Âm mưu lật đổ Tổng thống Venezuela: Những vụ tấn công bất thành
Chính quyền Tổng thống Maduro đối mặt những vụ tấn công bằng lựu đạn, máy bay không người lái và đột kích sở chỉ huy quân sự.
Tổng thống Nicolás Maduro trong cuộc họp báo ở Caracas ngày 9/1. Ảnh: Reuters.
Từng là quốc gia giàu có bậc nhất ở khu vực Nam Mỹ, Venezuela đang trong cơn khủng hoảng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm hơn 40% kể từ năm 2013, khi ông Nicolás Maduro nhậm chức tổng thống. Sự bất bình với chính quyền Maduro ngày càng gia tăng khiến ông liên tiếp đối mặt với các cuộc tấn công từ phe chống đối.
Sáng 21/1, 27 binh sĩ thuộc Vệ binh Quốc gia Venezuela chiếm một sở chỉ huy ở bắc Caracas, tấn công trạm gác, bắt 4 con tin và đánh cắp nhiều vũ khí trong kho. Họ đăng video lên mạng xã hội, kêu gọi người dân ủng hộ lật đổ Tổng thống, theo AFP.
25 binh sĩ bị bao vây và đầu hàng tại chỗ, hai người còn lại bị bắt ở một địa điểm khác. Người đứng đầu cuộc nổi loạn được xác định là thượng sĩ Luis Bandres Figueroa.
Ngày 4/8/2018, Tổng thống Maduro bị ám sát hụt trong cuộc diễu binh quân sự tại thủ đô Caracas. Ông đang phát biểu thì hai máy bay không người lái phát nổ, các vệ sĩ lao đến dùng khiên lớn màu đen để che chắn quanh Tổng thống. Nhiều binh sĩ trong đội hình diễu binh tháo chạy.
Maduro cho rằng chính trị gia đối lập Julio Borges sống lưu vong ở Colombia, và tổng thống Colombia lúc đó là Juan Manuel Santos đứng sau vụ tấn công. Hai người này bác bỏ cáo buộc.
Khoảng 30 người bị bắt, trong đó có hai tướng và chính trị gia Juan Guaido. Ông này sau đó được thả và vào tháng một trở thành chủ tịch quốc hội Venezuela (quốc hội Venezuela do phe đối lập kiểm soát).
Juan Carlos Caguaripano, người cầm đầu vụ đột kích căn cứ quân sự tháng 8/2017. Ảnh: EC.
Ngày 6/8/2017, cựu đại úy Juan Carlos Caguaripano và một trung úy Vệ binh Quốc gia dẫn 20 phiến quân mặc đồng phục đột kích vào căn cứ quân sự ở thành phố Valencia, tây bắc Venezuela. Sau ba giờ đấu súng với các binh sĩ trong căn cứ, hai phiến quân bị bắn chết, 8 người bị bắt, số còn lại trốn thoát.
Caguaripano bị loại ngũ năm 2014 vì nhiều lần vi phạm kỷ luật. Ngay trước khi hành động, Caguaripano đăng video lên mạng, nói rằng đây là "cuộc nổi loạn chính đáng". Anh ta sau đó bị bắt.
Maduro và chính phủ Venezuela không gọi đây là cuộc nổi loạn trong hàng ngũ quân đội mà gọi nó là hành động khủng bố.
Ngày 27/6/2017, trong cao trào biểu tình chống chính phủ trên đường phố thủ đô Venezuela, phi công Oscar Perez, 36 tuổi, và đồng bọn đánh cắp một chiếc trực thăng cảnh sát và bay qua bầu trời Caracas, thả lựu đạn rồi xả súng xuống trụ sở tòa án tối cao nhưng không gây thương vong.
Perez sau đó đăng một số video lên mạng xã hội yêu cầu Maduro từ chức. Anh ta nói rằng mục tiêu của mình là "tái lập trật tự hiến pháp".
Perez từng là diễn viên và sĩ quan cảnh sát ưu tú. Sau vụ tấn công, anh ta bị truy nã gắt gao và phải lẩn trốn. Tháng 12/2017, Perez tuyên bố đứng sau vụ trộm 26 khẩu súng trường từ một kho vũ khí ở Laguneta de La Montana, bang Miranda, gần thủ đô Caracas.
Perez cùng với 6 đồng lõa tháng 1/2018 bị giết trong một chiến dịch truy quét của lực lượng an ninh Venezuela ở ngoại ô Caracas. Những người khác bị bắt sau cuộc đấu súng kéo dài vài giờ. Trước khi bị tiêu diệt, Perez đăng video lên Instagram, nói rằng anh ta và đồng bọn muốn đầu hàng nhưng các tay súng bắn tỉa vẫn tấn công. Phe đối lập cáo buộc chính phủ đã "xử tử không qua xét xử".