Thanh gươm, chiếc gương và viên ngọc do nữ thần mặt trời truyền lại là những báu vật tượng trưng cho ngôi vị của Nhật hoàng.
Mô hình phỏng đoán về ba báu vật của Nhật Bản. Ảnh: kknews. |
Nhật hoàng Akihito ngày 30/4 sẽ thoái vị, truyền lại ngôi cho Thái tử Naruhito. Ngày 1/5, tân Nhật hoàng sẽ được trao ba báu vật thiêng liêng thường được gọi là "Tam chủng thần khí" gồm thanh gươm Kusanagi no Tsurugi, chiếc gương Yata no Kagami và viên ngọc Yasakani no Magatama. Những báu vật lần lượt tượng trưng cho lòng dũng cảm, sự khôn ngoan và lòng nhân từ.
Theo thần thoại Nhật Bản, ba vật này từng thuộc sở hữu của thần biển cả và bão tố Susanoo và chị của ông là nữ thần mặt trời Amaterasu. Bất mãn sau một cuộc thi tài giữa hai chị em, thần Susanoo đốt đồng ruộng của nữ thần Amaterasu. Bà giận dữ và tự nhốt mình trong hang, khiến cho thế gian chìm trong bóng tối.
Nữ thần của lễ hội và hạnh phúc Ame no Uzume bày mưu treo một chiếc gương bằng đồng lên cây, khoác hoa lá lên mình, đeo một chuỗi ngọc rồi nhảy múa trước hang. Nhiều vị thần khác cười nói ồn ào khiến thần Amaterasu tò mò hé mở cửa hang. Hình ảnh bà phản chiếu trong gương đồng khiến thế gian không còn chìm trong bóng tối. Một vị thần sau đó kéo bà ra khỏi hang. Chiếc gương trở thành gương thần Yata no kagami. Chuỗi ngọc được sử dụng khi nhảy múa trở thành Yasakani no magatama (hiện chỉ còn một viên).
Thần Susanoo sau đó bị phạt và phải hạ phàm. Tại tỉnh Izumo, ông gặp hai thần đất bị quấy nhiễu bởi Yamata-no-Orochi, sinh vật dạng rắn có 8 đầu 8 đuôi. Hai thần này kể rằng con vật đã nuốt mất 7 người con gái lớn của họ. Thần Susanoo hỏi cưới cô con gái còn lại là Kushinadahime rồi làm ra 8 bình rượu sake để dụ con rắn uống say. Ông giết nó và cắt xác thành nhiều khúc. Từ đuôi rắn xuất hiện thanh kiếm Kusanagi no Tsurugi và thần Susanoo tặng nó cho nữ thần Amaterasu để tạ lỗi.
Nữ thần Amaterasu sau này truyền ba báu vật cho cháu mình là Ninigi-no-Mikoto khi cử ông xuống trần gieo hạt trồng lúa. Ba báu vật lại được truyền cho chắt của ông là Nhật hoàng Jimmu - hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản. Vì vậy, các báu vật là bằng chứng biểu thị Nhật hoàng là hậu duệ của nữ thần Amaterasu và tượng trưng cho ngôi báu của Nhật hoàng.
Trong lịch sử từng có những trận chiến để tranh giành báu vật. Cuối Chiến tranh Genpei năm 1185, Nhật hoàng Antoku 8 tuổi và các báu vật nằm dưới sự kiểm soát của gia tộc Taira. Khi gia tộc Taira bị đánh bại bởi gia tộc Minamoto trong trận hải chiến Dan-no-ura, bà của hoàng đế đã ôm cậu bé cùng với thanh kiếm và viên ngọc nhảy xuống biển.
Chiếc gương được lính của gia tộc Minamato giữ lại nhưng một người cố gắng mở hộp chứa gương ngay lập tức bị mù. Viên ngọc sau đó được các thợ lặn tìm thấy. Một số văn bản thời trung cổ nói rằng thanh kiếm đã bị mất và được thay thế bằng bản sao nhưng lại có cách lý giải rằng thanh kiếm thật không bị mất và đã được đưa trở lại đất liền bởi thế lực siêu nhiên.
Ngày nay, địa điểm cất giữ các báu vật không được xác nhận. Công chúng thường quan niệm rằng thanh gươm được giữ ở đền Atsuta tại Nagoya, viên ngọc được cất giữ ở hoàng cung Kokyo tại Tokyo, chiếc gương được cất giữ ở Thần cung Ise ở tỉnh Mie.
Nhật hoàng Akihito và Thái tử Naruhito trong bài phát biểu mừng năm mới tại Tokyo hồi tháng một. Ảnh: AFP. |
Chỉ các Nhật hoàng và một số thầy tế của các ngôi đền được phép tiếp xúc với ba báu vật. Bằng chứng nổi bật nhất về sự tồn tại của các món đồ này là sắc chỉ của Nhật hoàng Hirohito cho cận thần Kido Koichi vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945) rằng phải bảo vệ các báu vật bằng mọi giá.
Không có bức ảnh hay bức vẽ chính thức nào về các báu vật. Tuy nhiên, một số nghệ nhân đã tạo ra những mô hình phỏng đoán.
Khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi vào tháng 1/1989, thanh kiếm và viên ngọc được đặt trước mặt ông trong phòng Matsu no Ma của cung điện còn chiếc gương vẫn được giữ ở đền. Nhật hoàng không trực tiếp nhìn thấy những báu vật này vì chúng được bọc kín trong vải khi được bàn giao.
"Chúng tôi không biết hình dáng chính xác của các báu vật", Eiichi Miyashiro, nhà báo của tờ Asahi Shimbun và là chuyên gia về hoàng gia, cho biết.
Phương Vũ (Theo Mainichi)
Sự khác biệt của Nhật hoàng Akihito với các hoàng đế tiền nhiệm Sự gần gũi với công chúng của Nhật hoàng Akihito từng bị coi là mạo hiểm vì tách biệt với truyền thống coi hoàng đế ... |
Dấu ấn hiện đại hóa trong triều đại Nhật hoàng Akihito Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã hiện đại hóa chế độ quân chủ truyền thống, khiến hình ảnh hoàng gia gần gũi hơn ... |