Sau 3 tháng dính nghi án "giả xuất xứ", ông Phạm Văn Tam nói Asanzo thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ hoạt động trở lại từ hôm nay. 

Thông tin trên được chia sẻ tại cuộc họp báo với tựa đề "Asanzo được minh oan" do chính Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo tổ chức ngày 17/9 tại Hà Nội. Cuộc họp báo này được tiến hành sau gần 90 ngày các cơ quan chức năng làm việc và xác minh nghi án "Asanzo bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt" nhưng kết luận vẫn chưa được công bố. Do chưa có kết luận gì về những nghi án mà Asanzo bị quy kết, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT cho rằng "trước mắt cần công bố để quay trở lại làm việc".

Ông Tam nói, trong khoảng 3 tháng qua, doanh nghiệp này tiếp hơn 100 cán bộ kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, ban, ngành. Khoản thiệt hại ông Tam ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Cách đây một tháng Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy, chờ kết luận của các cơ quan quản lý về vụ việc. Cũng trong cuộc họp báo, ông Tam cho biết từ hôm nay (17/9) sẽ vận hành trở lại 4 nhà máy cũng như khôi phục lại các hoạt động bán hàng, kinh doanh khác. Đầu tháng 10 tới, Asanzo sẽ đưa vào vận hành nhà máy thứ 5 tại Khu công nghệ cao TP HCM, với công suất bằng 4 nhà máy hiện tại.

asanzo thiet hai 1000 ty dong vi nghi an gia xuat xu
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo tại họp báo ngày 17/9. Ảnh: H.Thu

"89 ngày chờ đợi kết luận thanh tra, kiểm tra đã đưa những gì tôi gây dựng trong 20 năm về con số 0. Nhưng may mắn là chúng tôi vẫn trụ được đến hôm nay, và dù khó khăn, thiệt hại lớn như vậy nhưng chưa có cổ đông, ngân hàng nào công bố Asanzo nợ và đòi tiền", ông Tam chia sẻ.

Tại cuộc họp báo Asanzo tuyên bố mình được minh oan với ba nghi vấn, gồm giả xuất xứ hàng hoá, sai phạm về xuất nhập khẩu và lừa dối người tiêu dùng. Công ty đưa ra hai bản kết luận báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) về vụ việc.

Ông Trần Đức Hoàng - luật sư của Công ty Asanzo nói, theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường gửi Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh với Asanzo ngày 1/8, cơ quan này không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.

Cùng đó, ông Hoàng dẫn báo cáo của Cục Kiểm tra sau thông quan cho hay, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan với hàng hoá tại một tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu.

"Với 2 văn bản này đủ cơ sở pháp lý tới thời điểm hiện tại Asanzo không sai phạm về xuất nhập khẩu, không giả xuất xứ hàng hoá", ông Hoàng khẳng định.

Tuy nhiên đây mới là hai báo cáo là thông tin đầu vào để cơ quan chức năng kết luận vụ việc chứ chưa phải là kết luận cuối cùng. Trong khi đó, theo văn bản truyền ý kiến của Thủ tướng hồi tháng 6, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xác minh vụ việc.

Trao đổi với VnExpress, Trưởng ban chỉ đạo 389 - ông Đinh Tiến Dũng cho biết hiện Thủ tướng chưa ký quyết định cuối cùng về kết luận vụ việc.

Về thông tin cho rằng Asanzo lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng slogan quảng cáo "Đỉnh cáo công nghệ Nhật Bản", ông Hoàng giải thích, doanh nghiệp đã xin phép Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP HCM và được đồng ý. Ngoài ra, Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy - công ty con tại Hong Kong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) và doanh nghiệp này đã có tuyên bố khẳng định "hợp đồng kinh doanh với Asanzo về bán linh kiện điện tử, chuyển gia phần mềm, công nghệ... vẫn còn hiệu lực".

Trước câu hỏi của báo giới liên quan tới kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, 14 công ty cung cấp linh kiện, nguyên liệu cho Asanzo đã bỏ trốn, một số đối tác khác không có địa chỉ kinh doanh rõ ràng và một công ty đối tác bị khởi tố về tội buôn lậu..., ông Trần Đức Hoàng khẳng định, số doanh nghiệp này hoàn toàn không có mối quan hệ sở hữu, ngoại trừ giao dịch mua bán hàng hoá với Asanzo. Các đơn vị này cũng bán hàng cho đối tác khác, ngoài Asanzo.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tam thừa nhận thời gian qua đơn vị này chưa làm tốt việc kiểm soát khâu đầu vào các nhà cung cấp, vì thế đưa ra tiêu chí kiểm soát rõ ràng, chặt chẽ nhà cung cấp là mục tiêu của doanh nghiệp tới đây.

Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.

Tháng 6/2018, Thủ tướng giao Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam. Kết luận này cần báo cáo Thủ tướng trước 30/7, nhưng sau đó đã được lùi lại tới 30/8 do "tính chất phức tạp của vụ việc".

Ngày 30/8, Asanzo tuyên bố tạm đóng cửa nhà máy do tổn thất quá lớn trong thời gian chờ kết luận thanh tra nghi án "bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam"

Nguyễn Hoài

asanzo thiet hai 1000 ty dong vi nghi an gia xuat xu Asanzo tuyên bố hoạt động trở lại

Tại buổi họp báo hôm nay 17/9, ông Phạm Văn Tam tuyên bố Asanzo hoạt động trở lại sau thời gian đóng cửa vì những ...

asanzo thiet hai 1000 ty dong vi nghi an gia xuat xu Kết luận "Asanzo không gian lận xuất xứ hàng hóa", Chủ tịch VCCI nói gì?

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI có những trao đổi thẳng thắn về kết luận của ...

asanzo thiet hai 1000 ty dong vi nghi an gia xuat xu Làm rõ quan hệ giữa Asanzo và các công ty có chữ "Asanzo"

Tổng cục Hải quan làm rõ mối quan hệ giữa Công ty CP Tập đoàn Asanzo với các công ty có chữ “Asanzo”.

/ vnexpress.net