Trong những ngày này, việc một số vụ án oan đã được điều tra minh oan và một số vụ đang bị nghi ngờ là oan sai đang làm dấy lên sự lo ngại về chất lượng điều tra của các cơ quan tố tụng như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Và cũng chưa bao giờ dư luận nhân dân lại hoài nghi về cái gọi là sự công tâm, công bằng, công minh của các cơ quan tố tụng đến vậy. Nhưng tại sao lại có nhiều vụ oan sai đến vậy?
Lịch sử tư pháp của các nước ta và các nước trên thế giới kể cả các quốc gia văn minh trên thế giới cũng có những vụ án oan sai tày đình. Thậm chí có người đã bị tử hình và nhiều năm sau mới được minh oan.
Vậy tại sao lại có án oan?
Trước hết, một vụ án khi xảy ra thì Cơ quan Điều tra của lực lượng Công an là người chịu trách nhiệm điều tra đầu tiên. Bởi họ có chức năng điều tra vụ án, họ có các biện pháp nghiệp vụ, phương tiện cần thiết để thực hiện quá trình điều tra, truy bắt đối tượng.
Như vậy, khâu điều tra ban đầu có ý nghĩa quyết định về việc xác định đối tượng, thủ đoạn gây án.
Trong quá trình này chỉ cần một sai sót nhỏ của các điều tra viên thì đều có thể làm sai lệch bản chất vụ án.
Lịch sử tư pháp Việt Nam gần đây qua những vụ án oan sai đã chứng minh:
Để xảy ra oan sai, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Cơ quan Điều tra.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án thì lại có sự giám sát của Viện Kiểm sát cùng cấp. Nếu như các kiểm sát viên có trình độ về tố tụng, nắm chắc luật pháp và hoạt động một cách công tâm thì chắc chắn họ sẽ phát hiện ra được những sai sót của điều tra viên. Và một cơ quan cực kỳ quan trọng trong việc xét xử đó chính là Tòa án. Các thẩm phán xét xử một vụ án phải dựa trên hồ sơ do Cơ quan Điều tra và cáo trạng của Viện Kiểm sát cung cấp. Tòa án không thể nào có đủ lực lượng, nghiệp vụ để đi điều tra lại vụ án và họ cũng không có chức năng nhiệm vụ đi điều tra lại chỉ khi trong quá trình xét xử, khi phát hiện ra những sai sót của Công an, Viện Kiểm sát, thẩm vấn bị cáo, tranh tụng trước tòa thì tòa án mới phát hiện ra đúng hay sai, từ đó mới có quyết định trả hồ sơ điều tra lại, hoặc phán xét theo tội danh mà Viện Kiểm sát đã đề nghị.
Thực tế cho thấy, nếu ba cơ quan: Công an – Viện Kiểm sát – Tòa án thực hiện quy trình tố tụng một cách nghiêm cẩn có trách nhiệm và độc lập với nhau thì sẽ ngăn chặn được mức tối đa việc xử oan người vô tội hoặc tội không đáng xử, không đáng với mức án mà toà đã tuyên.
Nhưng ở Việt Nam, chúng ta thường thấy với những vụ án có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhạy cảm thì trước khi đưa ra xét xử sẽ có cuộc họp 3 ngành dưới sự chỉ đạo của Ban Nội chính cùng cấp.
Cuộc họp này sẽ thống nhất lại đánh giá chứng cứ, đưa ra quan điểm xét xử, cân nhắc về các tác động chính trị của việc xét xử vụ án đối với xã hội.
Nói một cách sòng phẳng thì đây chính là “phiên tòa nội bộ” và không hiếm các trường hợp mức án dành cho các bị cáo đã được định đoạt, còn phiên tòa chỉ gọi là “diễn cho có”.
Những phân tích của luật sư, những chứng cứ mới được đưa ra trong phiên tòa không được coi trọng. Nhiều vụ án, luật sư cãi rất hăng, đưa lập luận ra hoàn toàn có lý và bị cáo thì một mực kêu oan nhưng Viện Kiểm sát phớt lờ, thẩm phán thì cũng là “hỏi cho có”… Và Hội đồng xét xử chả dại gì mà làm sai kết luận với cuộc họp 3 ngành dưới sự chỉ đạo của Ban Nội chính.
Trong tất cả các vụ án được xét xử kiểu này, nguyên tắc suy đoán vô tội đã không được coi trọng. Đó là chưa kể Hội đồng xét xử đã áp đặt cho bị cáo, những quan điểm, tư tưởng, cách nghĩ, cách làm của ngày hôm nay mà không đếm xỉa đến hoàn cảnh khiến bị cáo phạm tội đã xảy ra từ trước đó rất lâu.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều vụ án liên quan đến cán bộ cao cấp tham nhũng, cố ý làm trái, thiếu tinh thần trách nhiệm; vi phạm các quy định về quản lý tài chính tài sản đã không được phân tích và đặt vào bối cảnh để bị cáo làm sai.
Thật chưa công bằng, nếu như cùng một việc làm mà trước đó vài năm thì bị cáo đã được tung hô, khen thưởng rằng đó là "sáng tạo", là "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" thì nay có khi lại mắc phải tội là làm sai các quy định, vượt qua các khuôn khổ luật pháp.
Điều này đã tác động rất lớn đến tâm tư tình cảm và phương pháp làm việc của nhiều người, đặc biệt là các quan chức trong bộ máy công quyền nhà nước.
Trở lại chuyện làm thế nào để giảm các vụ án oan sai, thiết nghĩ việc này không khó. Vấn đề là chúng ta dám thay đổi quan điểm trong công tác điều tra xét hỏi.
Trước hết, phải tôn trọng triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội mà các điều tra viên đảm nhận khâu điều tra ban đầu phải thấm nhuần và hiểu sâu sắc ý nghĩa tốt đẹp của nguyên tắc này, đồng thời phải có trách nhiệm cao với sinh mệnh của bị can, bị cáo
Thứ hai, cần phải thay đổi quan điểm “án tại hồ sơ” và “trọng chứng hơn trọng cung”. Chính quan điểm này đã làm bóp méo những sự thật diễn ra tại phiên tòa, đã khiến hội đồng thẩm phán, các ủy viên công tố không coi trọng lời bào chữa của các luật sư.
Nếu như giữ quan điểm “án tại hồ sơ”, “trọng chứng hơn trọng cung” thì nếu hồ sơ ban đầu bị làm sai do vô tình hay do cố ý, hoặc do các động cơ không trong sáng nào khác thì việc tranh tụng trước tòa chỉ còn là hình thức. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải đưa việc tranh tụng trước tòa lên hàng đầu và luật sư phải được tham gia trong suốt quá trình tố tụng, được sao chép toàn bộ hồ sơ vụ án trừ những vụ liên quan đến xâm hại an ninh quốc gia hoặc do những yêu cầu chính trị đặc biệt. Và một điều quan trọng cuối cùng đó là không nên có kiểu họp 3 ngành trước khi đưa vụ án ra xử. Bởi vì việc họp thống nhất ý chí của Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án sẽ làm giảm đi tính công minh và dân chủ trong phiên tòa.
Còn có một cơ quan nữa mà có thể ngăn chặn được tình trạng oan sai trong công tác xét xử, đó là Ủy ban Giám sát tư pháp của Quốc hội. Đã đến lúc chúng ta phải cải tổ Ủy ban Giám sát tư pháp của Quốc hội bằng cách chọn lựa, bổ sung cho Ủy ban những cán bộ tư pháp không những giỏi luật mà phải có kinh nghiệm trong điều tra xét xử.
N.N.P
Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống