Vì những lý do khác nhau mà những dự án có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng ở Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị bỏ hoang thành nơi thả trâu, bò suốt nhiều năm.

20
Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông (xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xi măng Nam Đông Việt Song Long vào tháng 1/2008, thay đổi lần thứ nhất vào tháng 5/2010, với số vốn đầu tư 4.437,8 tỷ đồng. Dự án nhà máy có công suất thiết kế 5.000 tấn clinker/ngày (tương đương 1.800.000 tấn xi măng/năm).
21
Ngày 21/3/2009, Chủ đầu tư tổ chức khởi công xây dựng dự án và cam kết hoàn thành, cho ra lò sản phẩm xi măng Nam Đông đầu tiên sau 26 tháng kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 6/2010, sau khi đầu tư được khoảng 163,5 tỷ đồng cho các phần khoan thăm dò mỏ đá, mỏ phụ gia, giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà điều hành..., dự án “dậm chân tại chỗ” cho đến nay, do nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn.
22
Chủ đầu tư sau đó xin UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế gia hạn tiến độ và dự kiến đưa dự án vào hoạt động quý I năm 2016. Đến năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có tờ trình gửi Thủ tướng về việc đề nghị tiếp tục thực hiện đầu tư dự án Nhà máy xi măng Nam Đông.
23
Thông báo Kết luận số 212/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ động rà soát tiến độ, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, công nghệ, bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác, báo cáo Thủ tướng trước khi tiếp tục triển khai dự án nhà máy xi măng Nam Đông trong năm 2019. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn bị bỏ hoang.
24
Sau hơn thập kỷ bị bỏ hoang, hiện khu nhà điều hành, nhà xe, sảnh trước của dự án Nhà máy xi măng Nam Đông đang được người dân địa phương tận dụng làm nơi nuôi nhốt trâu bò. Các lối đi dẫn vào khu nhà đều ngập trong phân gia súc bẩn thỉu, ô nhiễm, nhếch nhác.
25
Một lãnh đạo UBND xã Thượng Quảng cho hay, do dự án chậm tiến độ kéo dài nên một phần diện tích đất trong tổng số hơn 40ha mặt bằng thu hồi triển khai xây dựng nhà máy xi măng đang được người dân tạm thời tận dụng canh tác, trồng các loại cây ngắn ngày. Khi dự án tiếp tục triển khai, dân sẽ bàn giao lại đất cho chủ đầu tư.
26
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế đang phối hợp với các Sở, Ngành chức năng để rà soát các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng và UBND tỉnh, nhằm có phương án xử lý phù hợp.
27
Một dự án khác ở Thừa Thiên - Huế cũng bị chậm tiến độ gần chục năm, thành nơi thả bò. Đó là dự án Trung tâm Văn hóa thể thao Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế - nay thuộc TP. Huế). Dự án được khởi công từ năm 2013, do Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng khu vực Phú Vang làm chủ đầu tư và có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 21,5 tỷ đồng từ ngân sách.
28
Quy mô đầu tư giai đoạn này bao gồm xây khán đài sân bóng đá 1.500 m2; mặt sân bóng, đường chạy 8.000 m2. Dự án được thực hiện trong vòng 3 năm, nhằm xây dựng công trình văn hóa thiết yếu cho huyện, góp phần chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
29
Tuy nhiên, sau nhiều năm công trình chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng để phục vụ các lễ hội, phong trào của địa phương khiến nhiều hạng mục công trình bị bỏ hoang và xuống cấp nghiêm trọng.
30
Bãi cỏ trong khu vực sân vận động thành nơi chăn bò của người dân địa phương.
31
Mãi đến tháng 6/2011, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực Phú Vang mới cho sửa chữa, hoàn thiện và phối hợp với Sở Xây dựng cùng các cơ quan chức năng thẩm định, bàn giao công trình cho thị trấn Thuận An đưa vào quản lý, vận hành.
32
Lãnh đạo Ban Đầu tư và xây dựng khu vực huyện Phú Vang thừa nhận, quá trình triển khai, do khó khăn về nguồn vốn nên việc thi công kéo dài, ngưng trệ dẫn đến một số hạng mục công trình xuống cấp, phải sửa chữa nhiều lần. Sau nhiều năm triển khai công trình chưa thể đưa vào hoạt động có nguy cơ gây lãng phí đầu tư.
33
Cũng theo lãnh đạo Ban Đầu tư và xây dựng huyện Phú Vang, nguyên nhân chậm tiến độ của công trình là do việc bố trí vốn ngân sách tỉnh kéo dài qua nhiều năm, lũy kế bố trí vốn đến nay 19,342 tỷ đồng/20 tỷ đồng (năm 2020, bố trí 500 triệu đồng), phần ngân sách huyện đã bố trí 1,4 tỷ đồng.
34
Cũng liên quan đến nguồn vốn mà một dự án khác tại huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) cũng bị bỏ hoang hơn chục năm qua là Hệ thống cấp nước xã Hải Chánh. Dự án này được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 447 ngày 30/3/2010 nhằm mục tiêu đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho hơn 1.800 hộ dân ở xã Hải Chánh.
35
Dự án có tổng mức đầu tư xây dựng hơn 30 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng từ ngân sách hơn 19 tỷ đồng, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nhà tài trợ Italia hơn 8 tỷ đồng và vốn huy động hợp pháp của chủ đầu tư cùng người dân đóng góp gần 3,5 tỷ đồng.
36
Dự án do Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Quảng Trị (nay là Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị) làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 - 2015. Sau khi triển khai xây dựng từ đầu năm 2014 và hoàn thành một số hạng mục cơ bản thì đến tháng 3/2015 dự án bất ngờ bị tạm dừng và bỏ hoang hoá từ đó đến nay khiến nhiều hạng mục bị người dân biến thành nơi nhốt bò, xuống cấp nghiêm trọng.
37
Ông Bùi Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, sau khi dự án hoàn thiện các hạng mục cơ bản, do thiếu nguồn cung cấp vật tư, thiết bị có giá trị hơn 8,3 tỉ đồng tại nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (từ phía đối tác Italia) nên công trình không thể hoàn thành.
38
Ông Lê Đức Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị tham mưu UBND tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và Đại sứ quán Italia để có phương án xử lý với phần vốn còn thiếu.
Nguyễn Vương