Ý tưởng về việc xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài, cả nam và nữ mặc áo dài vào một ngày nhất định tạo sự thú vị với khách du lịch. Cả nước sẽ nhìn vào Huế như một nơi gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông.
Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ khuyến khích các nhân viên diện áo dài vào một ngày nhất định trong tháng. Đây chưa trở thành quy định mang tính bắt buộc với người lao động. Hi vọng, trong tương lai không xa, ý tưởng này sẽ được nhân rộng trên khắp tỉnh, thành cả nước. Và nam với trang phục áo dài truyền thống sẽ không còn xa lạ trong những bộ phận giao lưu với khách hàng hoặc vào những dịp trọng đại đòi hỏi sự trang nghiêm.
Việc khởi động lại mặc áo dài ngũ thân đối với nam giới ở nơi công sở, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế không phải hành động ngẫu nhiên mà là một hoạt động nằm trong đề án “Huế - kinh đô áo dài” nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ “quốc phục” từ bao đời nay. Đơn vị này sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày Thứ hai đầu tuần mỗi tháng nhưng không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị.
Trang phục truyền thống mang nhiều giá trị văn Hóa
Trang phục, cổ phục của Việt Nam có rất nhiều loại khác nhau và đa phần đều có tà rất dài, để phân biệt loại trang phục này với trang phục khác cũng sẽ căn cứ vào đặc điểm cố hữu của nó và những đặc điểm đấy nằm ở phần cổ áo. Trang phục cổ này gọi rất nhiều tên như giao lĩnh, trực lĩnh, lập lĩnh hay như tràng vạt, trường vạt...
Trang phục người ta nhìn thấy nhiều nhất bây giờ là áo dài cổ đứng, lập lĩnh hay còn có tên gọi là áo dài cổ đứng ngũ thân. Người ta nghe và quen với việc áo dài tứ thân chứ ngũ thân thì ít nghe thấy hơn. Do ngày xưa vải được dệt thủ công bằng tay, điều kiện dệt còn hạn chế nên khổ vải chỉ 30cm, 40cm, 45cm. Và để may và quây kín được cơ thể thì người ta phải chắp các khổ vải đấy vào với nhau. Mỗi một khổ vải được gọi là thân áo. Áo tứ thân được chắp bởi 4 khổ vải. Áo ngũ thân là áo được chắp bởi 5 khổ vải.
Áo dài ngũ thân được cán bộ, công chức Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa thiên-Huế mặc vào thứ hai đầu mỗi tháng. |
Sau này, vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ thứ XX, người Pháp vào Việt Nam và mang theo kĩ thuật của phương Tây thì người Việt đã có những khung dệt vải to bản. Có những khổ vải lên đến 90cm, 1m1 và đến bây giờ là 1m4,1m5... Áo hiện đại ngày nay không cần phải ráp những khổ vải với nhau vì khổ vải đã lớn. Và áo của chị em sau này gọi là áo hai tà, hai thân, một thân trước và một thân sau. Ngay cả với những hiện vật từ xưa còn sót lại thì trên áo dài ngũ thân thường có 5 cúc. Một cúc ở cổ, một cúc ở bả vai và ba cúc ở hông khác với áo dài Trung Hoa, cúc sẽ nhiều hơn và vị trí đặt cúc sẽ biến thiên hơn.
Ngoài câu chuyện về kĩ thuật, còn có tính triết lí trên bộ cổ phục - áo dài ngũ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân là thân con nằm ở phía bên trong. Bộ cổ phục ttruyền thống ngũ thân còn có thể hiểu theo ngũ thường như: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Hoặc theo ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Người ta quan niệm số 5 là số sinh.
Khăn xếp, áo the, chân đi guốc mộc gắn liền với đàn ông thời Nguyễn là hình ảnh đã đi vào lịch sử. Theo ghi chép trong cuốn “Tam tài đồ hội” vào năm 1744 cải cách về y quan lễ nhạc của chúa Nguyễn Khoát ở Đàng trong xây dựng một vương quốc độc lập với vương quốc Đàng ngoài của vua Lê - chúa Trịnh trong đó có cải cách y phục. Chiếc áo dài ngũ thân đã gắn liền với 9 chúa, 13 vua thời Nguyễn.
