với mọi năm. Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực (1/7/2020), kỳ thi phải đổi tên từ "thi THPT quốc gia" thành "thi tốt nghiệp THPT", mục đích xét tốt nghiệp THPT. Dù vậy, hầu hết trường đại học, cao đẳng vẫn dựa vào kết quả kỳ thi này để tuyển sinh và điểm chuẩn theo đó tăng cao.

Năm 2021, kỳ thi giữ ổn định như năm 2020. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ như thế nào, làm sao đánh giá kết quả học tập của học sinh, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong nhà trường. Các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, có thể tổ chức thi riêng, hoặc xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhưng nếu các trường đua nhau tổ chức thi riêng thì lại gây áp lực cho học sinh, tốn kém cho xã hội vì phải thi nhiều đợt.

Trả lời VnExpress, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định kỳ thi tốt nghiệp THPT nằm trong nhóm việc "nóng, cấp bách, muốn hay không cũng phải làm ngay".

Bài toán đổi mới giáo dục phổ thông

Thực hiện Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về "tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông", cuối năm 2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12). Theo cách tiếp cận mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học.

Chương trình mới đòi hỏi các trường phải có đầy đủ phòng học chức năng để học tập các môn như tiếng Anh, Tin học; lớp học đảm bảo trang bị để triển khai các hoạt động giáo dục; học sinh tiểu học được học hai buổi mỗi ngày. Trên thực tế, không phải địa phương nào cũng có đầy đủ cơ sở vật chất để thực hiện. Là một trong những thành phố lớn nhất nước, kinh tế phát triển hàng đầu, TP HCM chịu áp lực học sinh tăng mỗi năm học. Hàng loạt trường tiểu học ở quận, huyện xa trung tâm có lớp tiểu học sĩ số 40-50 học sinh, có nơi trên 50.

Phương án xây dựng, sửa chữa, mở rộng trường học được thực hiện hàng năm nhưng không theo kịp sự gia tăng dân số. Tổng kết năm 2020 cho thấy, chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân toàn thành phố sắp hoàn thành, nhưng nhiều quận, huyện mới đạt 220 phòng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bài toán về cơ sở vật chất phục vụ chương trình giáo dục phổ thông ở TP HCM diễn ra ở nhiều địa phương.

5 thách thức với tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo
Một lớp học được tổ chức theo mô hình trường học mới tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, tháng 3/2018. Ảnh: Mạnh Tùng.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố tiên quyết là chất lượng và trình độ giáo viên. Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 quy định chuẩn trình độ của giáo viên mầm non là cao đẳng, từ tiểu học đến THPT là đại học. Năm học 2020-2021 cũng là thời điểm các đại phương phải thực hiện việc nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình. Trong 10 năm tới, hơn 200.000 giáo viên phải được đào tạo đạt chuẩn, đây là thách thức không nhỏ với tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của giáo viên đã được bỏ nhưng nhiều chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện vẫn "đeo bám" nhà giáo. Rút bớt những chứng chỉ không cần thiết, minh bạch và đơn giản hóa thủ tục thăng hạng, xuống hạng để giáo viên có nhiều thời gian, tâm trí cho chuyên môn là điều nhiều người mong mỏi.

Dù được đổi mới liên tục song áp lực của chương trình giáo dục phổ thông vẫn được xem là nặng nề với học sinh, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan. Lần đầy tiên, Việt Nam thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa với việc sử dụng nhiều bộ sách cho cùng một môn học. Tuy nhiên, khi vừa triển khai sách giáo khoa mới được gần một học kỳ, dư luận đã phản ứng vì cho rằng sách mới khó, tiến độ quá nhanh và nhiều sạn.

Theo nhiều nhà giáo, đổi mới, cải cách giáo dục là cần thiết nhưng mỗi bước đi cần chậm rãi, chắc chắn và ổn định. Nhiều năm qua, việc đổi mới từ phương pháp, chương trình, đến thi cử diễn ra liên tục nhưng manh mún, thời vụ khiến nhà trường, thầy trò "hụt hơi" chạy theo.

Báo động chất lượng giáo dục đại học

Cảnh báo này nhiều lần được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên gia giáo dục lên tiếng trong những năm qua. Nguồn nhân lực đào tạo ra chưa tương xứng với kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp cử nhân cao, hoạt động đào tạo ở nhiều trường đại học còn lộn xộn, chạy đua theo số lượng.

