Những đứa trẻ khi chưa đủ trải nghiệm xã hội, chưa nhiều lựa chọn giải quyết vấn đề, chúng giải quyết bằng chính những thứ chúng đang có, đang hiểu.

Tôi sốc khi xem hình ảnh cô giáo bị học trò nhốt trong lớp, ném dép vào người và quay video. Chúng liên tục chửi bới, reo hò, đôi lúc cầm gậy và quạt, chỉ vào mặt, tìm cách giật điện thoại cô giáo cầm trên tay. Cô giáo gần như không phản kháng gì, chịu đựng trong nhiều phút ở video đầu tiên mà tôi xem.

Nhưng trong một video khác, một giáo viên (được cho là chính cô giáo này) cũng cầm dép đuổi đánh học sinh, tạo nên cảnh tượng của “một lớp học ngoài hành tinh”.

Giữa hai đoạn video là một khoảng mờ của câu chuyện. Nguyên nhân trực tiếp hoặc gốc rễ nào tạo nên sự hỗn loạn này? Ông Bùi Xuân Lượng, Chủ tịch xã Văn Phú, huyện Sơn Dương - nơi xảy ra sự việc, cho biết “chuyện xuất phát từ hai phía”. Theo Chủ tịch xã, giáo viên Âm nhạc này cũng nhiều lần có phát ngôn không chuẩn mực khi giao tiếp với học sinh.

Nhóm học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang. (Ảnh cắt từ clip)

Nhóm học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang. (Ảnh cắt từ clip)

Chừng ấy thông tin liệu có đủ để ta yên tâm dựa vào mà bênh vực cho hành động của lũ trẻ? Tôi biết có những ý kiến vẫn nghi hoặc rằng: cô phải thế nào thì trò mới như vậy, thậm chí đổ lỗi cho nền giáo dục ngày càng trọng Văn hơn trọng Lễ.

Bạo lực trong môi trường học đường không có gì lạ, và tôi tin không phải tự nhiên mà có. Bạo lực vốn không phải là sự bột phát mà nó phải được gieo mầm từ lâu, khi gặp hoàn cảnh “phù hợp” sẽ bùng lên khó kiểm soát. Vì vậy, tạo dựng môi trường không bạo lực phải bắt đầu từ việc loại bỏ tối đa những mầm mống dung dưỡng bạo lực.

Môi trường chúng ta đang sống lại có quá nhiều mầm bạo lực: từ phim ảnh, mà trẻ có thể tự tìm thấy, thậm chí miễn phí, trên mạng; từ Tiktok, YouTube và Facebook - bất luận những tuyên bố tưởng như rất cẩn trọng và nghiêm khắc về màng lọc bạo lực - vẫn tràn ngập cảnh đánh, chửi nhau.

Không chỉ là chuyện đâu đó phía sau màn hình, trẻ chứng kiến ngay trước mắt mình bố mẹ chúng nổi khùng, giơ nắm đấm về phía người đối diện, như thế đó là cách duy nhất nhằm giải quyết một cuộc va chạm xe cộ nhỏ trên đường.

Ai đã tạo ra những đứa trẻ nổi loạn này?

Đổ lỗi thì rất dễ vì chúng ta có thể tìm ra ngay cả tá căn nguyên như tôi liệt kê ở trên, nhưng không phải ai cũng chịu thừa nhận mỗi hạt mưa đều góp phần tạo ra cơn lũ.

Chính thái độ của mỗi chúng ta trước bạo lực cũng góp phần tạo ra những đứa trẻ thích bạo hành người khác. Một ông bố dạy con bằng roi vọt, người mẹ mạt sát con bằng lời nói… sẽ hình thành tiếp một thế hệ tương tự.

Tôi từng xin lỗi con gái mình vì một lần đèo con vượt đèn đỏ, nhưng là sau khi đã trải qua nhiều phen đổ lỗi: tại chúng ta sắp muộn giờ học của con, tại đường đang vắng.

Tôi sẽ còn nghĩ ra nhiều lý do hơn nữa, nếu không phải hôm đó, con tôi bực tức hét lên sau xe: Bố dừng lại đi, bố không xấu hổ à?

Cơn giận của con giúp tôi nhận ra là cái con người vô kỷ luật trong mình chứ không phải hoàn cảnh hay bất cứ thứ gì tôi đã đổ lỗi. Người tử tế cư xử tử tế vốn không vì ai đã tử tế với họ mà vì chính họ không cho phép mình vi phạm các nguyên tắc đạo đức, nguyên tắc sống của bản thân.

Bạo lực cũng vậy, nhất là với lũ trẻ. Khi chúng chưa đủ trải nghiệm xã hội, chưa có nhiều lựa chọn giải quyết vấn đề, chúng giải quyết bằng chính những thứ chúng đang có, đang hiểu.

Thứ chúng đang có, đang hiểu lại chính là cách mà chúng ta, những người lớn, đang dùng, đang cho chúng thấy, chúng hiểu. Như một giáo viên có thể đánh học sinh. Như cha mẹ có thể đánh con cái. Như kẻ mạnh hơn có thể đánh kẻ yếu hơn. Như đánh một ai đó là chuyện rất đỗi bình thường. Như là bạo lực được mặc nhiên coi là một cách giải quyết.

Chừng ấy thông tin mà Chủ tịch xã Văn Phú cung cấp không đủ để tôi yên tâm dựa vào mà biện minh cho lũ trẻ. Hôm nay chúng ức hiếp thầy cô, mai chúng sẽ dám đánh cha mẹ và mốt chúng có thể dám bức hại bất cứ ai không vừa mắt mình trong cuộc đời này?

Xây dựng một môi trường không bạo lực không thể chỉ dựa vào trừng phạt, mà phải đồng thời thay đổi từ mỗi cá nhân, đặc biệt là người lớn: cung cấp cho trẻ thêm nhiều lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn trong đời sống của chúng, theo cách phi bạo lực.

Trẻ cần sự công bằng. Hãy đảm bảo sự công bằng cho chúng theo cách tích cực thay vì chỉ có hai lựa chọn: phạt và thưởng.

Tôi vẫn tin những đứa trẻ được quyền lên tiếng về những vấn đề của chúng. Sự lắng nghe, ghi nhận, thay đổi từ chính thầy cô giáo, cha mẹ sẽ khiến chúng không còn sử dụng bạo lực như cách duy nhất nữa.

https://vtc.vn/ai-tao-ra-nhung-dua-tre-hung-bao-voi-co-giao-minh-ar839113.html

Hoàng Anh Tú / VTC News