Bệnh nhân suy gan nặng, bắt đầu bước vào giai đoạn tiền hôn mê, nếu không ghép gan ngay sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
 

Anh Lưu Trường Trung (sinh năm 1980, Thanh Xuân, Hà Nội) có tiền sử viêm gan B từ nhỏ. 37 năm sau, bệnh nhân mới phát hiện ra do triệu chứng mờ nhạt. Tháng 2/2017, anh đi khám khi thấy vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, thì được chẩn đoán đã suy gan cấp trên nền viêm gan B. Bệnh nhân phải lọc máu và thay huyết tương hàng ngày chờ cơ hội ghép gan.

9 tieng ghep gan cuu song benh nhan tien hon me
Ghép tạng tại bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec

Đầu tháng 7/2017, sức khỏe anh Trung trở nên nguy kịch do gan suy nặng, bắt đầu bước vào giai đoạn tiền hôn mê. Ngay khi tìm được người hiến tạng phù hợp, anh Trung lập tức được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để tiến hành ghép gan cấp cứu.

Bác sĩ Đào Đức Dũng - Trung tâm ghép tạng Vinmec cho biết: "Đây là ca mổ đặc biệt, thời gian chuẩn bị rất ngắn do ghép gan khẩn cấp. Ngay trước khi vào phòng phẫu thuật, bệnh nhân vẫn phải lọc máu, thay huyết tương để duy trì sự sống".

Ông đánh giá, ghép gan là một trong những kỹ thuật ngoại khoa khó nhất. Bác sĩ tiến hành trong điều kiện bình thường đã thấy phức tạp, nếu ghép gan cấp cứu thì càng căng thẳng hơn. Êkip bác sĩ phẫu thuật - gây mê hồi sức - chăm sóc hậu phẫu phải phối hợp chặt chẽ theo quy trình chuẩn. Nhờ kinh nghiệm từ hai ca ghép gan thành công trước đó, nên ca phẫu thuật thuận lợi dù chỉ có một ngày chuẩn bị.

Ca ghép gan kéo dài 9 giờ đồng hồ, anh Trung thoát khỏi tình trạng lọc máu, thay huyết tương, thể trạng hồi phục từng ngày. Sau hai tuần, người bệnh có thể tự ăn uống sinh hoạt, không lệ thuộc vào dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Các xét nghiệm cho thấy mạch máu và khả năng tưới máu của gan ổn định, chức năng gan - thận cải thiện rõ rệt, mọi chỉ số sinh tồn trở về mức bình thường.

9 tieng ghep gan cuu song benh nhan tien hon me
Ca ghép gan khẩn cấp đã cứu anh Trung thoát chết

Anh Trung được xuất viện sau một tháng ghép gan, song cần theo dõi hậu phẫu kết hợp uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. "Lúc tôi hôn mê, gia đình sợ lành ít dữ nhiều. Có thể khỏe mạnh trở lại sau ca ghép gan thực sự là phép màu với tôi", anh Trung kể lại.

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Phú - Giám đốc bệnh viện cho biết, đây là ca ghép gan thứ ba thành công tại Vinmec Times City trong bốn tháng qua. Cả nước từ năm 2004 đến nay có hơn 20 ca ghép gan từ người cho sống. Gần đây nhất là ca ghép gan cho một bệnh nhi suy gan cấp đến từ Thanh Hóa, do Vinmec phối hợp với Bệnh viện Việt Đức thực hiện tháng 4/2017.

Nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam hiện khá lớn với khoảng 1.500 người đang chờ ghép gan. Đây cũng là một trong những lĩnh vực mũi nhọn được Vinmec phát triển, đặt mục tiêu thực hiện 20-30 ca ghép gan; 80-100 ca ghép thận và hàng trăm người ghép tế bào gốc mỗi năm. Bệnh viện cũng xây dựng các quy trình kỹ thuật ghép tạng từ người cho chết não để mở rộng sang các lĩnh vực ghép tim, tụy trong tương lai.

/ Theo An San/Vnexpress