Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh lái xe ôm công nghệ, người giao hàng (shipper) vi phạm pháp luật giao thông trên các tuyến đường, phố ở Thủ đô và nhiều đô thị lớn khác trong cả nước.
- Shipper chật vật khi xăng tăng giá: "Nổ" đơn không dám nhận, thu nhập giảm 1/3
- Hướng dẫn viên du lịch bỏ nghề xe ôm, shipper, chờ thị trường bùng nổ
Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm này, cơ quan chức năng cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các công ty vận tải có ứng dụng lái xe công nghệ.
Tràn lan vi phạm
Theo quy định tại Điểm h Khoản 4 và Điểm b, Điểm c Khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Điểm g Khoản 34 và Điểm c Khoản 35 Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), mức phạt với người sử dụng điện thoại khi lái xe với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài phạt tiền, người vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian nhất định tùy theo lỗi vi phạm.
Tuy nhiên, trên nhiều cung đường ở Hà Nội hiện nay, nhất là khu vực nội thành, chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh quen thuộc là những shipper vừa lái xe, vừa dùng điện thoại. Thậm chí, nhiều shipper dùng thiết bị gắn luôn điện thoại trên đầu xe máy để tiện thao tác.
Anh Trịnh Thanh Phong (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: "Tôi đã từng nhiều lần gọi lái xe ôm công nghệ để đi làm. Không ít lần tôi thấy có lái xe không thạo đường chỉ chăm chăm nhìn vào điện thoại để được hướng dẫn tìm đường đi; hoặc chưa kết thúc chuyến đang chở khách đã vội vàng nghe điện thoại nhận chuyến mới, rất thiếu an toàn".
Một vi phạm điển hình khác là lái xe ôm công nghệ đi ngược chiều đường, nhất là ở những đường phố sầm uất. Ghi nhận trên các tuyến phố Nhà Chung, Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm); một đoạn phố Hoàng Cầu giáp với phố Thái Hà (quận Đống Đa) - nơi có trụ sở một công ty chuyển phát nhanh và một số tuyến đường một chiều, cho thấy hiện tượng lái xe công nghệ vận chuyển hàng hóa đi ngược chiều thường xuyên xuất hiện.
Trung tá Ngô Đức Cảnh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, tại chốt tuần tra kiểm soát ở ngã tư Thái Hà - Hoàng Cầu, đơn vị thường xuyên bố trí một tổ công tác ứng trực xử lý các lỗi vi phạm rẽ sai làn, đi ngược chiều đường và các vi phạm giao thông khác. Trong quá trình xử lý, đơn vị đã xử phạt, nhắc nhở nhiều trường hợp shipper chở hàng đi ngược chiều gây nguy hiểm cho người đi đường.
Anh Nguyễn Văn Hiệp (ở huyện Thanh Oai) - một lái xe giao hàng chuyển phát nhanh có trụ sở ở phố Hàng Cháo (quận Hoàn Kiếm), thừa nhận đã từng có những lần giao hàng cho khách đi ngược chiều đường hoặc không đội mũ bảo hiểm khi di chuyển trên chặng đường ngắn. “Tôi sẽ rút kinh nghiệm và không tái phạm để bảo đảm an toàn cho bản thân cùng mọi người", anh Hiệp chia sẻ.
Tăng cường tuần tra, gắn trách nhiệm
Bộ Quy tắc ứng xử cho đối tác tài xế của các hãng Grab, Gojek, Be... đều có yêu cầu đầu tiên là phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Các hãng xe đều khẳng định không thỏa hiệp với hành vi vi phạm của tài xế. Tùy từng mức độ vi phạm, các hãng sẽ khóa tài khoản của đối tác tài xế từ tạm thời đến vĩnh viễn.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ một tài xế công nghệ, ứng dụng gọi xe hiện nay chỉ theo dõi được tốc độ của phương tiện khi tham gia giao thông để cảnh báo trên hệ thống; nhiều lỗi vi phạm khác chỉ được xác minh xử lý khi có phản ánh của khách hàng. Trong khi đó, không phải khách hàng nào cũng quan tâm đến việc đánh giá chất lượng lái xe.
Trung tá Tạ Xuân Hậu, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, dù các lái xe công nghệ đưa ra nhiều lý do khác nhau nhưng lực lượng chức năng xử lý rất nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông của đối tượng này.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội Bùi Danh Liên, tình trạng các shipper vi phạm quy định về an toàn giao thông đã diễn ra từ nhiều năm nay, trở thành vấn đề nhức nhối trong công tác quản lý và gây bức xúc trong dư luận nhưng đến nay chưa có biện pháp xử lý triệt để. Để giải quyết tận gốc vấn đề, cùng với thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải, cơ quan chức năng cần xây dựng, ban hành các quy định ràng buộc trách nhiệm của công ty vận tải có ứng dụng lái xe công nghệ với đối tác tài xế cũng như với khách hàng.
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm minh các lỗi vi phạm giao thông có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông; trong đó có hành vi xe ôm công nghệ chở hàng cồng kềnh, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều…
https://hanoimoi.vn/ai-xu-shipper-vi-pham-phap-luat-giao-thong-644043.html