Mất ngủ, mệt mỏi, đau cơ, khó tập trung, đau tức, khó thở… vẫn đeo bám người mắc COVID-19 dù họ đã khỏi bệnh sau nhiều tháng. Khoa học vẫn bất lực chưa thể tìm câu trả lời xác đáng cho hội chứng bí ẩn này.

Thùy An, 28 tuổi, ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, không thể quên một buổi đêm cuối tháng 7, khi cô đang mơ màng ngủ, người mẹ 68 tuổi, lao vào phòng la thất thanh: "Ba đang tức ngực, không thở nổi". An cuống cuồng bật đến căn phòng - nơi người cha đang thoi thóp thở. Cô vội vàng đút ống thở từ bình oxy tự chế vào mũi ông nhưng tình hình bệnh không tiến triển, ông cụ có dấu hiệu tím tái, nồng độ oxy máu SPO2 giảm dưới 92% - mức độ nguy hiểm. Cô gái hoảng hốt gọi và nhắn tin hàng chục cuộc, cầu xin các cơ sở trợ giúp bình oxy để chở bố đến bệnh viện, may thay, một mạnh thường quân đã hỗ trợ kịp thời. Ông cụ được chuyển an toàn đến bệnh viện tầng điều trị bệnh nhân nặng, được cấp cứu và trợ thuốc kịp thời.

Ám ảnh di chứng COVID kéo dài -0
Ảnh: L.G

Một tháng sau kể từ đêm thập tử nhất sinh đó, người cha 70 tuổi, dù đã ba lần xét nghiệm âm tính, được về nhà, nhưng vẫn vật lộn với các triệu chứng đau nửa đầu, buồn nôn, chóng mặt, đặc biệt là khó thở, dù trước đó ông hoàn toàn khỏe mạnh. Thùy An đưa cha vào một bệnh viện tuyến đầu tại TP Hồ Chí Minh, xét nghiệm, chụp chiếu, thăm khám đa cơ quan, tốn gần 10 triệu, nhưng các bác sĩ vẫn không tìm được căn nguyên triệu chứng và họ tạm đặt ông cụ vào nhóm hội chứng hậu COVID kéo dài.

Đức Long, 30 tuổi, là công nhân cơ khí ở Dĩ An, Bình Dương, mắc COVID-19 nhẹ, tự điều trị tại nhà trong đợt dịch tháng 8, nhưng từ khi khỏi bệnh, chàng thanh niên cũng thường xuyên rơi vào tình trạng lo âu, mất ngủ, hay quên. Đặc biệt, Long hay bị cảm giác "đói khí", không thể hít thở sâu. "Trước tôi có thể chạy đường trường 10 km không thấy mệt, giờ chỉ cần leo cầu thang hoặc mang vác vật nặng tôi đã cảm thấy loạng choạng, thở dốc", Long kể. Ngoài ra, triệu chứng mất khứu giác, đặc trưng của bệnh COVID-19, vẫn đeo bám người công nhân, khi trước kia anh có thể dễ dàng phân biệt mọi mùi vị, thì nay dù hàng ngày nấu cơm anh không thể ngửi được mùi thức ăn.

Hội chứng hậu COVID hay thế giới gọi là “Long Covid” không còn là căn bệnh xa lạ khi đại dịch đã kéo dài gần hai năm với gần 300 triệu người bị nhiễm bệnh. Đây là tình trạng bệnh nhân nhiễm virus mặc dù đã hồi phục khỏi COVID-19 cấp tính nhưng các triệu chứng vẫn còn kéo dài trên 4 tuần kể từ lúc khởi phát nhiễm trùng. Các triệu chứng này có thể đã có từ đợt bệnh cấp hoặc xuất hiện sau khi hồi phục.

