Cả thôn Nhân Lý có khoảng 1.800 khẩu, cho tới tối 26.7, thôn mới nhận được 400kg gạo hỗ trợ từ chính quyền cấp trên, tính ra, mỗi người được 200g gạo cho 6 ngày sống chung với lũ.
Vật lộn trong biển nước
Đợt mưa lụt vừa qua không những để lại thiệt hại lớn mà còn làm cuộc sống người dân bị đảo lộn. Thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội là một trong những nơi ngập nặng nhất trong đợt lũ vừa qua. Đường vào thôn ngập mùi tanh tưởi, rác nổi lềnh phềnh mặt nước, nước trong ao tù đen kịt, đặc quánh.
Làng mạc tiêu điều (Ảnh: Thảo Anh)
Tính tới chiều tối 26.7, lối vào thôn Nhân Lý từ bờ đê vẫn chìm sâu trong nước, chỗ nông nhất ngập khoảng 60cm, cá biệt có chỗ ngập lút 2 đầu người.
Sân nhà bỗng biến thành sông
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến, toàn xã có 831 hộ bị ngập với hơn 4.400 nhân khẩu.
Trong đó, phải sơ tán 557 hộ, khoảng hơn 2.800 nhân khẩu, hơn 115ha hoa màu, 8.5ha cây ăn quả, 235ha lúa và hơn 85ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trong đợt lũ lần này.
"Năm nay cứu trợ đã ít hơn nhiều"
Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội có 9 thôn, trong đó có 4 thôn ngập nặng nhất gồm: Thôn Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hài và Hạnh Côn.
Sinh hoạt, chăn nuôi đều gặp khó khăn
Theo ông Phùng Văn Quý, công an viên thôn Nhân Lý, người trực tiếp phát mì tôm, gạo, nước cho bà con trong thôn, UBND xã Nam Phương Tiến đã hỗ trợ 4 lần vào các ngày 23.7, 24.7 và 25.7 gồm 4 lần, với tổng số 485 thùng mì tôm và 400kg gạo.
"Gạo ít quá, chúng tôi phải chờ thêm rồi phát sau", ông Quý nói.
Thôn Nhân Lý có khoảng hơn 330 hộ dân, với 1.800 khẩu. Ước tính sơ bộ, chính quyền đã hỗ trợ người dân thôn Nhân Lý hơn 200g gạo/người.
Sau nhiều phút đi thuyền từ đê vào sâu trong thôn Nhân Lý, phóng viên báo Lao Động đã tìm tới nhà ông Nguyễn Văn Lập, 50 tuổi. Theo ông Lập, nước dâng từ sớm ngày 21.7, từ đó tới nay, gia đình ông được thôn hỗ trợ 3 thùng mì tôm, 3 thùng nước sạch loại 20l, "sống trong bóng tối" vì điện vẫn bị cắt từ hôm 21.7. Trong đợt lũ năm nay, gia đình ông Lập mất trắng hơn 1ha lúa chưa thu hoạch.
Cũng tại thôn Nhân Lý, anh Nguyễn Bá Thành, 32 tuổi, than thở: Gạo và mì tôm hỗ trợ được chia theo hộ gia đình. Mặc dù đã cưới vợ, sinh con và ra ở riêng, nhưng vợ chồng anh chưa tách khẩu mà vẫn để chung với bố đẻ. Do đó, gia đình riêng của anh Thành không nhận được gạo và mì tôm mà xã hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị An, 55 tuổi, cũng trú tại thôn Nhân Lý kể: "Tới chiều tối 26.7, gia đình tôi được hỗ trợ 3 thùng mì tôm và 2 bình nước sạch loại 20l".
Đa số người dân đều ngậm ngùi: "Khổ lắm cháu ạ, nhưng giúp được bao nhiêu thì chúng tôi nhận chứ cũng không dám than phiền gì". Dân làng cho biết, số lương thực cứu hộ chủ yếu do các "Mạnh Thường Quân", những người con xa quê hương giúp đỡ. So với năm ngoái, năm nay ngập sâu hơn nhưng lượng cứu trợ ít hơn hẳn. Năm ngoái mỗi hộ thôn Nhân Lý nhận từ 8 -9 thùng mì tôm.
Thôn Hạnh Bồ có 82 hộ, 485 khẩu đã được xã hỗ trợ 80kg gạo, 100 thùng mì tôm. Theo ông Trịnh Bá Ánh, trưởng thôn Hạnh Bồ, tới sáng nay 27.7 cả thôn vẫn còn khoảng 40 hộ bị ngập sâu, những hộ này vẫn chưa có điện, trong khi những nơi khác đã được cấp điện trở lại từ hôm 24.7.
Những địa phương bị ngập sâu trong xã Nam Phương Tiến cũng đang chống chọi với ngập úng và "bài toán cứu trợ".
Chủ đầu tư con đường nghìn tỷ “lươn khổng lồ, hố tử thần”: "Không có gì ghê gớm..." Đường dự án BOT (đoạn qua Hà Tĩnh) bị hư hỏng, hằn sóng lươn trên đường QL 1A tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Đại diện ... |
Tổng giám đốc mạng lưới đào tiền ảo Sky Mining "bỏ trốn"? Thông tin ông Lê Minh Tâm - Tổng Giám đốc Sky Mining bỏ trốn khiến các nhà đầu tư vào Sky Mining hoảng hốt khi ... |
Công ty Hàn Quốc bị tố che giấu việc đập Lào sụt lún trước khi vỡ Công ty Hàn Quốc tham gia dự án đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bị tố đã phát hiện dấu hiệu đập sụt lún trước đó ... |