Sau Cách mạng Tháng Tám, người ta vẫn quen với hình ảnh một số nhà tri thức yêu nước, mang màu sắc Nho học ngày xưa đều sử dụng áo dài ngũ thân như trang phục truyền thống. Điển hình như cụ Huỳnh Thúc Kháng khi được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội tham gia Chính phủ trong bức ảnh lưu lại đến giờ cho thấy cụ mặc chiếc áo dài cổ đứng, ngũ thân. Chiếc áo dài cổ đứng ngũ thân gắn liền với nhiều quan chức Việt Nam thời cổ. Còn với người nông dân thời cổ thì có những áo ngắn, áo cánh, áo vạt hò để tiện sinh hoạt nhưng đến khi có dịp như hội làng, đình làng, lễ lạt thì người ta vẫn mặc áo dài vì tính sang trọng. Tuy nhiên, dựa vào từng gia cảnh thì áo dài đó được làm bằng chất liệu khác nhau. Gia đình giàu sang thì mặc áo lụa, áo gấm, còn gia đình nông dân thì mặc áo vải.
Quảng bá hình ảnh áo dài Việt vươn tầm ra thế giới
Đạo diễn sân khấu NSND Doãn Hoàng Giang (nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) cho rằng: “Áo dài ngũ thân đàn ông hay mặc khi xưa trong giai đoạn lịch sử đã bị đứt gãy và bây giờ chúng ta cần mặc lại để nối lại sự đứt gãy đó, để giữ một phần văn hóa của người Việt”.
Theo đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang: Những hoạt động của cộng đồng những người yêu văn hóa truyền thống suốt cả một thời gian dài đã dần dần thay đổi bộ mặt, đưa trang phục truyền thống ra công chúng thông qua phim ảnh, các sản phẩm giải trí và có tác động một phần nào đó vào các cơ quan nhà nước.
Từ những quan chức ngoại giao, đến các cơ quan về văn hóa cũng đã bắt đầu tìm hiểu về cổ phục và có những động thái nhất định và gần đây nhất như Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế quy định là nhân viên của sở sẽ mặc ít nhất một tháng một lần. Điều rất hay các bạn trẻ lại là người ủng hộ một hoạt động nằm trong đề án “Huế - kinh đô áo dài” nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ “quốc phục” từ bao đời nay.
Áo dài ngũ thân được mặc trong các dịp trang trọng vào ngày lễ, tết. |
NSND Doãn Hoàng Giang đưa ý kiến: “Tôi mong muốn điều này được phát huy sang nhiều tỉnh thành trong cả nước, chứ không chỉ là một tỉnh. Chúng ta đã có học sinh trung học cơ sở mặc áo dài vào ngày đầu tuần. Chúng ta có những lễ hội áo dài. Chúng ta có những liền anh liền chị mặc áo dài trong những buổi hát quan họ giao duyên. Chúng ta có một số quan chức Việt, đại sứ Việt trong một số buổi lễ tiếp khách quốc tế, trang phục áo dài khăn đóng cũng được lựa chọn để tạo ấn tượng giao lưu với bạn bè quốc tế, thể hiện truyền thống, tinh hoa của dân tộc Việt Nam...
Vậy thì tại sao chiếc áo dài đấy lại không xuất hiện trong trang phục của tiếp viên hàng không nam, hay những nam hướng dẫn viên du lịch hoặc nam nhân viên làm ở bộ phận tiếp xúc với khách hàng. Tại sao chúng ta không quy định tại các trường THPT, ngoài nữ đồng phục áo dài thì nam cũng có đồng phục áo dài. Nam với trang phục áo dài cũng hoàn toàn có thể xuất hiện trong những buổi giao lưu, tổng kết, hội nghị của hội nghề nghiệp, cơ quan đoàn thể, hay vào những dịp trang trọng như lễ, tết...”.
“Sự xuất hiện chiếc áo dài ở mọi nơi, mọi lúc sẽ quảng bá được vẻ đẹp trang phục Việt, đồng thời đây cũng là trang phục truyền thống còn đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc. Áo dài vẫn đầy tính thuyết phục với sự lựa chọn tôn vinh vẻ đẹp của người mặc bên cạnh sự đa dạng, phong phú của các loại Âu phục hiện đại”.