Một nghiên cứu quy mô nhất từ trước đến nay được công bố trên tạp chí y học danh tiếng Lancet (Anh) tiết lộ có thể có tới hơn 200 di chứng COVID bao gồm, mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi-vị, giảm khả năng nhận thức, như giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý, như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

COVID kéo dài không chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, mà còn thể hiện bằng những bất thường cận lâm sàng, như bất thường xét nghiệm: tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon tuyến giáp, giảm độ lọc cầu thận...; rối loạn chức năng hô hấp: giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; bất thường hình ảnh học: xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim…

Ám ảnh di chứng COVID kéo dài -0
Ảnh: L.G

Một bác sĩ trưởng khoa tại Bệnh viện dã chiến ở TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều bệnh nhân điều trị tại nơi ông làm việc xét nghiệm âm tính khỏi COVID-19 nhưng vẫn mắc chứng mất ngủ, rối loạn lo âu, sang chấn tâm lý, thậm chí loạn thần cấp… phải chuyển đến khoa Nội thần kinh tiếp tục điều trị hàng tháng. Điển hình là một người đàn ông hơn 40 tuổi, mất cả vợ lẫn đứa con còn trong bụng trong làn sóng dịch thứ 4 vừa qua. Anh mắc COVID-19 biểu hiện trung bình, phải thở oxy mặt nạ, vẫn tỉnh táo, đi lại, ăn uống tốt. Nhưng kể từ khi nhận tin người vợ đang mang thai 32 tuần tử vong ở cơ sở y tế khác, người chồng lên cơn loạn thần cấp, thường xuyên rơi vào trạng thái kích động, khóc lóc, đòi tự vẫn.

Dù đã được điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý, nhiều ngày sau, người đàn ông vẫn không thuyên giảm các triệu chứng thần kinh, buộc anh phải nhập viện chuyên khoa tâm thần. Vị bác sĩ này kể thêm nhiều bệnh nhân khác từng phải thở oxy dòng cao hoặc thở máy, nằm trong khu điều trị Hồi sức tích cực, đều có tâm trạng hoảng hốt, căng thẳng, mất ngủ, lo âu, buồn rầu dù đã khỏi bệnh. Họ bị sang chấn tâm lý do trải qua quá trình mắc bệnh đau đớn, do dùng nhiều thuốc an thần khi đặt nội khí quản, hoặc do chứng kiến nhiều cảnh tang thương, nhiều người bệnh cùng phòng tử vong ngay trước mặt…

Tháng 9-2021, khảo sát do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, cho thấy 53,3% bệnh nhân COVID-19 tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC, thở oxy qua mặt nạ, hoặc thở máy, tỷ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Khoảng 67% bệnh nhân mong muốn được tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong điều trị và sau khi xuất viện.

Hội chứng COVID kéo dài vốn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là một vấn đề y tế cấp bách toàn cầu song còn nhiều bí ẩn, gây thách thức khoa học, không những ảnh hưởng đến người lớn mà còn tác động đến trẻ em. Đây vốn là đối tượng được coi là ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19 do triệu chứng bệnh nhẹ và hiếm khi tử vong, song các nhà khoa học ngày càng ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều em rơi vào mệt mỏi, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ, mất mùi vị, sương mù não (hay quên) sau mắc bệnh. Will Grogan, một học sinh lớp 9 ở Dallas, Mỹ từng hiểu tường tận mọi kiến thức song sách vở giờ đây bỗng dưng trở nên xa lạ sau đợt nhiễm nCoV cấp. "Em không biết mọi người đang nói về điều gì", Will thốt lên.

Giáo viên và các bạn cùng lớp nhắc lại cho cậu bé về việc em đã trả lời các câu hỏi về chủ đề này thành thạo như thế nào ở buổi học trước. "Em chưa bao giờ nhìn thấy chúng", Will khẳng định. Tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ hồi tháng 4, bác sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, đã dẫn một nghiên cứu cho thấy 11-15% thanh thiếu niên mắc COVID-19 có thể phải chịu các hậu quả lâu dài gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt cuộc sống, trong đó có cả học tập.

Các bác sĩ cho biết ngay cả những trẻ em nhiễm nCoV có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng cũng đối diện nguy cơ gặp phải những di chứng lâu dài. Đến nay, Mỹ có khoảng gần 10 triệu trẻ em mắc COVID-19 và con số này tiếp tục tăng lên, khiến di chứng hậu COVID trở thành một vấn đề nan giản.

