Dựa trên diễn biến của nhiều dịch bệnh trong quá khứ, các chuyên gia nhận định Covid-19 có thể phát triển theo ba kịch bản.
Các nước ban bố lệnh hạn chế đi lại, cuộc chạy đua vaccine vẫn tiếp diễn trong khi căn bệnh bùng phát ở nhiều quốc gia ngoài lãnh thổ đại lục như Hàn Quốc, Iran và Italy làm dấy lên câu hỏi, dịch bệnh sẽ chấm dứt như thế nào.
Phân tích manh mối của các vụ dịch tương tự, các nhà khoa học đưa ra ba kịch bản về diễn biến của nCoV.
Năm 2002, khi hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) càn quét khắp châu Á với tỷ lệ tử vong là 10%, thế giới không có thuốc đặc trị để chống lại căn bệnh. Tình hình khá tương đồng với vụ dịch hiện tại, chỉ khác tỷ lệ tử vong của Covid-19 là 2,3%.
Nhân viên y tế bên trong bệnh viện dã chiến do Bộ Y tế Peru xây dựng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 vào ngày 27/2. Ảnh: AFP |
SARS suy yếu chỉ sau vài tháng. Đại dịch đã được kiểm soát và gần như bị tiêu diệt hoàn toàn thông qua hợp tác quốc tế và áp dụng các biện pháp truyền thống như phong tỏa, kiểm dịch và truy tìm con đường lây nhiễm của người bệnh.
Nếu Covid-19 có diễn biến tương tự, đây sẽ là viễn cảnh lý tưởng. Song điểm mấu chốt là bệnh nhân mắc SARS có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với nhiễm nCoV. Người dân thường lập tức đến bệnh viện nếu thấy biểu hiện bất thường.
Trong khi đó, các trường hợp nhiễm Covid-19 khó khoanh vùng và phân lập hơn, Stuart Weston, chuyên gia virus Đại học Maryland cho biết. Ông Weston cùng một nhóm nhà khoa học đã có được các mẫu virus corona và đang nghiên cứu chúng. Các chuyên gia cảnh báo, dịch bệnh tại Mỹ và nhiều quốc gia khác có thể lan rộng hơn bởi có quá nhiều ca bệnh nhẹ. Nhiều người thậm chí không biết mình đã nhiễm virus.
Kịch bản khác "nghiệt ngã" hơn nhiều là Covid-19 có diễn biến giống với đợt bùng phát Ebola giai đoạn 2014-2016 ở Tây Phi. Vụ dịch ảnh hưởng nặng nề tới các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém. Đây là lý do vì sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nỗ lực hỗ trợ các nước châu Phi hạ Sahara trong công tác điều trị dù đến nay khu vực này chỉ ghi nhận vài trường hợp lẻ tẻ.
So với nCoV, virus Ebola ít lây lan hơn và truyền chủ yếu qua dịch thể. Họ virus corona nói chung có trong giọt hô hấp, phát tán khi ho và hắt hơi. Tỷ lệ tử vong do Ebola cũng cao hơn. Trong số 28.000 người nhiễm, virus đã giết chết 11.000 bệnh nhân. Giai đoạn 2014-2016, thiếu hụt vật tư và nhân viên y tế, tình trạng nghèo đói và sự chậm trễ của các nhà lãnh đạo đã khiến công chúng mất lòng tin, tạo điều kiện cho căn bệnh lây lan rộng rãi.
Một người phụ nữ và hai bé sinh đôi ở Liberia đã phải vật lộn để được hỗ trợ y tế trong vụ dịch Ebola 2014. Ảnh: Washington Post |
Từ đầu mùa dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước nhanh chóng chuẩn bị ứng phó. Hôm 28/2, cơ quan này đã nâng cảnh báo về Covid-19 lên mức cao nhất.
"Đây là bài kiểm tra đối với chính phủ các nước: Hãy tỉnh táo. Virus có thể đang tấn công và tất cả cần sẵn sàng. Chờ đợi, tự mãn hay chủ quan lúc này không phải một cái cớ hợp lý", Michael Ryan, người phụ trách các chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO cho biết.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định Covid-19 có thể trở thành một dịch bệnh bền vững, trở lại mỗi năm. Đây là điều từng xảy ra vào năm 2009 khi cúm lợn (H1N1) bùng phát. Căn bệnh lây lan với tốc độ nhanh chóng, ảnh hưởng tới 11 đến 21% dân số thế giới. WHO tuyên bố đại dịch, nỗi sợ hãi lan rộng trong cộng đồng.
Song H1N1 thực tế ít nghiêm trọng hơn nhiều so với lầm tưởng ban đầu. Người bệnh hầu hết chỉ bị hắt hơi, sổ mũi và ho. Nó sớm trở nên vô cùng phổ biến, được xếp vào loại cúm mùa đến và đi hàng năm.
Tỷ lệ tử vong sơ bộ của cúm lợn cũng cao hơn so với con số 0,01 đến 0,03% cuối cùng được công bố. Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), H1N1 giết chết 12.469 bệnh nhân và lây nhiễm cho 60,8 triệu người Mỹ kể từ năm 2009 đến 2010.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng H1N1 có nhiều điểm tương đồng với Covid-19 bởi tốc độ lây lan nhanh chóng như tỷ lệ tử vong thấp hơn SARS và MERS.
Covid-19 cũng khiến nhiều người liên tưởng đến bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918, tỷ lệ tử vong là 2,5%. CDC từng gọi cúm Tây Ban nha là "đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người", đã lây nhiễm cho khoảng một phần ba dân số thế giới, giết chết 50 triệu người. Căn bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến thanh niên và người già. Trong khi đó, Covid-19 giết chết người cao tuổi có bệnh nền.
Florian Krammer, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trường Y khoa Icahn nhấn mạnh, thế giới đã thay đổi rất nhiều so với năm 1918.
"Chúng tôi từng không có dụng cụ chẩn đoán hoặc kháng sinh chống nhiễm trùng thứ cấp. Hồi đó bệnh viện là nơi bạn tới để chết chứ không phải được điều trị. Và vào năm 1918, thế giới đang có chiến tranh. Rất nhiều người nhiễm bệnh là lính bị kẹt trong các chiến hào", ông Krammer nói.
Số người tử vong do Covid-19 phụ thuộc nhiều vào mức độ lây lan của căn bệnh, công tác chuẩn bị phòng dịch.
Nếu Covid-19 trở nên phổ biến như H1N1, việc phát triển vaccine là rất quan trọng. Sau năm 2009, các chuyên gia đã điều chế một loại vaccine bao gồm các mũi tiêm phòng cúm, bắt đầu sử dụng rộng rãi cho cộng đồng vào những năm tiếp theo. Điều này giúp bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương nhất như người già và trẻ nhỏ.
Thục Linh (Theo Washington Post)
Tình hình dịch virus corona ngày 4/3: Việt Nam hiện có 77 ca nghi nhiễm Tính đến 6h sáng 4/3, số ca lây nhiễm tăng 728 người, còn số ca tử vong tăng 41 người so với cùng thời điểm ... |
Việt Nam sẵn sàng kịch bản xuất hiện ca mới nhiễm nCoV Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 ngày 28/2 cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện ca mới nhiễm virus sau nửa tháng ... |