''Nếu cầm những đồng tiền của bệnh nhân và sống dựa trên nó thì đó là nỗi nhục của những người làm ngành Y''
Thời gian gần đây, vụ việc một số lãnh đạo công ty VN Pharma chi khoảng 7,5 tỷ đồng tiền hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do công ty VN Pharma nhập khẩu đã khiến dư luận bức xúc.
Đáng chú ý, trong số thuốc mà VN Pharma nhập về có 9.000 hộp thuốc H-Capita 500 mg đều không rõ nguồn gốc, mã vạch trên bao bì không thể hiện được thuốc sản xuất ở đâu, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người.
Phải công khai hồ sơ
Trao đổi với Đất Việt chiều 25/8, bác sĩ Võ Xuân Sơn - Nguyên Trưởng khoa phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, vụ việc này còn rất nhiều điểm cần phải được làm rõ.
\'\'Thứ nhất, cần phải làm rõ số tiền 7,5 tỷ đó là VN Pharma chi cho loại thuốc nào, chi cho số thuốc mà công ty này nhập lậu về hay là thuốc khác?
Vì theo diễn biến của phiên tòa thì rõ ràng số thuốc điều trị ung thư chưa được đưa ra thị trường, vừa về tới Việt Nam thì đã phát hiện được và đình chỉ. Như vậy, có thể khoản tiền hoa hồng 7,5 tỷ đó không phải là của H-Capita 500 mg.
Còn trong trường hợp tiền hoa hồng 7,5 tỷ là của H-Capita 500 mg, thì xem xem các bác sĩ nhận tiền hoa hồng có biết nó là thuốc giả không.
Theo như thông tin mà báo chí đăng tải thì có vẻ như các bác sĩ biết đó là thuốc giả nhưng mà vẫn cứ kê toa cho bệnh nhân.
Nếu mà đúng là các bác sĩ biết là thuốc giả mà vẫn kê toa cho bệnh nhân thì phải mang bác sĩ đó ra xét xử\'\', ông Sơn nhấn mạnh.
Dàn lãnh đạo công ty dược VN Pharma nhập thuốc giả chữa ung thư hầu tòa. |
Bác sỹ Sơn băn khoăn một điều rằng, phiên tòa chưa hề làm rõ vấn đề trên. Phải làm rõ số tiền đó chi cho loại thuốc nào? Thuốc thật hay thuốc giả? Nếu là thuốc giả thì các bác sỹ phải có trách nhiệm như thế nào? Nếu số tiền hoa hồng là của thuốc thật thì phải xem lại cách kinh doanh.
\'\'Nếu việc đưa hoa hồng là hợp pháp và bác sỹ chứng minh được rằng, mình kê đơn loại thuốc này (loại thuốc được trả hoa hồng) vì nó tốt hơn loại thuốc khác thì các bác sĩ không có lỗi.
Còn nếu việc đưa hoa hồng là bất hợp pháp hoặc các bác sĩ kê đơn loại thuốc này thay vì loại thuốc khác (hiệu quả hơn) chỉ vì tiền hoa hồng thì phải xử lý thật nghiêm.
Theo tôi, cách tốt nhất bây giờ là công bố toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ việc đó lên. Bác sĩ nào nhận bao nhiêu tiền, nhận tiền cho loại thuốc nào, công khai hết. Qua đó, dư luận sẽ biết được ai là người nhận tiền, tránh ảnh hưởng đến các bác sỹ khác.
Ở Việt Nam có gần một trăm ngàn bác sĩ, trong số đó có bao nhiêu bác sĩ nhận hoa hồng từ công ty thuốc, vậy mà bây giờ bác sĩ nào cũng mang tiếng nhận hoa hồng\'\' bác sỹ Sơn đề xuất.
Theo Nguyên Trưởng khoa phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, nếu hồ sơ vụ việc được công khai, ông tin chắc rằng trong số những người nhận được hoa hồng từ công ty thuốc, chỉ có một số ít là bác sỹ. .
Góc nhìn đa chiều
Việc nhận hoa hồng từ các công ty thuốc được coi là khá phổ biến. Liệu rằng điều này có ảnh hưởng đến việc cấp thuốc, chữa bệnh cho bệnh nhân hay không? Đưa ra quan điểm về vấn đề này, bác sỹ Võ Xuân Sơn cho rằng:
\'\'Cá nhân tôi không đồng ý với việc bác sỹ nhận hoa hồng từ các công ty thuốc. Bởi lẽ, trong lúc kê đơn thuốc các bác sỹ có thể bị chi phối cái hoa hồng đó, thiếu khách quan, có thể gây thiệt hại cho người bệnh.
Trong trường hợp số hoa hồng đó không ảnh hưởng đến việc cho toa, không ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân, nó chỉ đơn giản là chia sẻ lợi nhuận của nhà sản xuất thì vẫn có thể nhận được.
Nhưng tôi vẫn không đồng ý với việc này vì bản thân các bác sỹ không thể chứng minh được rằng khi mình nhận hoa hồng mình không bị tác động bởi số tiền đó. Do đó, tốt nhất là anh đừng có nhận\'\'.
Theo ông Sơn, vẫn có cách để nhận phần \'\'chiết khấu\'\' từ công ty thuốc bằng cách đi học những khóa đào tạo, nâng cao kỹ năng cho các bác sỹ. Điều này mang lại một lợi ích thiết thực, không những không tác động đến việc kê toa cho bệnh nhân mà còn mang lại lợi ích cho bệnh nhân khi mà trình độ của bác sỹ được nâng lên thông qua những khóa đào tạo đó.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu lương của các bác sỹ ở Việt Nam cao thì sẽ không có chuyện nhận phong bì từ bệnh nhân, hay nhận hoa hồng của các công ty thuốc. Về việc này, bác sỹ Sơn khẳng định, ông không chấp nhận việc lấy phong bì của bệnh nhân hay nhận hoa hồng từ công ty thuốc để cải thiện thu nhập.
"Ai cũng phải cố gắng làm việc để đạt được mức sống như mình mong muốn. Cá nhân tôi và hàng trăm bác sỹ khác mà tôi biết đều không sống bằng những đồng tiền đó. Nhưng họ vẫn làm thêm, hoặc mở những phòng mạch... để bươn chải trong cuộc sống.
Thực sự nếu cầm những đồng tiền của bệnh nhân và sống dựa trên nó thì đó là nỗi nhục của những người làm ngành y.
Cá nhân tôi vẫn nhận phong bì từ bệnh nhân, họ bày tỏ lòng cảm ơn sau khi mình điều trị thành công cho họ. Nghĩa là mình không bị tác động trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Tất cả những phong bì đó, tôi cho công khai tên tuổi địa chỉ người tặng, số tiền cụ thể, đồng thời sử dụng số tiền đó để phục vụ cho các hoạt động từ thiện, ví dụ như chương trình \'\'Dĩa cơm trên tường\'\'.
Những chiếc phong bì từ bệnh nhân lúc này đã mang một ý nghĩa khác, cao đẹp và nhân văn hơn rất nhiều\'\', bác sỹ Võ Xuân Sơn chia sẻ.
(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/75-ty-tien-hoa-hong-vu-vnpharma-giai-tieng-oan-bac-si-3341862/)