Tôi có người bạn là phóng viên từng nhiều kỳ đưa tin về SEA Games. 

5 sai lầm của thủ môn giúp U22 Thái Lan vô địch SEA Games 29
Võ sĩ Malaysia ngất xỉu vẫn giành HC vàng SEA Games

Tôi có người bạn là phóng viên từng nhiều kỳ đưa tin về SEA Games.

Trước khi đi Malaysia kỳ này, cậu kể cho tôi kỷ niệm liên quan đến vận động viên Đào Văn Thủy tại SEA Games 28. Chuyện rằng, lúc sắp thực hiện môn thi của mình là nhảy cao, thì quốc ca Việt Nam cất lên trong lễ trao huy chương vàng cho vận động viên Đỗ Thị Thảo. Nghe tiếng quốc ca, Thủy liền chạy tới, hướng về cờ Tổ quốc, thực hiện nghi lễ chào cờ.

Hành động ngoài khuôn khổ đó gây xúc động mạnh mẽ cho vận động viên và phóng viên Việt Nam có mặt ở đó. Ngay cả trong khi kể chuyện cho tôi, sự tự hào, xúc động vẫn còn hiện hữu trong mắt người bạn.

Nhiều lần hòa cùng sự thăng hoa, phấn khích hay nỗi xót xa, tiếc nuối của các vận động viên, bạn cũng như tôi hiểu rất rõ cảm giác của những kẻ say sưa “săn huy chương vàng”. Càng hiểu, chúng tôi càng xót xa khi nghĩ về SEA Games - một đấu trường đang mất dần giá trị thể thao của nó.

SEA Games ngày càng giống với một sàn diễn, một trò chơi xoay quanh nước chủ nhà. Tại kỳ 26, trong trận chung kết một nội dung của pencak silat, võ sĩ nước chủ nhà Indonesia Dian Kristanto vừa đấu vừa chạy trốn. Trốn không được thì anh núp sau lưng trọng tài. Thế mà khi công bố, anh được huy chương vàng. Sáu năm sau, chủ nhà Malaysia “đáp lễ” Indonesia bằng chuyện chấm điểm môn pencak silat cho Malaysia có huy chương vàng, nhưng lỡ “quá tay” nên phá luôn kỷ lục thế giới. Trong môn đi bộ, ai cũng phải đi bộ, riêng vận động viên chủ nhà thường được… chạy bộ. Bích Hà của Việt Nam vừa bất lực chịu mất huy chương vàng vì đối thủ chủ nhà được trọng tài ngó lơ, cho chạy.

Hôm qua, trong trận chung kết pencak silat hạng 60-65kg nam, khi đang dẫn 3-1 ở hiệp hai, võ sĩ chủ nhà trúng đòn của đối thủ người Thái Lan và nằm lăn ra sàn. Anh được cáng ra khỏi thảm đấu. Trọng tài sau đó tuyên bố võ sĩ Thái Lan thua vì đã làm... chấn thương đối thủ.

Ngoài môn pencak silat, đi bộ, kỳ này, các vận động viên đua xe đạp Malaysia cũng đi đường tắt về đích lấy huy chương vàng.

Vào năm 2001, cũng SEA Games tổ chức ở Malaysia, vận động viên Thái Lan từng lạy sống trọng tài vì chứng kiến cảnh vận động viên Malaysia xách xe từ bên… bụi cây đi ra chạy về đích.

16 năm, mọi thứ không hề thay đổi tại SEA Games.

Chủ nhà, như thường thấy, còn được hưởng một "đặc ân" nữa, là được phép đưa các môn truyền thống chẳng ai biết vào đại hội và loại các môn thi đấu của Olympic ra nếu mình… không có cơ may lấy huy chương. Đại hội thể thao khu vực vì vậy giống như “Ngày hội văn hóa thôn làng” phóng to.

Theo tôi, cách duy nhất để SEA Games hấp dẫn hơn là cần phát triển chuyên môn công bằng. Đó là việc dùng ngay các môn thi đấu của Olympic mà áp dụng cho các môn của SEA Games. Điều này giúp các quốc gia Đông Nam Á cạnh tranh bình đẳng hơn và rèn luyện trình độ theo đúng tiêu chí “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn” của tinh thần Olympic. Đặc biệt, các quốc gia cần chấm dứt việc thỏa thuận ngầm các tấm huy chương với nhau. Vì chính điều đó đã phủ nhận nỗ lực của những vận động viên đang đổ mồ hôi trên sân tập.

Việt Nam ở đâu trong dòng chảy này? Hãy để các con số trả lời. Năm 2003, Việt Nam đăng cai SEA Games 22, chúng ta đứng nhất toàn đoàn, giành tới 158 huy chương vàng, 97 bạc và 91 đồng. 6 tháng sau, đoàn Việt Nam ra Olympic Athena 2004. Kết quả chúng ta có được: 0 vàng, 0 bạc, và 0 đồng. Còn sự so sánh nào tương phản hơn?

Sydney 2000, Trần Hiếu Ngân giành huy chương bạc ở môn Taekwondo. Hy Lạp năm 2004, Việt Nam không có huy chương. Đến Bắc Kinh 2008, vận động viên cử tạ Hoàng Anh Tuấn giành huy chương bạc. Đến London 2012, Việt Nam lại không có huy chương Olympic. Và tới Rio 2016, chúng ta thành công vượt bậc nhờ xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc.

Nhưng, bạn có nhận ra vấn đề gì ở 4 tấm huy chương Olympic kia không? Huy chương đầu tiên thuộc về môn Taekwondo, huy chương thứ hai thuộc về môn cử tạ, và huy chương thứ ba thuộc về môn bắn súng. Nghĩa là thể thao Việt Nam không có mũi nhọn. Khi chúng ta tranh tài ở Olympic, chúng ta hoàn toàn dựa vào “một phút xuất thần” của vận động viên nào đấy. Việt Nam thiếu đẳng cấp ở đấu trường Olympic, vì bận đuổi theo các mục tiêu dàn trải và chơi các trò chơi truyền thống của các nước chủ nhà ở SEA Games.

Các quốc gia khác thì sao? Tại SEA Games, Thái Lan thống trị ở ba môn là cử tạ, quyền Anh và Taekwondo. Indonesia thống trị ở hai môn là cầu lông và cử tạ. Thái Lan tính từ Olympic 2000 đến 2016, giành được 5 vàng, 2 bạc và 5 đồng môn cử tạ. Ở môn Taekwondo, Thái Lan có 2 bạc và 3 đồng. Còn riêng boxing, Thái giành về cho quốc gia 3 vàng, 3 bạc, 2 đồng.

Tương tự với Indonesia, ở môn cầu lông, xứ vạn đảo có 4 vàng, 3 bạc và 2 đồng. Còn ở môn cử tạ, Indonesia có 6 bạc, 6 đồng. Điều đặc biệt, 5 kỳ Olympic liên tiếp Thái Lan và Indonesia đều có huy chương, và luôn là huy chương trong thế mạnh của hai quốc gia này. So sánh với cách giật cục của Việt Nam, rõ ràng Thái Lan và Indonesia bài bản và mang tính “cường quốc” có đẳng cấp thể thao cao hơn nhiều.

Tuy hoạt động trong “ao làng” nhưng có những quốc gia luôn nghĩ về “biển lớn”. Còn chúng ta dường như chỉ chầu chực đếm huy chương trong “ao làng”, mà không có giải pháp thực thụ để tiến xa hơn.

http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/ao-lang-sea-games-3634556.html

Theo Dũng Phan/VnExpress