Với thâm hụt thương mại tăng lên, cung ngoại tệ của Việt Nam không còn dư dả như trước sẽ là áp lực lớn với tỷ giá.
Thị trường ngoại hối gần đây chịu nhiều áp lực, không chỉ đến từ các yếu tố nội tại trong nước mà còn cả quốc tế, với việc đồng USD mạnh lên và rủi ro về một cuộc chiến tranh thương mại cho đến chiến tranh tiền tệ.
Trong ngày hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục công bố chính sách áp thuế bổ sung lên 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – một động thái leo thang mạnh mẽ. Theo như lời đe dọa của ông Trump, nếu Trung Quốc tiếp tục có hành vi trả đũa, khả năng hàng rào thuế quan sẽ còn nâng lên đến 500 tỷ USD.
Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc này có thể lây lan toàn thế giới và khiến hoạt động giao thương toàn cầu thêm trì trệ. Khi đó, hàng Việt Nam xuất khẩu vào các nước khác tất yếu sẽ bị ảnh hưởng. Hàng Việt sẽ phải cạnh tranh mạnh khi những quốc gia bị đánh thuế cao như Trung Quốc có thể tìm đường vào các thị trường khác ngoài Mỹ.
| |
Tỷ giá USD/VND vừa trải qua đợt "sóng" tăng mạnh. Ảnh: Anh Tú. |
Chẳng những vậy, hàng Việt xuất vào Trung Quốc cũng có thể bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp nội địa của nước này. Do bị đánh thuế cao nên chính phủ Trung Quốc buộc phải tìm cách kích thích tiêu dùng nội địa, ưu tiên sử dụng hàng trong nước để hạn chế thiệt hại thấp nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong cuộc chiến tranh thương mại lần này.
Bên cạnh đó, để đáp trả Mỹ, Trung Quốc không chỉ áp hàng rào thuế quan tương tự lên hàng hóa Mỹ, mà còn sử dụng giải pháp phá giá đồng nhân dân tệ như là một vũ khí tối thượng. Thực tế, vài tuần gần đây, đồng nhân dân tệ đã giảm giá khá mạnh so với USD. Theo giới phân tích thì Trung Quốc dường như đã can thiệp để thao túng tiền tệ.
Điều này có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh tiền tệ mới, theo đó các nền kinh tế khác cũng có thể theo đuổi chính sách phá giá đồng nội tệ tương tự để hỗ trợ xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam luôn cố gắng giữ giá trị tiền đồng so với đôla Mỹ, chỉ cho phép phá giá trong một biên độ nhất định để tránh những bất ổn lên nền kinh tế. Do đó tiền đồng vô tình tăng giá so với các loại ngoại tệ khác và điều này có thể khiến hàng Việt xuất khẩu mất lợi thế cạnh tranh do giá đắt hơn.
Khi hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng, nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng theo và khiến nguồn cung ngoại tệ trên thị trường mất đi một lực hỗ trợ đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam hiện vẫn duy trì xuất siêu 2,71 tỷ USD, tuy nhiên, riêng tháng 5 và tháng 6 đã chuyển sang nhập siêu trở lại với giá trị tương ứng là 814 triệu USD và 100 triệu USD.
Ngoài ra, với các hàng rào thuế quan dày đặc cũng như chính sách lôi kéo doanh nghiệp về Mỹ của ông Trump, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể bị hút về Mỹ thay vì đổ vào những nền kinh tế đang phát triển như thời gian qua. Không loại trừ khả năng Mỹ có thể áp thêm hàng rào thuế quan lên các nền kinh tế khác ngoài Trung Quốc, khi đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có thể rút dần hoạt động sản xuất về Mỹ để tránh thuế.
Điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ không chỉ đến từ việc vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm, mà còn đến từ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, vốn liên tiếp xuất siêu với giá trị lớn trong nhiều năm qua giúp hạn chế thâm hụt thương mại. 6 tháng đầu năm nay, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã xuất siêu 15,65 tỷ USD, trong khi năm 2017 cũng xuất siêu lên đến 28,8 tỷ USD.
Khi hoạt động xuất khẩu đến Mỹ bị hạn chế do các mức thuế cao, lượng hàng hóa dư thừa của Trung Quốc có thể tràn sang những nền kinh tế khác để tiêu thụ, đặc biệt là những quốc gia cận kề nước này về mặt địa lý.
Trung Quốc cũng có thể sử dụng các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng như là một quốc gia thứ ba trung chuyển hàng vào Mỹ nhằm tránh các hàng rào thuế quan. Như vậy, Việt Nam sẽ đối mặt với hàng Trung Quốc ồ ạt đổ sang, cả đường chính thức lẫn phi chính thức. Điều này khiến thâm hụt thương mại nói riêng của Việt Nam với Trung Quốc càng tăng lên và càng tác động xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam nói chung.
Nếu thành một quốc gia trung chuyển cho hàng xuất khẩu Trung Quốc để lách thuế, Việt Nam có thể phải đối mặt với sự trừng phạt thương mại từ Mỹ. Như hôm 21/5, thép Việt Nam đã bị Bộ Thương mại Mỹ áp mức thuế nhập khẩu đến 250% khi cho rằng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Quyết định tăng thuế này đã được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu cũng phát hiện rằng các lô hàng thép từ Việt Nam vào EU cũng lách thuế hồi tháng 11/2017. Điều này về lâu dài cũng ảnh hưởng đến chính các doanh nghiệp nội địa và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Với thâm hụt thương mại tăng lên, cầu ngoại tệ phục vụ cho hoạt động nhập khẩu cũng nhiều theo. Năm 2017, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc là 23,2 tỷ USD và con số này luôn duy trì xu hướng đi lên trong nhiều năm qua. Cung ngoại tệ bị ảnh hưởng trong khi cầu ngoại tệ lại tăng sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
An Nhiên
10 điều cần biết về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Ngày 6/7, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bắt đầu sau khi các qui định áp thuế trị giá 34 ... |
Khi chiến tranh thương mại nổ ra Trước thuế suất kỷ lục 25%, hàng hóa Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tìm cách “trung chuyển” qua Việt Nam để lách thuế vào ... |
Tổng thống Trump và \'chuyến tàu lượn\' chiến tranh thương mại Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa cả thế giới lên "chuyến tàu lượn" chiến tranh thương mại với khát khao giành thêm chiến thắng như ... |
Trump dọa áp thuế với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu TQ Trong một động thái tiếp tục gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Tổng thống Trump đã ... |