Thời gian qua, xảy ra liên tiếp vụ việc liên quan đến thái độ ứng xử của cán bộ ở một số phường của Hà Nội khiến người dân bức xúc. Sau vụ khó khăn khi xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, người dân tiếp tục “tố” cán bộ phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) cũng có thái độ cửa quyền khi tiếp dân.

Cán bộ phường Đại Kim (Hà Nội) tiếp dân với thái độ hống hách (Ảnh: LĐO)

Đó là hai trong rất nhiều vụ việc “hành dân” tương tự ở không ít địa phương trên cả nước đã và đang diễn ra.

Thuốc nào trị bệnh “công chức cửa quyền” không khó để tìm ra song, nói như một bạn đọc rằng: “thuốc thì nhiều nhưng ai là người kê toa điều trị”, cái khó nhất chính là ở chỗ này.

Chúng ta đều biết, thói “hành dân” xuất phát chủ yếu từ hai lí do: sở thích hách dịch, cửa quyền quen thói và “hành dân” – gây khó dễ để đòi phí “bôi trơn”. Lâu nay, dù biết như thế nhưng rất nhiều người để cho công việc thuận lợi đã tự nguyện bỏ ra một ít tiền làm phí “bôi trơn” với suy nghĩ nhẹ nhàng: tốn tí tiền để mua sự tiện lợi và thái độ thân thiện cũng… rẻ!

Xã hội ngày càng văn minh, đã đến lúc người dân cần đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình, không cần phí “bôi trơn” vẫn được tiếp đón và giải quyết công việc chu đáo ở các cơ quan công quyền. Việc này phải xuất phát từ hai phía: phía người dân và phía cán bộ.

Về phía người dân khi gặp trường hợp “bị hành” phải phản ánh ngay với cơ quan cấp trên của cán bộ đang làm việc trực tiếp đó. Thời gian qua, rất nhiều người sợ phiền toái nên đã âm thầm chấp nhận coi như là bình thường.

Có bạn đọc đã hiến kế là dùng facebook như một liều thuốc đặc trị bệnh này, song đâu phải ai đến chốn công quyền cũng đều có smartphone, đều biết quay phim, đều dùng facebook và dám đưa thông tin lên facebook. Dân mình còn nghèo, cuộc sống còn lam lũ, vất vả, trình độ dân trí còn thấp… nhiều người trong số họ còn không biết trên đời này còn có tồn tại thứ có tên là: mạng xã hội.

Phản ánh trực tiếp để được giải quyết trực tiếp là cách hiệu quả nhất mà mỗi người dân nên làm. Người viết bài này đã chứng kiến người thân từng bị hẹn liên tục để nhận một quyết định nâng ngạch lương do cán bộ làm sai; sau vài lần hẹn, người này thông báo là sẽ gặp cấp trên để giải quyết, thế là đã được quan tâm giải quyết ngay ngày hôm sau.

Về phía cán bộ và lãnh đạo cấp trên của các cán bộ có hành vi “hành dân” bị tố cáo phải lắng nghe và xử lý thật nghiêm. Trong tình hình hiện nay, việc ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, yêu cầu cán bộ phải ứng xử văn hóa khi tiếp xúc với nhân dân sẽ khó có hiệu quả nếu không kết hợp với chế tài phải đủ mạnh.

Theo tôi, một trong những cách có hiệu quả nhất đó là đánh vào tài chính. Mức nhẹ sẽ là phạt hành chính, trừ lương đối với cán bộ bị người dân tố cáo có thái độ không đúng (tất nhiên là phải có bằng chứng). Mức nặng hơn có thể điều chuyển hoặc cho thôi việc. Đừng nghĩ rằng, lương ba cọc ba đồng nên người dân không có quyền đòi hỏi, bởi chỗ làm ấy – mức lương ấy vẫn đã và đang là mơ ước của biết bao nhiêu người trẻ có đủ tâm và năng lực để được phục vụ nhân dân tốt nhất.

Trị bệnh công chức cửa quyền không khó, khó là ở chỗ có muốn điều trị hay không. Quan trọng nhất ở chính bản thân người dân, nạn nhân của thói cửa quyền phải lên tiếng trước, sau đó mới đến bàn việc giải quyết của cấp trên. Lắng nghe, quan tâm, xử lý nhanh, kịp thời, nghiêm của cán bộ cấp trên thì chắc chắn sẽ loại bỏ được căn bệnh này.

/ Thuỷ Lâm/laodong.com.vn