Các chuyên gia trên toàn cầu đánh giá giả thuyết ba cơ chế gây ra tình trạng này. Thứ nhất, do virus xâm nhập trực tiếp vào tế bào cơ thể trong đợt bệnh cấp tính, gây phá hủy tế bào và để lại những tổn thương vĩnh viễn ở nhiều cấu trúc cơ quan. Bên cạnh đó, do đáp ứng viêm quá mức đã dẫn đến sự tăng cao nồng độ các chất gây viêm (cytokines) trong máu và các mô cơ thể gây nên tình trạng viêm mạn tính nhiều cơ quan… Ngoài ra, tình trạng bệnh lý nặng trong đợt cấp như suy hô hấp, tụt huyết áp, tình trạng tắc mạch, giảm oxy mô dẫn đến những tổn thương tế bào khó hồi phục ở nhiều cơ quan. Các yếu tố tâm lý xã hội tiêu cực như mắc bệnh, mất người thân, cách ly xã hội, cô lập, nỗi lo về tài chính, thất nghiệp,... cũng gây ra các triệu chứng tâm lý kéo dài sau COVID. Với sự đánh giá và tư vấn của chuyên gia, Thùy An đã chuyển người cha sang một bệnh viện hồi phục chức năng để điều trị và phục hồi hậu COVID, dù bác sĩ nhận định, tình trạng của ông sẽ tiến triển khó khăn do hệ miễn dịch bị tổn thương sau cơn bạo bệnh. Tại đây, ông sẽ được đánh giá tổng quát về các chức năng hô hấp, vận động, nhận thức, tâm lý và các bệnh lý nền, từ đó sẽ có chương trình tập riêng biệt, như các bài tập cải thiện dung tích phổi, bài tập điều hòa đường thở, tập vận động tăng sức bền, tăng sức cơ cùng máy móc và dụng cụ hỗ trợ để cải thiện sức khỏe tổng quát…

Trong một họp báo hồi tháng 7, Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật WHO cho biết cơ quan y tế toàn cầu này vẫn đang nỗ lực cải thiện các chương trình phục hồi chức năng dành cho người có triệu chứng COVID-19 kéo dài, đồng thời tìm cách xử lý tình trạng này. Song những phương pháp điều trị triệt để di chứng còn là thách thức to lớn với nhiều quốc gia do căn bệnh quá mới mẻ, để lại hậu quả trên nhiều cơ quan trong cơ thể, cần nhiều chuyên khoa phối hợp nghiên cứu và nhiều trang thiết bị, thuốc men phối hợp hỗ trợ.

Trong khi, điều này rất khó khăn ở những nước thu nhập thấp và trung bình, do hầu như không có nguồn lực chữa trị hiệu quả. Trong khi những gia đình có điều kiện như Thùy An gửi cha vào bệnh viện phục hồi chức năng dài ngày, thì những người công nhân nghèo như anh Long chỉ biết gạt bệnh tật sang một bên. "Tôi vẫn mất ngủ, chóng mặt và hồi hộp, lo âu, nhưng tất cả không quan trọng bằng việc tôi vẫn phải đến công xưởng làm 10 tiếng mỗi ngày để kiếm tiền nuôi vợ con", Long nói.

Minh Đức

53 tỉnh ghi nhận 3.639 ca mắc COVID-19, Phú Thọ thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 53 tỉnh ghi nhận 3.639 ca mắc COVID-19, Phú Thọ thành lập Bệnh viện dã chiến số 2
Xây dựng 4 kịch bản ứng phó dịch COVID-19 trong tình hình mới tại TP.HCM Xây dựng 4 kịch bản ứng phó dịch COVID-19 trong tình hình mới tại TP.HCM
Đại biểu Quốc hội: Đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 để trẻ sớm trở lại trường Đại biểu Quốc hội: Đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 để trẻ sớm trở lại trường

/ antgct.cand.com.vn