“Thành phố Đồng Hới mất điện, người dân không có cách gì cập nhật thông tin chính xác”.
Xót xa cảnh giáo viên sửa chữa trường sau bão |
Công nhân thay thế 2.600 cột điện đổ sau bão |
Một người dân phường Bắc Lý, Đồng Hới nói trên một tạp chí của Hội Nông dân về buổi sáng ngày 15/9, khi bão đổ bộ vào thành phố này.
“Ngày 13/9, khi cơn bão còn đang ngoài biển, một tàu cá của Thanh Hóa đã không còn liên lạc được với gia đình và địa phương", ông Nguyễn Văn Long, phó chủ tịch huyện Hậu Lộc phản ánh với báo chí.
Trong ngồn ngộn thông tin về trận siêu bão để phục vụ sự quan tâm của công chúng chỉ có chừng đó thông tin nói về nhu cầu tin tức của những người ở trong tâm bão. Rất ít người nhận ra cái nhu cầu đó ở một đất nước có 3.200 km bờ biển nhưng toàn bộ thông tin dành cho người đi biển chỉ là những bản tin bão xa, bão gần bập bõm qua hệ thống trực canh của Cục Hàng hải.
Hơn một nửa dân số Việt Nam sống ở vùng duyên hải, nhưng kiến thức về biển và đại dương không được cập nhật thường xuyên một cách có hệ thống. Ngư dân Việt Nam bị bắt giữ, xét xử khi đánh bắt xa bờ vì thiếu thông tin về các quy ước quốc tế trong khai thác ngư trường. Phần lớn ngư dân vẫn bám biển ra khơi chỉ bằng kinh nghiệm và lòng can đảm. Không có bất cứ phương tiện nào để họ tiếp cận thông tin, bổ sung kiến thức thường xuyên trong quá trình bám biển.
Cả nước có hàng trăm kênh truyền hình, hàng trăm kênh phát thanh, và cả nghìn tờ báo. Không có bất cứ cơ quan báo, đài nào có khả năng tiếp cận phục vụ người đi biển, với những nội dung chuyên biệt về biển đảo và đại dương.
Ở vùng biển Tây Nam bộ, có những chủ tàu cá phải thuê thuyền viên nước ngoài chỉ để nghe được đài tiếng Thái. Còn trên mặt bằng truyền thông tiếng Việt thường vắng tiếng nói của ngư dân.
Mỗi năm, trên dưới 10 cơn bão đổ bộ vào duyên hải, cơn bão nào cũng bất ngờ, cũng làm lộ ra những khoảng trống truyền thông cho cư dân ven biển. Song không có bất cứ cơn bão nào đánh thức khát vọng lấp đầy khoảng trống truyền thông đó.
Không có cơn bão nào làm được cái điều mà trận lụt năm 2008 tại Hà Nội đã làm. Một tai họa tự nhiên thúc đẩy cách người ta nghĩ về truyền thông.
Trận lụt năm 2008 biến các khu dân cư trong thành phố thành những ốc đảo trong gần một tuần lễ. Chưa bao giờ người dân Hà Nội đói tin tức đến thế, họ dò sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và thất vọng khi phần lớn thời lượng là ca nhạc và những tin tức không liên quan. Chi tiết đó được nhà văn Trương Quý kể trong cuốn sách “Hà Nội là Hà Nội”, mà không hề biết rằng nó đã tác động đến lòng tự trọng của những người làm phát thanh.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến, một trong những người tham gia xây dựng nội dung và phương thức sản xuất kênh VOV giao thông kể rằng: Chỉ sau trận lụt đó, ý niệm về phát thanh tương tác thời gian thực mới trở thành một nhu cầu rõ ràng. Nửa năm sau trận lụt, VOV giao thông ra đời như một hiện tượng truyền thông của năm 2009, một kênh phát thanh mà mỗi thính giả đều có thể là một người đưa tin.
Trận lụt 2008 không dễ lặp lại ở Hà Nội. Song những cơn bão vẫn đổ vào duyên hải hàng năm, vẫn có hàng nghìn con tàu của ngư dân cô đơn trên biển, vẫn có hàng trăm nghìn người dân bị cô lập mỗi khi bão về. Có cơn bão nào đánh thức ý niệm mỗi ngư dân là một người đưa tin, và không có người dân vũng bão nào phải cô đơn trong dòng tin bão lũ?
Có cơn bão nào đủ sức tạo nên một “VOV giao thông” trên biển?
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/am-tham-nhu-bao-3642293.html