Trẻ thích nghịch nước, xé giấy khắp nhà,… là hành vi khiến bố mẹ “đau đầu” nhưng thực ra, đó là lúc bộ não của trẻ đang được tư duy, phát huy trí tưởng tượng.

Trong những năm đầu đời, trẻ thường có nhiều hành vi khiến cha mẹ đau đầu như lấy đồ nghịch hay ném đồ khắp nhà. Nhưng trên thực tế, những thói quen tưởng xấu này lại là biểu hiện tự nhiên của sự phát triển.

Bốc đồ ăn bằng tay

Việc ăn uống của trẻ với nhiều bậc cha mẹ là “một cơn ác mộng”. Tuy nhiên, ở độ tuổi 1-3, là giai đoạn trẻ cần được học cách ăn độc lập. Khi tự đưa đồ ăn vào miệng, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú với việc ăn uống, đồng thời rèn luyện khả năng phối hợp tay và mắt, làm tăng sự tự tin và ý thức hoàn thành việc ăn uống.

Lúc này, cha mẹ nên cho trẻ ngồi ăn trong một ghế riêng, đưa cho trẻ một chiếc bát và thìa, kèm theo một cái yếm và để trẻ tự do khám phá các món ăn.

Khi tự đưa đồ ăn vào miệng, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú với việc ăn uống, đồng thời rèn luyện khả năng phối hợp tay và mắt. 

Thích vầy nước

Phần lớn những đứa trẻ đều thích nghịch nước. Chúng có thể lén mở vòi hoặc nghịch nước thật lâu khi tắm, thậm chí là lấy tay đập xuống mặt nước để nước bắn tung tóe.

Nhiều bố mẹ sợ con nghịch nước quá lâu sẽ bị cảm. Nhưng thực ra, trong mắt của những đứa trẻ, nước là một thứ kỳ diệu. Chúng có thể nắm vào bàn tay rồi để nước chảy qua các kẽ tay hay để đồ chơi nổi lên mặt nước.

Trong quá trình tiếp xúc và khám phá với nước, trẻ có thể cảm thấy các nhiệt độ khác nhau, các dạng vật chất khác nhau, giúp kích thích và phát triển các giác quan.

Nếu lo lắng con sẽ làm ướt hết sàn nhà hoặc bị cảm nếu tắm quá lâu, cha mẹ có thể gợi ý một vài trò chơi trong phạm vi kiểm soát và ấn định thời gian thay vì cấm trẻ tham gia vào những trò chơi lý thú.

Thích ném đồ

Trẻ luôn thích ném đồ chơi, điều khiển từ xa hay đồng hồ báo thức ... Chỉ trong chưa đầy vài phút, chúng đã biến căn phòng ngăn nắp trở nên lộn xộn. Cha mẹ khi ấy có thể tức giận nhưng đứa trẻ vẫn cười một cách hồn nhiên.

 Trẻ luôn thích lục lọi và ném đồ.

Trên thực tế, ném đồ là một hoạt động khám phá của trẻ. Chúng sẽ bị cuốn hút bởi những chuyển động của vật. Những thứ đồ vỡ hoặc phát ra âm thanh khiến trẻ càng thêm kích thích và tò mò. Chúng ra sức ném các đồ khác để mở rộng sự khám phá.

Lúc này, thay vì cấm đoán, cha mẹ có thể cất những thứ dễ vỡ, nguy hiểm ra khỏi tầm mắt của trẻ. Sau đó, cha mẹ có thể chuẩn bị một chiếc hộp chứa những quả bóng và cùng thi ném bóng vào hộp cùng con. Khi đáp ứng được nhu cầu ném đồ, trẻ sẽ dần bỏ thói quen ném những thứ khác.

Thích xé giấy

Trẻ con thường thích xé những mẩu giấy. Điều đó khiến trẻ vô cùng thích thú. Nhưng đối với các bà mẹ, ngôi nhà đầy những mẩu giấy vụn thì sẽ thật kinh hoàng.

Trên thực tế, hành động này lại giúp trẻ luyện cách cử động tốt đôi tay. Đứa trẻ sẽ rất ngạc nhiên khi đôi tay xé theo những hướng khác nhau lại tạo ra một hình thù khác biệt. Ngoài ra, các nhà tâm lý học tin rằng, bàn tay là bộ não thứ hai của trẻ. Khi đôi tay vận động cũng đồng nghĩa với việc bộ não của đứa trẻ đang tư duy.

Lúc này, cha mẹ có thể đưa cho con một loại giấy sạch sẽ, không vướng mực, chì,… để xé các hình thù khác nhau, từ đó giúp phát triển tư duy sáng tạo của trẻ.

Thích đi chân đất

Nhiều bà mẹ luôn ép con phải đi dép hoặc giày để chân không lấm bẩn. Nhưng dù mẹ có nhắc nhở thế nào, trẻ vẫn đi chân trần và chạy nhảy khắp nơi.

Trên thực tế, việc trẻ đi chân trần lại có thể giúp kích thích các dây thần kinh ở lòng bàn chân. Ngoài ra, đối với trẻ từ 0-10 tuổi lòng bàn chân vẫn chưa định hình, tốt nhất là đi chân trần. Việc đi giày chỉ có tác dụng cho những điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tránh gây tổn thương chân.

Khi thời tiết không quá khắc nghiệt, cha mẹ nên để con đi chân trần nhiều hơn. Ngoài ra, nền nhà cần được làm sạch và loại bỏ những vật sắc nhọn. Nếu cần, trẻ vẫn có thể đi thêm một đôi tất chống trơn mỏng.

Vẽ ra khắp nhà

Chỉ cần có một cây bút trong tay, trẻ sẽ vẽ ra khắp các bề mặt dù là tường, mặt đất hay khăn trải bàn. Những hình vẽ tưởng chừng nguệch ngoạc nhưng với sự sáng tạo, trẻ có thể vẽ ra một con chim, một chiếc ô tô hay cả một tòa lâu đài,… mà cha mẹ không thể hiểu rõ.

Việc cha mẹ liên tục cấm trẻ vẽ ra nhà sẽ khiến chúng giảm tính sáng tạo. Vì vậy, cha mẹ có thể gợi ý trẻ vẽ lên giấy hoặc có thể dùng một chiếc bảng vẽ treo lên tường để đáp ứng nhu cầu vẽ tranh của trẻ.

Tháo tung mọi đồ đạc

Khoảng 2 tuổi, trẻ bắt đầu phát triển một kỹ năng mới là thích tháo mọi thứ từ đồ chơi hay vật dụng trong nhà để xem có gì bên trong. Chúng chỉ biết tháo mà không thể lắp lại nên đôi khi nhìn thấy đồ đạc bị tháo tung, cha mẹ có thể tức giận và quát mắng trẻ.

Nhưng thực tế, trẻ thường rất tò mò. Việc tháo đồ ra để thử lắp lại có thể giúp trẻ rèn sự tập trung, kiên nhẫn. Ngoài ra, điều này sẽ có lợi cho sự quan sát và khả năng nhận thức của trẻ.

Thay vì để trẻ khám phá những vật dụng gia đình, cha mẹ nên chủ động cung cấp cho trẻ các đồ chơi có thể tháo lắp như ôtô, lego hay các khối hình lắp ráp để thỏa mãn nhu cầu khám phá của trẻ.

Thói quen hàng ngày gây vô sinh ở người trẻ nhưng ít được để ý
Ba thói quen làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn
Thói quen trong quan hệ tình dục khiến cô gái 24 tuổi bị nhồi máu não

/ vtc.vn