Năm 2019, một loạt cán bộ Đại học Đông Đô bị khởi tố sau khi cơ quan điều tra phát hiện từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, trường tư thục có trụ sở ở Hà Nội này đã cấp hàng trăm văn bằng 2 dạng "cấp tốc" trong 2-3 tuần hoặc 2-3 tháng với mức phí từ 28 đến 35 triệu đồng. Vụ án càng làm dấy lên nhiều hoài nghi về chất lượng giáo dục đại học, nhất là sau khi bỏ điểm sàn đại học năm 2018, nhiều trường vơ vét thí sinh, hạ điểm trúng tuyển chỉ 3-4 mỗi môn.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng vụ án ở Đại học Đông Đô đặt ra vấn đề gian lận bằng. "Tôi tin không chỉ trường Đông Đô mà còn xảy ra ở nhiều trường khác, nhưng chưa được đưa ra. Trách nhiệm thuộc về nhà trường nhưng Bộ cũng phải có trách nhiệm do buông lỏng quản lý, quy định còn lỏng lẻo", ông Khuyến nói.

Nhiều năm làm trong ngành giáo dục, ông Khuyến nhận thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chủ yếu dựa vào mạng lưới thanh tra, giám sát của mình mà chưa hoặc ít dựa vào giám sát xã hội trong khi đó là cách tốt nhất để phát hiện sai phạm.

Ngoài gian lận bằng cấp, vấn đề nghiên cứu khoa học trong trường đại học cũng khiến nhiều người trăn trở. Theo ông Khuyến, Việt Nam có rất ít trường có thể gọi là đại học định hướng nghiên cứu, gần như 100% chạy theo hoạt động đào tạo, cố gắng tăng chỉ tiêu, hạ tiêu chuẩn tuyển sinh để thu hút thí sinh. Nguồn thu của các trường chủ yếu dựa vào học phí chứ rất ít dựa vào nghiên cứu khoa học trong khi những trường trọng điểm phải chú trọng điều này.

"Ở các nước, trường đại học nghiên cứu thì quy mô tuyển sinh đại học không nhiều mà tập trung vào nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học. Ở Việt Nam thì ngược lại, trường trọng điểm cũng chạy theo tuyển sinh và đào tạo bậc đại học, giành chỉ tiêu của các trường quy mô nhỏ hay trường địa phương", ông Khuyến nói, cho rằng tư lệnh ngành giáo dục bấy lâu này chưa chú ý điều này. Vì vậy, tân Bộ trưởng cần xem xét, quy hoạch lại nhằm đảm bảo chất lượng, đúng sứ mệnh của cả trường trọng điểm và đại học nhỏ.

Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng 2/1998, ông Khuyến nhớ Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói: "Ngành giáo dục đang cần giải một bài toán rất khó là phải thỏa mãn đồng thời yêu cầu tăng số lượng, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo trong điều kiện nguồn lực còn rất hạn hẹp... Kinh nghiệm cho thấy muốn giải được bài toán khó đó phải rất sáng tạo, dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, sự hợp đồng tác chiến của các 'binh chủng' giáo dục, các loại hình đào tạo, loại trường khác nhau".

Đến giờ, qua nhiều đời tư lệnh ngành, ông Khuyến cho rằng việc phát huy sức mạnh tổng hợp là rất ít mà vẫn theo cơ chế manh mún. Trường nào cũng chỉ lo cho sự tồn tại của mình mà ít tính đến lợi ích chung của toàn hệ thống. "Tân Bộ trưởng cần làm việc này, đồng thời chú ý đến việc kế thừa thành quả của người đi trước để nâng cao chất lượng giáo dục toàn ngành", ông Khuyến nhấn mạnh.

Tự chủ đại học còn chông gai

Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 có hiệu lực gần hai năm qua đã trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ quản lý giáo dục đại học, được các trường đại học chờ đợi. Tuy nhiên, tự chủ đại học là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Khi áp dụng các quy định về tự chủ đại học của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 và các văn bản dưới luật, thực tế đã xảy ra nhiều bất cập.

Những xung đột diễn ra gần hai năm qua tại Đại học Tôn Đức Thắng (TP HCM) phần nào cho thấy quy định về tự chủ đại học và việc thực thi còn khoảng cách lớn. Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng gây ra những tranh luận kéo dài về việc thẩm quyền cách chức, quy phạm pháp luật được sử dụng cho quyết định này.

