Trung bình mỗi ngày, tôi nhận tầm 5 thư điện tử chào mời các giải thưởng.
áo và thầy tu
Nào là doanh nghiệp xuất sắc, doanh nhân APEC; nào là sản phẩm chất lượng vàng, thương hiệu chất lượng cao, nhãn hiệu mạnh; nào là tăng trưởng tốt nhất, nhà lãnh đạo tài ba, tổ chức phát triển bền vững… Mới hôm qua, còn có giải “Đỉnh cao chất lượng đẳng cấp quốc tế - hạng kim cương”. Vô số giải thưởng tên kêu như chuông khiến chúng tôi không biết đâu mà lần.
Nhân viên của tôi có lần thử hồi âm nhà tổ chức thì được gửi thêm những bảng biểu rất rõ ràng. Để có giải này thì công ty đó phải tài trợ bao nhiêu tiền, mua quảng cáo gì… Khi doanh nghiệp từ chối không tham gia, họ sẵn sàng mặc cả hay giảm giá chóng mặt, như mua hàng ngoài chợ Bến Thành.
Có chuyện hài hước: Doanh nghiệp của anh bạn đã giải thể ba năm mà vẫn nhận được thông báo của ban này, thuộc hội kia “chúc mừng vì công ty đã được lựa chọn trao giải thưởng danh giá và lễ trao thưởng sẽ truyền hình trực tiếp trên truyền hình”. Công thức kèm theo là chỉ cần doanh nghiệp chi ra hai, ba chục triệu đồng cho giải thưởng “danh giá”.
Nhưng khoan vội trách những cá nhân, tổ chức “sáng tác” ra những giải thưởng kia. Vì có cầu thì mới có cung. Không có cầu là những vị doanh nhân háo danh thì tại sao có các tổ chức tạo ra nguồn cung giải thưởng nhiều như vậy?
Nhìn rộng ra, phong trào chạy theo hình thức nói chung và danh hiệu nói riêng chẳng lạ lẫm gì trong xã hội ngày nay.
Là một người làm kinh doanh, tôi chỉ dám đặt câu hỏi trong phạm vi mình hoạt động. Chuẩn mực nào trong công việc và cuộc sống cho giới doanh nhân Việt ngày nay?
Xưa, thời bao cấp, người ta có câu: “Ba số 5 vừa nằm vừa ký”. Đi quan hệ làm ăn, cứ chìa ra thuốc lá ba số là bên kia ký giấy tờ liền, kể cả khi đang nằm. Thời đó, hút thuốc 555 là mốt của giới nhà giàu, để chứng tỏ đẳng cấp. Giống như ngày nay rộ lên phong trào hút xì gà “cho kịp với thời đại”. Các cuộc tiệc sang phải có doanh nhân phì phèo điếu xì gà cho hợp đẳng cấp. Không biết hút cũng cố ngậm điếu “xích nô sáu” (Syglo VI) rồi post lên phây cho thiên hạ biết mình là ai.
Những năm đầu thập niên 90, ở Hà Nội rộ lên phong trào Honda Dream. Nhiều vị nhà chưa có điều kiện cũng ép con cái “cơm canh rau muống” để mua bằng được “con zim lùn” cho bằng anh bằng em. Nay, doanh nhân là phải có xe hơi. Nhiều giám đốc sống chết phải mua bằng được xe ôtô bằng vay mượn hoặc trả góp. Một vị quản lý trong hãng xe ô tô của Đức kể với tôi rằng, họ thống kê thấy Việt Nam là nơi có tỷ lệ mua xe sang vào loại cao hàng đầu thế giới. Nhưng đồng thời cũng là thị trường có tỷ lệ vay tiền mua xe cao nhất.
Ngồi vào bàn tiệc của các ông chủ, nhiều lần tôi chẳng biết đối đáp ra sao. Vì không ít vị chẳng nói gì về doanh nghiệp mình, sản phẩm mình, chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh mà chỉ thấy khoe, ăn gì, uống gì, chơi gì, tiêu tiền như thế nào.
Tôi biết có vị ra ngoài tài trợ giải golf hoành tráng trong khi ở nhà vẫn nợ mấy tháng lương công nhân. Tôi hỏi ông “Sao lại thế?”, ông trả lời: “Chơi golf mới ra việc!”.
“Giá trị ảo” trong thời đại này thậm chí còn được thể hiện bằng “trí tuệ”. Một số doanh nhân thích xuất hiện chỗ đông người, nói những lời hay ý đẹp, dạy lớp trẻ cách sống, khuyên người đời đừng tham lam. Nhưng nhiều người trong số họ khi làm việc thì chưa hay, chưa đẹp, đôi lúc còn bỏ qua cả luật pháp.
Chính những danh hiệu được kể ở trên được tạo ra để phục vụ cho nhu cầu trang sức tinh thần này. Trong văn phòng một số công ty, có trưng cả những giải về “văn hóa doanh nhân”, huy chương về “đạo đức”. Họ trở thành hình ảnh xấu, tạo ra định kiến với người làm ăn nói chung.
Vẫn có không ít doanh nhân tạo ra những doanh nghiệp đích thực. Họ tạo ra những chuẩn tự hào cho doanh nghiệp mình bằng thương hiệu uy tín, quy mô doanh nghiệp với số lượng nhân sự và doanh thu ổn định, số thuế đóng góp cho ngân sách mỗi năm, đồng lương cao để đảm bảo đời sống cho nhân viên mình, hành động trách nhiệm với xã hội. Họ được ghi nhận mà không cần những cái mác vật chất và mác truyền thông nào.
Chiếc áo chẳng bao giờ làm nên thầy tu.
Cuộc vượt biên của những đứa trẻ bỏ trường Không nhìn thấy tương lai trong những trang sách, nhiều học sinh vùng cao đi thẳng từ lớp học đến biên giới. Chúng trở thành ... |
Thất bại Ai trong chúng ta cũng đều sợ thất bại, vì thất bại có thể làm hao tổn tài sản, năng lực và cả niềm tin ... |