NSND Lan Hương (nguyên trưởng đoàn kịch hình thể Nhà hát Tuổi trẻ) cho rằng: “Thế hệ trẻ ngày này là người bước chân ra thế giới để giao lưu với thế giới mới thấy được tầm quan trọng của văn hóa, lịch sử thể hiện thông qua trang phục. Chúng ta có khẩu hiệu, khi chúng ta đi ra thế giới, chúng ta hòa nhập chứ không hòa tan. Cái gì đã khiến chúng ta không hòa tan thì chính là những cổ phục.
Khi chúng ta mặc lên người chúng ta thấy rằng: À, mình là người Việt Nam. Mình mang trên người năng lượng truyền thống của ông cha để lại và chính cả những thức cảm đó, thức cảm vật chất là một cái áo, những thức cảm về văn hóa tinh thần giúp cho chúng ta là người Việt Nam, là dân tộc Việt Nam không hòa tan với những dân tộc khác.
Mọi người quen thuộc với hình ảnh tà áo dài thướt tha của nữ tiếp viên hàng không, của nữ học sinh trung học, hay một hướng dẫn viên du lịch ở khu di tích nhà tù Hỏa Lò, Hương mong muốn tà áo dài ấy được nhân rộng ra không chỉ nữ mặc mà còn là trang phục yêu thích của các nam sinh ở trong nước, hay các du học sinh nước ngoài. Ngoài nữ hướng dẫn viên du lịch đã thân quen với tà áo dài thì hình ảnh nam hướng dẫn viên du lịch cũng sẽ đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế và ngay cả trong cộng đồng người Việt...”.
“Y phục xứng kì đức”
Theo nhà nghiên cứu cổ phục Nguyễn Đức Lộc: “Tinh hoa của mình không hề thua kém Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vậy mà khi bước chân ra thế giới, nhất là ở một số nước, đến ngày truyền thống giao lưu văn hóa thì các bạn sinh viên Lào, Campuchia... khoác trang phục truyền thống lộng lẫy và múa hát các điệu múa truyền thống rất đẹp, còn các bạn sinh viên Việt Nam ít khi mặc trang phục truyền thống mà đa phần là mặc trang phục hiện đại, điều đó động đến vấn đề tự tôn và tự ái dân tộc.
Công chức mặc áo dài đến công sở tại Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế. |
Khi bước chân ra nước ngoài, văn hóa mới trả lời cho bạn, bạn là ai? bạn đến từ đâu? Và trang phục là điều ấn tượng đầu tiên. Chúng ta ở trong nước và đôi khi chúng ta bỏ quên điều đó thì chúng ta hãy mở lòng mình ra, mở tầm nhìn của mình ra khu vực và thế giới. Hãy nhìn các nước Trung, Nhật, Hàn, hay các nước Âu-Mỹ họ đã làm gì với văn hóa truyền thống của họ, với cổ phục của họ. Họ quảng bá đến mức nào rồi”.
Nhà nghiên cứu cổ phục Nguyễn Đức Lộc cho biết: “Với một người thường xuyên mặc cổ phục thì tôi thấy hoàn toàn không hề vướng víu một chút nào. Các cụ vẫn nói rằng: “Y phục xứng kì đức” trang phục cũng như vậy, cổ phục cũng như thế. Khi mặc cổ phục của cha ông giữ cho chúng ta luôn luôn có một tâm thế phải trang nghiêm, đàng hoàng, đĩnh đạc, chứ không phải là sự vướng víu.
Từ cách tác phong trong sinh hoạt ăn mặc cũng phải gọn gàng, nhẹ nhàng, từ tốn không sẽ làm ảnh hưởng đến trang phục. Chính điều đó tạo nên tác phong. Vậy thì chúng ta đưa quy định ít nhất một ngày trong tuần hay trong tháng cũng là một sự nhắc nhở chúng ta nhớ đến tiền nhân, nhớ đền nguồn cội, gốc rễ của mình.
Hằng ngày chúng ta có thể xô bồ, suồng sã nhưng khi ta khoác cổ phục lên thì phải giữ cho mình tâm thế điềm tĩnh, đi đứng khoan thai, cư xử lịch thiệp, lâu dần hình thành nên tác phong và thói quen, đồng thời hình thành nên nhân cách con người.
Nam công chức Huế mặc áo dài đi làm, dân mạng hào hứng tranh cãi |
Nam công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài đến công sở |
Áo dài Huế đi tìm thuở vàng son quá khứ |