Cầu Thủ Thiêm 2, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng tuyến Hoàng Hoa Thám cùng 3 dự án xây cầu lớn ở TP HCM chờ mặt bằng.
Khởi công năm 2015, cầu Thủ Thiêm 2dài hơn 1,4 km, 6 làn xe, tổng vốn gần 3.100 tỷ đồng đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nối quận 1 và 2. Đây là công trình được đánh giá quan trọng cho giao thông TP HCM bởi ngoài kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố còn giúp giảm ùn tắc nút giao Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh và Lê Thánh Tôn (quận 1).
Công trình cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, năm 2020. Ảnh: Hữu Khoa. |
Tháng 9 năm ngoái, công trình đạt khoảng 70% khối lượng nhưng nhưng không thể thi công tiếp hai nhánh cầu ở phía quận 1 do vướng mặt bằng với diện tích khoảng 13.000 m2. Trong đó phần đất bị vướng nhiều nhất do Tổng công ty Ba Son (thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng) quản lý, chiếm hơn 11.000 m2. Mặt bằng chưa giải tỏa xong nên dự án được gia hạn thời gian hoàn thành vào tháng 9 năm nay. Chính quyền TP HCM đang tích cực làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sớm thu hồi đất để hoàn thành dự án.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dài 4 km,được TP HCM thông qua chủ trương đầu tư năm 2016, nhằm phá thế độc đạo đường Trường Sơn ra vào sân bay Tân Sơn Nhất; giảm kẹt xe đường Cộng Hoà, Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Lăng Cha Cả... Năm 2019, dự án được điều chỉnh vốn lên 4.800 tỷ đồng, mở 6 làn xe thay cho 4 làn. Việc thay đổi này nhằm đáp ứng khi Tân Sơn Nhất xây thêm nhà ga T3 - nâng công suất 50 triệu lượt hành khách mỗi năm khiến áp lực giao thông tăng cao.
Kẹt xe trên đường Trần Quốc Hoàn, đoạn qua vòng xoay Lăng Cha Cả, năm 2020. Ảnh: Gia Minh. |
Đến nay dự án đường nối chưa được triển khai do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần vướng mắc đất quốc phòng. Tổng diện tích dự án đi qua đất do quân đội quản lý khoảng 11,8 ha. Tháng 11 năm ngoái, Bộ Quốc phòng thống nhất phương án ranh dự án, song đề nghị TP HCM phối hợp các bên hoàn tất thủ tục liên quan. Bộ cũng đề nghị thành phố cập nhật khu đất nói trên vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng ở TP HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050.
Trong bối cảnh ga T3 sân bay chuẩn bị khởi công và dự kiến hoàn thành năm 2023, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) cho biết việc đầu tư dự án đường nối càng cấp bách để kết nối đồng bộ. Nếu chờ cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất sẽ cần nhiều thời gian, vì vậy chủ đầu tư đang kiến nghị tách riêng khu đất nói trên làm thủ tục trước nhằm sớm triển khai dự án.
Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) từ đoạn qua cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, dài hơn 780 m, rộng 22 m. Dự án được phê duyệt tháng 10/2016 với tổng đầu tư 255 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 170 tỷ đồng.
Việc mở rộng đường Hoàng Hoa Thám trước đó ước tính tổng diện tích cần thu hồi hơn 4.200 m2, trong đó đất quân đội do Sư đoàn 367 quản lý hơn 3.300 m2. Hiện, phần đất này TP HCM ủy quyền quận Tân Bình thực hiện các thủ tục, cập nhật chính xác diện tích thu hồi để đưa vào phương án bồi thường.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư), mặt bằng tại dự án nếu được bàn giao trong quý 3, công trình sẽ khởi công vào quý 4 năm nay và hoàn thành sau 6 tháng. Đường khi mở rộng giúp cải thiện tình trạng kẹt xe ở khu vực, đặc biệt khi ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đưa vào khai thác khiến giao thông khu vực này dự báo tăng cao.
Ngoài các dự án nói trên, 3 cây cầu lớn đang xây dựng tại TP HCM cũng bị chậm tiến độ nhiều năm do mặt bằng chưa được bàn giao. Khởi công năm 2017, dự án xây cầu Bưng mới trên đường Lê Trọng Tấn (tiếp giáp giữa quận Tân Phú và Bình Tân), tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng hiện ngưng trệ. Công trình dài 560 m, trong đó cầu dài 212 m, rộng 21-24 m. Kế hoạch ban đầu, cầu Bưng hoàn thành sau 20 tháng thi công, nhưng vướng mặt bằng liên quan hai doanh nghiệp bị ảnh hưởng khiến công trình trễ hẹn.
Công trình cầu Bưng trên đường Lê Trọng Tấn hồi cuối tháng 2. Ảnh: Gia Minh. |
Dự án cầu Bưng khi hoàn thành giúp xóa "thắt cổ chai" trên đường Lê Trọng Tấn đoạn qua khu vực này do hiện chỉ rộng 7 m, thường ùn tắc giao thông. Công trình cũng góp phần chia tải cho đường Trường Chinh - trục chính cửa ngõ phía Tây Bắc ra vào trung tâm thành phố.
Tại TP Thủ Đức, hai dự án trọng điểm cầu Nam Lý và Tăng Long cũng đình trệ nhiều năm do địa phương chưa bàn giao hết mặt bằng cho chủ đầu tư. Năm 2016, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp với vốn đầu tư 857 tỷ đồng khởi công nhằm thay cầu Cống đập Rạch Chiếc - vốn nhỏ hẹp và xuống cấp. Cầu được xây dựng dài 450 m, rộng 20 m và đường dẫn dài 300 m, rộng 30-37 m.
Công trình trước đó dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng đến năm 2019 mới đạt khoảng 39% khối lượng và ngưng thi công từ đó đến nay chờ mặt bằng. Dự kiến năm nay, TP Thủ Đức giao đất để dự án tiếp tục thi công. Cầu Nam Lý khi hoàn thành ngoài giúp giảm kẹt xe trên đường Đỗ Xuân Hợp còn góp phần tạo thuận lợi cho tàu thuyền qua lại sông Rạch Chiếc phía dưới.
Gần đó, dự án cầu Tăng Long bắc qua rạch Trau Trảu trên đường Lã Xuân Oai khởi công tháng 12/2017, dài 680 m, trong đó phần cầu dài 231 m chia làm 2 nhánh, mỗi nhánh 11 m và lề đi bộ. Công trình có tổng vốn 450 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng mới đạt hơn 30% và đang chờ mặt bằng. Cầu xây xong giúp thay cầu cũ nhỏ hẹp ở kế bên và đáp ứng nhu cầu giao thông thủy.
Trước đó năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết trong 75 dự án đơn vị thi công có tới 43 dự án bị chậm trễ do thiếu mặt bằng. Nhiều công trình phải dừng thi công 2-3 năm. Để đẩy nhanh tiến độ, một số dự án được đơn vị thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, "có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó"..
2 dự án trọng điểm ở TP HCM thi công xuyên Tết Ngày cuối năm ở dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh, hàng chục công nhân ... |