Cơ quan chuyên môn hướng dẫn chung chung, lòng vòng còn các bên liên quan lại than khó, thiếu thông tin trong công tác quản lý, giám sát hoạt động nạo vét, khai thác cát ở lòng hồ thủy điện Ia Ly.

Lùng nhùng giấy phép

Ngày 27/11, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có văn bản phúc đáp tỉnh Gia Lai về việc cung cấp thông tin các doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Ia Ly (giáp ranh giữa huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai với huyện Sa Thầy - TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum)

Theo đó, có 5 công ty gồm: Công ty cổ phần Khoáng sản Cao Nguyên Gia Lai, Công ty TNHH MTV Nhất Quý Gia Lai, Công ty TNHH Khang Minh Đạt, Công ty TNHH Nguyên Hưng và Công ty TNHH BSO Tùng Lâm được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Ia Ly.

anh_2_1700709568533-1701209545723

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị được cấp phép trước khi tiến hành các hoạt động phải thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về khoáng sản, thủy lợi, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho biết, Sở đã có văn bản gửi Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) đề nghị hướng dẫn thăm dò, khai thác khoáng sản trong lòng hồ thủy điện, thủy lợi.

Cục Khoáng sản Việt Nam đã có văn bản phản hồi nêu: Hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Tuy nhiên, pháp luật về khoáng sản hiện nay chưa có quy định việc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản trên cơ sở giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện do Bộ Công Thương cấp. Để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, Cục Khoáng sản Việt Nam đề nghị Sở TN&MT tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT hướng dẫn.

Sở TN&MT tỉnh Gia Lai đã có công văn như yêu cầu. Sau đó, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) có văn bản phúc đáp nêu: Để thực hiện việc khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thì công ty phải được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Việc hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ TN&MT.

Do đó, Cục đề nghị Sở TN&MT tỉnh Gia Lai xin ý kiến Bộ TN&MT về các nội dung liên quan. Bộ Công Thương sẽ có ý kiến góp ý liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện.

Từ các hướng dẫn trên, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho rằng không có cơ sở để hướng dẫn công ty thực hiện các bước tiếp theo liên quan đến công tác cấp phép hoạt động khoáng sản trên cơ sở giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện do Bộ Công Thương cấp. Đồng thời, việc nạo vét cát, sạn sỏi xây dựng trong lòng hồ thủy điện Ia Ly theo giấy phép của Bộ Công Thương không thuộc thẩm quyền quản lý của Sở TN&MT tỉnh Gia Lai.

Trách nhiệm về đâu?!

Theo Phòng CSĐT tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Gia Lai), thủy điện Ia Ly thuộc loại đập, hồ chứa nước đặc biệt quan trọng theo Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được quy định là khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo quy định Luật Khoáng sản.

Đồng thời, thủy điện Ia Ly thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản liên quan đến hành lang an toàn công trình thủy điện theo Quyết định số 1011/QĐ-UBND ngày 7/11/2017 của UBND tỉnh Gia Lai.

Tuy nhiên, vào ngày 12/10, Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện, bắt giữ một số tàu vỏ sắt của Công ty TNHH MTV Nhất Quý Gia Lai đang khai thác cát tại lòng hồ thủy điện Ia Ly. Qua điều tra, cơ quan Công an xác định công ty này đã hoạt động khai thác cát từ ngày 19/9 đến thời điểm bị phát hiện, bắt giữ và yêu cầu dừng hoạt động.

Vào giữa tháng 11/2023, Báo CAND và một số cơ quan thông tấn, báo chí liên tục phản ánh tình trạng lợi dụng giấy phép nạo vét để khai thác, tiêu thụ cát trái phép tại lòng hồ thủy điện Ia Ly thuộc địa phận thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Ngay sau đó, Tổ kiểm tra liên ngành do UBND huyện Chư Păh thành lập đã kiểm tra và xác định bãi tập kết của Công ty TNHH MTV Nhất Quý Gia Lai có khoảng 1.000m³ cát, sỏi, bùn đất và máy móc; bãi tập kết của Công ty TNHH MTV Khang Minh Đạt có khoảng 300m³ cát, sỏi, bùn đất và máy móc. Đáng chú ý, bãi tập kết của 2 công ty này không trùng với tọa độ, sai vị trí ghi trong giấy phép được Bộ Công Thương cấp.

Tổ kiểm tra còn phát hiện thêm bãi tập kết cát của Công ty TNHH Xây dựng Trường Sơn có khoảng 60m³ cát, máy móc và bãi tập kết này được công ty thuê đất của người dân để dựng lên hoạt động.

Nghiêm trọng hơn, Tổ kiểm tra xác định, cả 3 bãi tập kết nói trên đều nằm trong phạm vi an toàn hồ đập của nhà máy thủy điện Ia Ly (dưới cao trình 517) thuộc khu vực nhà máy thủy điện Ia Ly quản lý.

Việc các bãi tập kết cát quy mô lớn, hoạt động rầm rộ ngày đêm trong thời gian dài thuộc phạm vi an toàn hồ đập nhưng không được Công ty Thủy điện Ia Ly phát hiện, xử lý kịp thời đã gây bức trong dư luận địa phương. Dù vậy, ông Đinh Viết Thiện, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly lại cho rằng, phạm vi quản lý rộng (64km2) nên việc theo dõi, giám sát hoạt động của các đơn vị được cấp phép rất khó khăn, nguồn lực đơn vị rất mỏng. Công ty cũng chưa nhận được thông tin nào về đăng kiểm, đăng ký, giám sát hành trình các phương tiện thủy để kiểm soát phạm vi nạo vét có đúng quy định hay không.

Trong khi đó, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh thông tin: Cơ quan chức năng cấp phép nạo vét bùn cát trong lòng hồ thủy điện Ia Ly (bản chất là cát) nhưng lại không có ý kiến của địa phương, kể cả tọa độ tiến hành hút, nạo vét và tọa độ vị trí bãi tập kết của các sản phẩm sau nạo vét.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cho biết thêm: Các doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động lòng hồ nhưng cũng phải thực hiện đúng quy định Luật Khoáng sản. Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ TN&MT hướng dẫn cụ thể để đơn vị hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật liên quan.

Chí Hào / CAND