Vấn đề cốt lõi của tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế không phải đơn thuần theo hướng giảm số lượng nhân sự mà chất lượng phải được tăng lên.
PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học KTQD Hà Nội đánh giá: tinh giảm biên chế đang là yêu cầu ngày càng cấp bách, nhất là khi, số liệu từ phía Bộ Nội vụ cho biết, quy mô người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ngày một tăng (Khoảng 11 triệu người. Trong số này, bao gồm cả những người ở cơ sở, cấp xã,...), tạo ra áp lực chi thường xuyên quá lớn.
Nước Mỹ, một đất nước có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Như vậy, cứ 160 người Mỹ chỉ phải nuôi một cán bộ hưởng lương. Còn tại Việt Nam, con số này là 9/1, năm 2016 là 40/1. Một bộ máy quá cồng kềnh, nặng gánh nhưng lại kém hiệu quả.
Hàng năm, trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72%. Năm 2018, mục tiêu kéo giảm còn 65%, nhưng tỉ lệ này vẫn cao gấp đôi so với con số phải chi trả nợ (chi trả nợ là 30%) và cao hơn gần gấp 4 lần tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển (khoảng 17% dành cho đầu tư phát triển).
Cứ với diễn biến như hiện tại, nếu không tinh giảm được biên chế, tinh gọn bộ máy sẽ không giảm được chi thường xuyên, không có nguồn đầu tư cho phát triển, kinh tế ngày càng trì trệ, không phát triển được. Bàn về vấn đề này, báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học KTQD Hà Nội.
PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường Đại học KTQD Hà Nội. Ảnh: VnE
Bộ máy cồng kềnh, bội chi...
PV:- Theo ông, vì sao quy mô người hưởng lương của Việt Nam lại cao như vậy? Việc này sẽ tạo ra những gánh nặng, hệ lụy gì?
PGS Hoàng Văn Cường:- Nói tới con số khoảng 11 triệu người đang hưởng lương, thu nhập từ ngân sách nhà nước là bao gồm toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước, các cán bộ của cơ quan dân cử, của các tổ chức xã hội, cán bộ viên chức của các cơ quan hành chính sự nghiệp như giáo dục, y tế, cho đến cán bộ xã phường, tổ dân phố...
Vì thế, quy mô người hưởng thu nhập từ ngân sách nhà nước ở Việt Nam là rất đông. Nói một cách ví von là cứ 9 người sẽ phải nuôi 1 người hưởng lương từ ngân sách.
Tuy nhiên, thực tế số lượng cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý hành chính Nhà nước lại chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số những người đang hưởng thu nhập từ ngân sách.
Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, tổng biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, công chức dự phòng và các hội có tính chất đặc thù của cả nước năm 2019 là 259.598 biên chế, giảm 5.508 biên chế so với năm 2018.
Nếu so sánh với Mỹ ngân sách phải trả lương cho 2,1 triệu người làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước Mỹ, thì chỉ tính riêng số lượng cán bộ công chức nhà nước hưởng lương ngân sách của ta cũng không phải quá lớn.
Như vậy, lý do khiến ngân sách phải chi trả lương nhiều là do Nhà nước đang bao cấp trả lương cho quá nhiều các đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức, đoàn thể xã hội và hơn 1,3 triệu người là cán bộ thôn, khóm, tổ dân phố...
Nếu ngân sách phải chi trả cho toàn bộ hệ thống như vậy, thì rõ ràng, mức chi thường xuyên sẽ rất cao. Trong khi, tiền lương trung bình cho mỗi người lại quá thấp.
Theo quy định về luật ngân sách, chúng ta không cho phép vay nợ về trả cho các khoản chi tiêu dùng, chi thường xuyên, chi trả lương... nhưng cũng không thể nói rằng, chi tiêu thường xuyên quá nhiều mà không tạo áp lực lên nợ công.
Trên thực tế, vay nợ công cũng chỉ được dành cho chi đầu tư phát triển, tuy nhiên trong điều kiện tổng nguồn thu không ngân sách trong nước không tăng, do phải chi thường xuyên quá nhiều nên không còn tiền để đầu tư. Do đó, nguồn đầu tư lại phải đi vay.
Như vậy có nguy cơ, thu ngân sách trong nước chỉ để phục vụ chi tiêu dùng, còn những khoản đầu tư chúng ta lại phải đi vay. Vì thế nói là không gây áp lực trực tiếp lên nợ công là không hoàn toàn đúng, là một cách biện hộ thiếu sức thuyết phục.
Trên thực tế, Việt Nam đã từng rơi vào tình trạng bị thâm hụt ngân sách phải vay cho chi thường xuyên. Đó là năm 2014, khi quyết toán ngân sách cho thấy tổng tiền vay nợ công còn lớn hơn tổng tiền đầu tư. Chứng tỏ, trên thực tế ta đã phải vay để phục vụ chi thường xuyên.
Mất cân đối thu chi trong cơ cấu ngân sách đã ảnh hưởng trực tiếp đến phần cơ cấu để giải quyết chế độ tiền lương. Quá nhiều người hưởng lương trong bộ máy nhà nước trong khi ngân sách có giới hạn thì đương nhiên thực hiện chế độ tiền lương cao là việc không khả thi.
Thậm chí, trong thời gian khá dài ta đã phải giải quyết chế độ tiền lương theo phương thức "rải mành mành", "đồng lương chết đói". Do chế độ "đồng lương chết đói" đã thúc đẩy mọi người phải tìm cách tự kiếm thêm thu nhập, đó là một trong các nguyên nhân căn bản làm tha hóa đội ngũ cán bộ công chức, làm nẩy sinh và gia tăng tình trạng tham nhũng vặt trở lên phổ biến.
Từ chỗ người dân và doanh nghiệp cảm thông với cán bộ có tiền lương thấp đã đưa phong bì cảm ơn khi yêu cầu của học được giải quyết, đã dần tạo ra tâm lý, thói quen trông chờ vào quà cảm ơn của doanh nghiệp, của người dân mỗi khi giải quyết công việc của cán bộ, công chức nhà nước.
Có quà thì làm nhiệt tình, làm tốt, làm nhanh; không có quà thì thờ ơ, hời hợt, thiếu trách nhiệm, thậm chí gây khó khăn để được nhận phong bì.
Các ngành, địa phương khác tinh giản biên chế gấp Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, ... |
Không điểm mặt cán bộ \'cắp ô đi, cắp ô về\' thì khó tinh giản biên chế Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, người đứng đầu nhận thấy được cán bộ năng lực nào yếu kém, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, ... |