Theo truy tố của VKSND Tối cao, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đồng phạm đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho VNCB
VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố ra trước TAND TP Hồ Chí Minh để xét xử các bị can gồm: Đặng Thanh Bình (SN 1954, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (viết tắt NHNN); Lê Văn Thanh (SN 1964, trú tại phường 3, TP Tân An, Long An), nguyên Chánh thanh tra NHNN Long An, Tổ trưởng giám sát Ngân hàng VNCB; Hà Tấn Phước (SN 1963, trú tại phường 2, TP Tân An, Long An), nguyên Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Long An; Phạm Thế Tuân (SN 1956, quận 3, TP Hồ Chí Minh), nguyên Tổ phó Tổ giám sát VNCB, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh TP Hồ Chí Minh;
Và cuối cùng là Ngô Văn Thanh (SN 1977, trú tại phường 2, TP Tân An, Long An), nguyên là Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An; Tổ viên Tổ giám sát Ngân hàng Đại Tín/VNCB.
Ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
Các bị can bị VKSND Tối cao truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLSH.
Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây Dựng |
Trên cơ sở kết quả điều tra đã xác định được như sau: Ngân hàng TMCP Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín) tiền thân là Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến, thời điểm đầu năm 2012 có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng do nhóm cổ đông Phú Mỹ, do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện, sở hữu 84,92% cổ phần.
Từ ngày 09/02/2012 đến ngày 10/7/2012, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành thanh tra Ngân hàng Đại Tín và đưa ra kết luận thực trạng tài chính của Ngân hàng Đại Tín là rất xấu, trong đó, vốn chủ sở hữu bị âm 2.854,833 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061,738 tỷ đồng.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, NHNN đã có phương án tái cơ cấu ngân hàng này theo hướng cho phép Nhóm cổ đông cũ (Nhóm Phú Mỹ) chuyển nhượng cổ phần cho Nhóm cổ đông mới (Nhóm Thiên Thanh, đại diện là Phạm Công Danh), phương án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Ngày 07/02/2013, sau khi được NHNN chấp nhận về nhân sự, Phạm Công Danh đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường và chính thức đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín, sau được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam (viết tắt là VNCB).
Kể từ khi Nhóm cổ đông mới (Nhóm của Phạm Công Danh) quản trị, điều hành VNCB, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng này không hiệu quả, liên tục làm ăn thua lỗ và bị NHNN tiến hành thanh tra. Tại thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), vốn chủ sở hữu của VNCB âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.255,8 tỷ đồng, tổng tài sản là 16.745,6 tỷ đồng.
Xuất phát từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng Đại Tín và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc củng cố, cơ cấu lại Ngân hàng Đại Tín, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng đã có tờ trình về việc triển khai phương án củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại các Ngân hàng TMCP Việt Nam, Đại Tín, Phương Tây. Ngày 14/02/2012, ông Đặng Thanh Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định về việc thành lập và hoạt động Tổ giám sát tổ chức và hoạt động Ngân hàng TMCP Đại Tín.
Với quyền hạn của Tổ giám sát gồm Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh là tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu, hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm của Ngân hàng Đại Tín, yêu cầu NH Đại Tín báo cáo, cung cấp tài liệu; làm việc với mọi cấp cán bộ của NH Đại Tín; đối chiếu trực tiếp với khách hàng, chủ nợ, đối tác… gắn với nhiệm vụ của Tổ giám sát là có ý kiến đối với các giao dịch/ hoạt động của NH Đại Tín trước khi NH Đại Tín thực hiện các giao dịch làm thay đổi giá trị của khoản mục “tiền mặt, vàng, bạc, đá quý” có giá trị hoặc giá trị quy đổi từ 05 tỷ đồng trở lên.
Theo quy định tại Quyết định số 12/QĐ-NHNN ngày 14/2/2012 và các bảng phân công nhiệm vụ, các bị can phải chủ động trong việc thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ như đã được phân công gắn với quyền hạn được giao.
Tuy nhiên, các bị can đã thụ động, hoặc không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, để cho Phạm Công Danh và đồng phạm tùy tiện thực hiện hành vi rút tiền, sử dụng tiền trái pháp luật mà không chủ động có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của Phạm Công Danh, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây Dựng.
Trong đó, bị can Hà Tấn Phước có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại 3.454.924.026.666 đồng; bị can Lê Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại 6.591.643.119.855 đồng; bị can Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại 3.454.924.026.666 đồng; bị can Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đối với hậu quả thiệt hại 10.046.567.146.521 đồng.
Đối với bị can Đặng Thanh Bình: Kết quả điều tra có đủ căn cứ kết luận bị can không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu NH Đại Tín do chính NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ; không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo tính đúng đắn, chính xác đối với thực trạng và năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, mà vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành NH Đại Tín, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như trên.
Cựu Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình bị truy tố Ông Đặng Thanh Bình bị cáo buộc thiếu trách nhiệm để Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng ... |
Vì sao tòa trả hồ sơ đại án Phạm Công Danh - Trầm Bê? Qua quá trình xét xử, những tranh luận xoay quanh dòng tiền 4.500 tỷ tăng vốn điều lệ, 6.126 tỷ thiệt hại vụ án vẫn ... |