Jill Feldman 49 tuổi, điều trị ung thư phổi 10 năm nay. Bố mẹ, ông bà, dì ruột của cô đều đã chết vì bệnh này.  

Năm 13 tuổi, Jill chứng kiến ông, bà lần lượt qua đời chỉ cách nhau một thời gian ngắn. Vài tháng sau, bố cô được chẩn đoán ung thư sau những trận ho dữ dội. Ông qua đời ở tuổi 41. 

14 năm sau đó, ung thư phổi tiếp tục cướp đi sinh mạng mẹ và dì ruột của Jill. Cô mồ côi cả bố và mẹ khi mới ngoài 20, lần lượt chứng kiến 5 người thân ra đi vì chung một căn bệnh.  

Ý thức sự nguy hiểm của căn bệnh mà cả gia đình mắc phải, Jill tới bệnh viện tầm soát ung thư phổi thường xuyên. "Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ mắc ung thư phổi, vì tôi chưa hút thuốc bao giờ", cô nói. 

Jill (áo đỏ) cùng chồng và 4 người con. Ảnh: Today Show 

Năm 2009, trong một lần kiểm tra tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện phổi cô có các nốt tròn trên phim chụp CT, kết luận ung thư phổi. 

"Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi biết mình đang mang căn bệnh từng cướp đi mạng sống của cả bố và mẹ bạn?", người phụ nữ đặt câu hỏi. 

Jill cho biết mọi người thường xuyên hỏi cô "Đã hút thuốc bao lâu rồi", trong khi bản thân chưa từng hút thuốc. "Tuy nhiên dù hút thuốc hay không hút thuốc, bạn đều có nguy cơ mắc ung thư phổi", Jill cho hay. 

Trong 10 năm điều trị, cô trải qua hai ca phẫu thuật, khối u chưa di căn. Cô đang điều trị theo liệu pháp nhắm mục tiêu, ngăn khối u di căn, uống thuốc mỗi ngày tới cuối đời.  

Bên cạnh chăm sóc chồng và 4 người con, Jill dành thời gian đi du lịch, tham gia các chiến dịch nâng cao nhận thức về ung thư phổi, gây quỹ cho các nghiên cứu ung thư, tập trung làm việc để quên đi căng thẳng, đau đớn.  

"Với những gì tôi đã chứng kiến và trải qua, hai chữ 'hy vọng' chưa từng xuất hiện trong đầu tôi khi nhắc đến ung thư phổi. Nhưng bây giờ tôi đã bắt đầu hy vọng vào những phương pháp điều trị này", Jill vừa nói, vừa giơ cổ tay với hình xăm "hope" (hy vọng). 

Hình xăm "Hope" (hy vọng) trên cổ tay trái của Jill. Ảnh: Today

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm với bệnh nhân ung thư di căn chỉ 5%, người chưa di căn là 56%. Những người thường xuyên hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi nhiều nhất, song khoảng 10% bệnh nhân ung thư phổi chưa từng hút thuốc, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ. 

Các dấu hiệu ung thư phổi như ho, khó thở, đau tức ngực thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã nặng. Các chuyên gia y tế cộng đồng khuyến cáo những người hút thuốc lá nên đi kiểm tra thường xuyên vì nghiện nicotin có thể dẫn đến ung thư. Từ năm 2015, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt ít nhất 23 phương pháp điều trị ung thư phổi. 

Lê Hằng (Theo Today

Trúng số triệu đô sau khi biết khỏi ung thư
Sai lầm khi sử dụng thuốc chữa ho không phải ai cũng biết
"Giật mình" những thói quen "rước" ung thư mà người Việt vẫn làm hàng ngày

/ vnexpress.net