Tự chủ đại học trong vấn đề tổ chức, nhân sự không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 mà còn chịu sự chi phối của nhiều luật khác như Luật Cán bộ, công chức; các quy định tổ chức cán bộ của cơ quan chủ quản. Sự thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật về tự chủ đại học còn xảy ra ở nhóm quyền tự chủ về tài sản, tài chính; học thuật; đào tạo...

Nhận thức của các trường và cơ quan quản lý cũng chưa nhất quán về quyền tự chủ đại học. Tự chủ đại học là không còn cơ quan chủ quản nhưng không đồng nghĩa với việc "muốn làm gì thì làm". Tự chủ phải đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, kiểm định chất lượng, tăng trách nhiệm giải trình với xã hội... Tự chủ là tạo cơ chế để phát triển giáo dục đại học chứ không tạo cơ chế cho lợi ích nhóm, tranh quyền.

Những yêu cầu này đòi hỏi tư lệnh ngành phải tạo ra hệ thống pháp lý tự chủ đại học chặt chẽ, minh bạch và đồng bộ.

Khôi phục vị thế người thầy trong xã hội

Cuối năm 2016, giáo viên cả nước xôn xao khi một số nữ giáo viên ở Hà Tĩnh bị cử đi tiếp khách. Tháng 2/2018, dư luận ngỡ ngàng trước sự việc phụ huynh ở huyện Bến Lức, Long An bắt cô giáo quỳ xin lỗi bởi cho rằng cô phạt học sinh quỳ gối, khiến các em sợ phải nghỉ học.

Một tháng sau đó, một cô giáo dạy Toán trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP HCM bị học sinh "tố" không giảng bài suốt ba tháng lên lớp vì những mâu thuẫn âm ỉ với học sinh. Lãnh đạo UBND TP HCM khi đó nhận định, sự việc là nghiêm trọng, hành vi của cô giáo là bạo hành tinh thần học sinh. Nhiều người nói, chưa bao giờ hình ảnh tốt đẹp của người thầy, vốn được đặt ở vị trí trang trọng và tôn nghiêm trong xã hội, lại bị lung lay như vậy.

Đó chỉ là vài "nét mảnh" trong tổng thể bức tranh về vị thế nhà giáo trong xã hội. Xử lý, kỷ luật, loại khỏi ngành những giáo viên không tốt; chế tài với các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo chỉ là phần ngọn, không thể hạn chế các hành vi tương tự nối tiếp sau đó. Ngành giáo dục cần tạo được cơ chế để mối quan hệ giữa nhà trường và giáo viên, giữa thầy và trò, phụ huynh đi vào nề nếp, vị thế và sự tôn trọng của xã hội với của người thầy được khôi phục.

5 thách thức với tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo
Cô trò trường Mầm non Củ Chi (TP HCM) ở trường, tháng 6/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Người thầy khó có thể tự tin, toàn tâm với học trò khi đầu óc còn còn vướng bận, lo toan cuộc sống mưu sinh. Thực tế, nhiều giáo viên phải "chạy" đua dạy thêm sau giờ dạy chính khóa, nhiều người bị kỷ luật vì dạy thêm "chui". Nạn phong bì cho thầy cô giáo mỗi dịp lễ lạt trở thành gánh nặng cho phụ huynh và nỗi chạnh lòng của giáo viên. Phần lớn câu chuyện đáng buồn này đều xuất phát từ thực tế lương giáo viên quá thấp, không đủ sống. Lời hứa "giáo viên sống được bằng lương" từ các nhiệm kỳ trước đó vẫn còn dang dở.

"Người ta đọc được tương lai một quốc gia bằng cách nhìn vào giáo dục. Đọc tương lai của giáo dục bằng cách nhìn vào cư xử của xã hội với nhà giáo...", một nhà giáo lão thành ở TP HCM nói trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nâng cao vị thế nghề giáo, nhà giáo kể cả trên bục giảng lẫn đời sống thường ngày là "bài toán" lớn cho tân tư lệnh ngành giáo dục trong nhiệm kỳ tới.

Đảm đương trọng trách tư lệnh ngành giáo dục, ông Nguyễn Kim Sơn còn hàng loạt bài toán khó của ngành như: Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở phổ thông, hiện đại hóa nền giáo dục theo xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, nền tảng để ứng phó trước đại dịch...

Tân Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo: "Tôi cảm thấy áp lực từ nhiều phía" Tân Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo: "Tôi cảm thấy áp lực từ nhiều phía"

Được phê chuẩn làm Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo, ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ cảm thấy "áp lực đến từ nhiều phía", ...

Chân dung tân Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn Chân dung tân Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo ...

/ vnexpress.net