Tại huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao tràn vào ngập toàn khu Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai) khiến nhiều ngày này người dân phải sống chung với nước lũ cả ngày lẫn đêm
Tại huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao tràn vào ngập toàn khu Bùi Xá (thị trấn Xuân Mai) khiến nhiều ngày nay người dân phải sống chung với nước lũ cả ngày lẫn đêm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hiểu (71 tuổi), bị ngập cả hai ngôi nhà nên vợ chồng ông và cậu con trai phải ở tạm bợ trên chiếc thuyền nhỏ vì sợ đến ở nhà người thân sẽ gây phiền hà, bất tiện. Dẫu biết rằng sinh hoạt trên thuyền nhỏ rất khó khăn, nhất là khi đêm về hai vợ chồng ngủ chỉ với chiếc chăn mỏng, lênh đênh trên thuyền sẽ gặp nhiều bất trắc.
“Vợ chồng tôi sống cảnh này quen rồi, ở đây vừa trông nhà vừa trông nhau được. Tôi sống ở đây mấy chục năm, gặp cảnh ngập này nhiều thành quen” – ông Hiểu nói như một cái cớ vì thật ra ông bảo “cũng chẳng còn cách nào hơn”. Được biết, do mất điện nên hai ông bà không nấu được cơm, nay nước rút đi một chút ông đánh được mấy cân cá bán được ít tiền tính mua hộp cơm về ăn thay mì tôm nhưng con gái lấy chồng ở chỗ khác biết tin nấu cơm mang đến…
Cũng như gia đình ông Hiểu, 180 hộ dân khác phải sống trong cảnh “biển nước” bủa vây từ trong nhà ra ngõ. Trong đêm tối, anh Bùi Văn Long một mình dò từng bước dưới dòng nước có đoạn ngang rốn với ánh đèn pin mập mờ, xách túi quần áo để di chuyển hơn 200m thoát khỏi chỗ ngập để đến chỗ người bà con, nơi vợ và bốn người con đang được sơ tán ở đó để tránh lũ.
Trước đó, ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, tại khu vực này nước ngập rất cao, từ cổng làng Khu Bùi Xã đi sâu theo trục đường liên khu dài khoảng 2km, có nơi ngập sâu đến hơn 1m
Nhiều ngôi nhà nước dâng cao đến quá nửa cửa sổ khiến vật dụng trong nhà người dân như tivi, tủ lạnh, thóc đều bị ngập ướt
Những con gà còn sót lại trong cơn chạy lũ của bà Hoàng Thu (60 tuổi). Bà Thu cho biết, ngày 21.7, nước dâng cao, nhanh, đột ngột không chạy được lợn, đồ đạc trong nhà như tivi, máy giặt, thóc, quần áo, sách, bút đều bị ướt... bà có hơn 30 con gà nhưng chỉ bắt được 20 con còn lại đã mất theo lũ
Do ở một mình, mắc lợn, gà nên bà không thể di chuyển sơ tán đi nơi khác. Trong đêm, bà bảo chốc chốc bà lại gọi “Lợn ơi! Lợn ơi…” hễ nghe tiếng lợn kêu bà mới yên tâm. Có lần gọi liên tục không thấy lợn động tiếng, bà Thu thấp thỏm, xắn quần lội nước ra chuồng thì thấy lợn nằm bẹp trên nước xâm xấp, thấy tiếng ồn lợn lồng lên bà bảo “thôi lợn ngủ đi"
Giống như gia đình bà Thu, nhiều đồ dùng gia đình cũng như vật nuôi của các hộ dân tại khu Bùi Xá bị cuốn trôi hoặc được di chuyển lên chỗ cao
Thậm chí, có gia đình còn chất đồ đạc lên thuyền để chống lại cơn lũ
Phương tiện của người dân nơi đây chủ yếu là thuyền, nhiều nơi nước ngập từ 40-60cm người dân có thể lội
Ông Bùi Văn Phấn (60 tuổi) vừa đưa chổi đẩy nước ra ngoài sân vừa nói “năm nào cũng vậy, hễ mưa to là nước sông tràn vào ngập nhà, may gia đình chuẩn bị trước nên đã di chuyển được đồ đạc lên chỗ cao, nhưng nước ngập dâng cao hơn 60cm trong nhà khiến mọi người phải sơ tán đi nơi khác”. Ông Phấn cũng cho biết, trước khi nước ngập, lực lượng quân đội đóng trên địa bàn đến hỗ trợ đưa vật dụng gia đình, thóc, gạo lên chỗ cao tránh ngập
Ông Nguyễn Văn Nở (62 tuổi), thấp thỏm đợi vợ mang cơm về ăn. “Năm nào mưa lớn cũng ngập, gia đình có 7 cháu đều di chuyển đi chỗ khác” – ông Nở nói và cho biết vì phải ở nhà trông nhà, trông lúa sợ mưa tiếp hoặc nước dâng cao ngập hết “hạt vàng”, đến bữa vợ ông lại chèo thuyền, lội nước mang cơm “tiếp tế”, ban đêm do sức khỏe không đảm bảo ông và vợ cùng nhau lên thị trấn ở nhờ nhà bà con
Mặc dù nước ngập, mất điện, nước sạch bị ảnh hưởng, mọi sinh hoạt bị đảo lộn nhưng người dân nơi đây vẫn giữ tinh thần lạc quan
Ban ngày, những người đàn ông tranh thủ ra sông đánh cá, còn những người phụ nữ mang cá lên chợ bán rồi về chuẩn bị bữa cơm bằng những con cá đánh bắt được trong cơn lũ.
Ông Bùi Xuân Ninh - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, vài năm trở lại đây, năm nào người dân các xã vùng ven sông Bùi gồm: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên… cũng bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang. Mặc dù vậy, đến nay, vẫn chưa có giải pháp căn cơ cho bài toán này. Theo đó, khoảng 1-2 tuần nữa khi nước rút người dân mới có thể trở về nhà.
Theo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Hà Nội, hiện nay mực nước trên các sông nội địa vẫn đang ở mức khá cao (sông Tích, sông Bùi). Do đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, các địa phương nằm trong khu vực các sông nêu trên cần chủ động xây dựng phương án di dời dân khỏi các khu vực trũng thấp. Đồng thời, tích cực vận hành hệ thống các công trình thủy lợi gấp rút tiêu úng cho cây trồng
Dân vùng rốn lũ leo cây lên nhà Nước lũ dâng cao khiến nhiều xã ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) chìm trong biển nước. Từ chiều tối 21/7, người dân phải dọn ... |
19 người chết, 13 người mất tích do mưa lũ Mưa lũ ở các tỉnh, thành làm 19 người chết, 13 người mất tích. Kinh tế các địa phương thiệt hại nặng. |
Nước lũ rút, hàng nghìn ngôi nhà ở Phú Thọ vẫn ngập trong bùn Từ tối 20 đến 21/7, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có mưa to gây ngập úng, bùn theo nước lũ tràn vào nhà ... |