Viện kiểm sát đã xin lỗi bà Võ Thị Thương, 94 tuổi, cùng 6 người khác vì 40 năm trước đã bắt oan họ trong vụ cướp tài sản .
Trong 7 người được Viện kiểm sát Tây Ninh xin lỗi công khai tại xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng sáng 31/10, ông Nguyễn Thành Nghị (sinh năm 1918) đã mất sáu năm trước, thân nhân gia đình đến dự.
Những người bị oan sai nhận quyết định đình chỉ điều tra tại VKS tỉnh Tây Ninh hồi tháng 4. Ảnh: Duy Sơn. |
Theo hồ sơ, tối 26/7/1979, nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận xảy ra vụ cướp 5 chỉ vàng. Từ tin báo của nạn nhân, công an vào cuộc điều tra, bắt giữ bà Võ Thị Thương (khi ấy 54 tuổi) cùng bảy người khác trong gia đình.
Họ bị khởi tố, truy tố tội Cướp tài sản riêng công dân theo Điều 6 Sắc luật 03 ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Năm 1983, sau hơn 45 tháng bị tạm giam, cả tám ông bà được thả.
Đầu năm 2018, ông Nguyễn Văn Dũng (61 tuổi) nhận quyết định đình chỉ bị can. Hồi tháng 4, bà Thương cùng sáu người còn lại được minh oan, sau 40 năm mang thân phận bị can.
Tại buổi xin lỗi, ông Nguyễn Văn Dựa, Viện phó Viện kiểm sát Tây Ninh thừa nhận để xảy ra vụ oan sai có phần lỗi của VKS tỉnh Tây Ninh và VKS huyện Trảng Bàng. Trong quá trình điều tra những người có liên quan không thực thi đúng pháp luật, thu thập chứng cứ và để xảy ra oan sai.
"Thời gian giam giữ gần 4 năm là quá dài, để lại nỗi đau suốt 40 năm qua cho họ, không có gì có thể bù đắp được. Thay mặt lãnh đạo VKS tỉnh và cơ quan tố tụng trước đây, tôi gửi lời xin lỗi chân thật nhất đến các nạn nhân", ông Dựa nói.
Ông Nguyễn Công Trung, đại diện ủy quyền của những người oan sai ghi nhận lời xin lỗi và mong muốn VKS sớm tạm ứng bồi thường cho các nạn nhân vì đời sống họ đang gặp nhiều khó khăn. "Giá như lời xin lỗi được diễn ra khi ông Nghị còn sống thì tốt nhường nào", ông Trung nói.
Bốn tháng trước, Viện kiểm sát tổ chức xin lỗi công khai với ông Dũng và bồi thường oan sai hơn 600 triệu đồng.
Phước Tuấn