Bây giờ kinh tế khá giả, nhiều người ăn ngon mặc đẹp, đi xe sang, nhà cao cửa rộng, ngồi ôn lại chuyện nuôi lợn ngày xưa, ôn lại cái thời khốn khó, để mà thương, mà cảm.
Ảnh minh họa, nguồn: Thiết bị chăn nuôi.
Ngày xưa ở nông thôn, người dân phổ biến là làm ruộng. Nghề nông vất vả, thức khuya dậy sớm, thứ bậc trong xã hội thuộc loại thấp, người ta hay dùng từ cổ cày vai bừa, để chỉ lớp người này. Những người làm nghề khác, không phải nghề nông, có thứ bậc cao hơn, họ hay dùng từ ông phó: Phó cối (chỉ những người đi đóng cối xay thóc), phó mộc (thợ mộc), phó cạo (cắt tóc), phó hoạn (thiến lợn), phó nề (thợ xây). Trong các loại phó kể trên, tôi có nhiều kỷ niệm về ông phó hoạn.
Tôi nhớ có một thời, kinh tế khó khăn, người người nuôi lợn, nhà nhà nuôi lợn. Nhà ở đã chật, thường hai gia đình chung một căn hộ, cả hai đều nuôi lợn trong nhà tắm, khổ ơi là khổ. Lúc đó làm gì có cám lợn, lại càng không có cám tăng trọng, mà hòa vào nước là lợn sục đến ăn. Nuôi vất vả lắm, phải hớt bèo, ra chợ nhặt rau cho người ta, để lấy cuống bỏ đi, về nấu với cám, đun toét cả mắt. Bếp ga lại càng chưa có, phải nấu cám lợn bằng củi.
Có hôm tôi đi làm về, đang đạp xe, mắt ngó trời ngó đất, thì ông đi phía trước, đột ngột phanh xe đến “két” một tiếng, tôi tưởng ông ta gặp sự cố gì, hóa ra ông xuống xe, nhặt chiếc guốc gẫy ở vệ đường, bỏ vào giỏ xe mang về nhà làm củi nấu cám lợn!
Tôi ở nhà tầng, khu tập thể trường Đại học Bách khoa, hằng ngày thường nghe tiếng rao: “Ai... hoạn lợn”. Khi nhìn xuống, thấy một người đàn ông, đầu đội chiếc mũ cối, ghi đông xe đạp treo toòng teng chiếc bị cói, đựng đồ nghề hoạn lợn, mắt cứ háo hức nhìn vào khu tập thể cán bộ nhà trường.
Ông ta dắt bộ một đoạn, độ vài chục mét, rồi lại cất tiếng rao: “Ai... hoạn lợn”. Tôi biết ông này là khách quen, đã kiếm sống đây lâu rồi. Nhiều cán bộ công nhân viên trong trường, đã từng thuê ông hoạn lợn. Tôi thấy ông tự tin lắm, hết xộc đến khu tập thể này, lại xộc đến nhà tập thể khác, cứ như thuộc từng ngõ ngách. Tôi nghĩ, kiếm sống được bằng nghề hoạn lợn, ở trường Đại học Bách khoa, thì từ cổ chí kim bây giờ mới thấy!
Viết ra điều này, chắc thế hệ ngày nay, nhiều người buồn cười, nhiều người không tin “làm gì có chuyện giáo sư đai học phải... nuôi lợn”. Tôi xin thưa rằng có đấy, nhiều lắm đấy, ông Viện trưởng Viện Thiết kế nhà ở Hà Nội, nơi tôi làm việc còn nuôi lợn, thì giáo sư đại học nuôi lợn có gì phải lăn tăn!
Lúc đó là vậy, đói khổ lắm, cam go lắm, mọi thứ đều cấm đoán, chỉ nuôi lợn là không bị cấm. Bạn có tin không, tôi vào mậu dịch ăn sáng, phải xuất trình giấy công lệnh, có dấu của cơ quan nơi đến công tác, mới được mua một suất bánh cuốn. Cửa hàng còn ghi phía sau tờ công lệnh “Đã mua một xuất bánh cuốn, ngày... tháng... năm...”, đề phòng tôi quay vòng, xếp hàng mua suất thứ hai!
Có hôm tôi ra Ga Hàng Cỏ, lấy xơ mít về nuôi lợn, gặp thầy giáo dạy mình (lúc đó tôi cũng đã là phụ giảng), cả hai đều tảng lờ quay đi, như không hề quen biết nhau, chỉ vì... ngượng! Lúc đó, các bà nhà quê thường mang mít ra cửa Ga Hàng Cỏ ngồi bổ bán, có người tăm được mách nhau, thế là cùng đổ xô ra đấy lấy xơ, thầy cũng ra, trò cũng ra, cho nên thầy trò không... nhìn mặt nhau!
Bây giờ kinh tế khá giả, nhiều người ăn ngon mặc đẹp, đi xe sang, nhà cao cửa rộng, ngồi ôn lại chuyện nuôi lợn ngày xưa, ôn lại cái thời khốn khó, để mà thương, mà cảm. Tụ tập nhau nhậu nhẹt “dô dô” thì có gì đáng nhớ. Lam lũ, đói khổ một thời, mới làm người ta nhớ lâu, nó là một miền ký ức. Nhà thơ Vũ Quần Phương có viết: “Ký ức không làm ai no bụng, nhưng con người không thể sống mà không ký ức”.
Điên đầu với karaoke trong khu dân cư Pháp luật đã có quy định xử lý về việc gây ô nhiễm tiếng ồn nhưng các cơ quan chức năng hầu như không áp ... |
Những lần ngừng giao dịch của các sàn chứng khoán lớn trên thế giới Các sàn chứng khoán lớn trên thế giới từng đóng cửa vì nhiều lý do từ sự cố kỹ thuật cho tới những sự kiện ... |