Đài truyền hình nhà nước NOS của Hà Lan đưa tin hôm 13/6: Tình báo quân đội Hà Lan đã cảnh báo Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) vào năm ngoái về kế hoạch của một quốc gia Đông Âu nhằm cho nổ tung các đường ống Nord Stream 1 và 2 trong khoảng thời gian 3 tháng trước khi chúng bị tấn công.

Thông tin công bố của đài NOS dựa trên một cuộc điều tra chung của NOS, chương trình tin tức truyền hình Hà Lan Nieuwsuur và 2 cơ quan truyền thông Die Zeit và ARD của Đức. Trong báo cáo của mình, đài NOS nói rằng cơ quan tình báo quân đội Hà Lan MIVD ở giai đoạn đầu đã có thể thu thập thông tin chi tiết về âm mưu của một nước Đông Âu nhằm cho nổ tung các đường ống.

Ai đã phá hoại Nord Stream? -0
Hình ảnh vụ rò rỉ khí đốt tuyến Nord Stream 1 trên biển, năm 2022.

Trong khi đó, kênh truyền hình CNN của Mỹ cũng đưa tin: Mỹ đã nhận được thông tin tình báo từ một đồng minh châu Âu vào năm ngoái rằng quân đội nước Đông Âu này đang lên kế hoạch tấn công các đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 và 2. Thông tin trên dựa theo lời của 3 quan chức tình báo Mỹ. Còn tờ báo Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm 13/6 rằng năm ngoái CIA đã nhận được thông tin từ cơ quan tình báo quân đội Hà Lan và đã cảnh báo nước Đông Âu này không được tấn công các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream sau khi nhận được thông tin về kế hoạch này.

Vụ rò rỉ khí đốt trên 2 tuyến ống dẫn khi đốt Nord Stream 1 và 2 của Nga sang châu Âu do các vụ nổ dưới nước được phát hiện vào tháng 9/2022. Các nhà chức trách Thụy Điển lần đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo vào ngày 27/9/2022 về rò rỉ trong các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2, cả hai đều chạy dưới biển Baltic gần Thụy Điển và Đan Mạch. Lời cảnh báo được đưa ra sau khi các nhà địa chấn học phát hiện ra các vụ nổ dưới nước gần các đường ống vào ngày 26/9 và cho rằng “không rõ liệu chúng có liên quan đến rò rỉ hay không”. Cả hai đường ống đều không vận chuyển khí đốt đến châu Âu khi các cuộc tấn công xảy ra; Nga đã chặn dòng khí đốt chảy qua đường ống Nord Stream 1 từ tháng 8/2022 và đường ống Nord Stream 2 đã bị Đức loại bỏ sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhưng, cả hai đường ống vẫn chứa khí. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết trong một cuộc họp báo hôm 27/9 rằng vụ rò rỉ có thể là do “một hành động có chủ ý” chứ “không phải là một cuộc tấn công chống lại Thụy Điển”. Các nước phương Tây khác và NATO đã lặp lại kết luận đó.

Các đường ống Nord Stream 1 và 2 được xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Nga vào Liên minh châu Âu. Tuyến ống Nord Stream 1 được công bố vào năm 1997, trong thời kỳ quan hệ tương đối bình lặng giữa phương Tây và nước Nga thời hậu Xôviết và bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Trong thập kỷ qua, nó là tuyến đường chính vận chuyển nguồn cung cấp khí đốt khổng lồ của Nga sang châu Âu, cung cấp khoảng 35% tổng nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2022. Dòng khí đi qua Nord Stream 1 cung cấp trực tiếp đến Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU, đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt của Moscow để cung cấp năng lượng cho gia đình và ngành công nghiệp.

Nord Stream 2, “dự án chị em” với Nord Stream 1 trị giá hàng tỷ đô la, dài 750 dặm, đã được công bố vài năm sau đó và hoàn thành vào tháng 9 năm ngoái. Nó được dự định cung cấp 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm - hơn 50% lượng tiêu thụ hằng năm của Đức - và có thể trị giá tới 15 tỷ USD cho Gazprom, công ty nhà nước của Nga kiểm soát đường ống, dựa trên cơ sở của nó. giá xuất khẩu bình quân năm 2021.

Nhưng, dự án đã gây tranh cãi ngay từ đầu. Mỹ, Anh, Ukraine và một số nước EU đã phản đối việc xây dựng tuyến ống trong nhiều năm, cảnh báo rằng nó sẽ làm tăng ảnh hưởng của Moscow ở châu Âu. Sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine vào tháng 2/2022, Đức đã khóa đường ống Nord Stream 2 ngay trước khi nó được đưa vào hoạt động.

Theo tờ Washington Post, nguồn tin tình báo Hà Lan trích dẫn một nguồn tin ở Ukraine cho biết các đồng minh phương Tây “có cơ sở để nghi ngờ ai đứng sau vụ phá hoại” trong gần một năm trước khi vụ phá hoại xảy ra. Tình báo cho biết những người có thể chịu trách nhiệm đã báo cáo trực tiếp với tổng tư lệnh của quốc gia Đông Âu đó, thay vì báo cáo trực tiếp với tổng thống, như một cách để tạo “chứng cứ hợp lý” về việc “không dính líu” tới âm mưu phá hoại này. Điều này sẽ giúp cho quốc gia Đông Âu này tiếp tục khẳng định việc không liên quan tới các vụ “tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự”, điều vốn sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ với các quốc gia đang ủng hộ họ.

Báo Washington Post nói rằng, các chi tiết từ cuộc điều tra của Đức về vụ tấn công “phù hợp với âm mưu” được cảnh báo trước đó. Thông tin tình báo mà Mỹ nhận được từ MIVD cho biết 6 thành viên lực lượng đặc nhiệm của quốc gia Đông Âu cũ có ý định sử dụng danh tính giả để thuê một chiếc thuyền và phá hủy hoặc làm hỏng các đường ống dưới đáy biển Baltic bằng cách sử dụng một “phương tiện lặn”. Còn thông tin điều tra của Đức cũng nói rằng 6 cá nhân là “thợ lặn lành nghề” đã sử dụng hộ chiếu giả và lên đường từ Đức trên một chiếc du thuyền, sau đó đặt chất nổ vào các đường ống Nord Stream. CIA “ban đầu đặt câu hỏi về độ tin cậy của thông tin”. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết Mỹ đã cảnh báo một số đồng minh châu Âu trong mùa hè rằng các đường ống Nord Stream 1 và 2 có thể bị tấn công.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, các cơ quan an ninh của Đức, Đan Mạch và bán đảo Scandinavia hiện đang kiểm tra các vụ rò rỉ và cố gắng khắc phục. Các nhà chức trách đang đóng cửa khu vực các tuyến ống, buộc các tàu tránh xa khu vực này, cảnh báo nguy cơ rò rỉ khí đốt trên mặt nước và trong không khí, nhưng cho rằng có rất ít rủi ro an ninh khác, vì vụ rò rỉ sẽ chỉ ảnh hưởng đến môi trường nơi có các luồng khí đốt.

https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/ai-da-pha-hoai-nord-stream--i697406/

An Châu / CAND