Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam kỳ vọng Chính phủ trao nhiều cơ hội hơn cho khu vực kinh tế tư nhân.
Xuất hiện tại "Diễn đàn Kinh doanh năm 2018" của Forbes Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air chia sẻ nhận định về cơ hội và thách thức của nền kinh tế nửa đầu năm và diễn biến trong nửa cuối năm.
Theo nữ tỷ phú, kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng rộng với tốc độ nhanh. Bà dự đoán nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng của các diễn biến trên thế giới như chiến tranh thương mại, mất giá đồng tiền của một số quốc gia so với đồng đôla Mỹ, biến động giá xăng dầu. Trong nước, tình hình xuất khẩu hàng hóa, sự phụ thuộc vào FDI, nguy cơ tụt hậu về công nghệ… rất đáng suy nghĩ.
Tuy nhiên, điểm tích cực là tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2018 khả quan, tạo ra nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục tiến lên. Đây là cơ hội lớn để đầu tư vào các nguồn lực, con người, công nghệ để giải quyết thách thức, duy trì tốc độ tăng trưởng.
Bà Thảo nói, nếu muốn cảm nhận phần nào sức sống của kinh tế Việt Nam thì hãy đến sân bay. Sự tấp nập của 21 cảng hàng không trên cả nước phản ánh một phần sức sống của nền kinh tế. Có thống kê quốc tế, cứ 1% tăng trưởng của hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4-0,5% GDP và điều này cũng đúng ở Việt Nam khi hàng không tăng trưởng bình quân 14-15% các năm qua.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (giữa) cùng thảo luận với các chuyên gia tại phiên đầu tiên của Diễn đàn Kinh doanh năm 2018. |
"Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào khu vực kinh tế tư nhân và người dân. Nếu được phát huy đúng và hiệu quả thì sẽ tiếp nối những thành công và kéo theo đó là sự phát triển thịnh vượng của đất nước", bà Thảo dẫn lại nhận định của một lãnh đạo WorldBank để bày tỏ quan điểm kinh tế tư nhân sẽ là động lực cho nền kinh tế thời gian tới.
Với khoảng trên 700.000 doanh nghiệp, mỗi năm, kinh tế tư nhân tạo ra thêm 1,2 triệu việc làm, đóng góp khoảng 50% GDP. Riêng lĩnh vực dịch vụ đóng góp đến 85%. Người đứng đầu Vietjet Air nói thông điệp Chính phủ kiến tạo, trong sạch, hành động với những động thái cởi trói về cơ chế đang là động lực mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, tinh thần này phần lớn mới nằm ở tầm Chính phủ là chủ yếu chứ chưa lan rộng mạnh mẽ đến các cấp bộ ngành và địa phương.
"Tôi nghĩ đây là lúc chúng ta cần phát huy mạnh tinh thần đổi mới sáng tạo và nguồn lực dồi dào của các doanh nghiệp tư nhân, vốn chỉ cần khai thông về cơ chế", bà Thảo chia sẻ trong bối cảnh Vietjet Air vừa ký hợp đồng 13 tỷ USD để mua thêm 100 máy bay Boeing tuần trước.
"Tại sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi đầu tư phòng khách VIP Sky Boss của mình, bằng chi phí của mình nhưng phải cờ cơ chế nên mất đến hai năm. Trong khi đó, tư nhân xây nguyên sân bay Vân Đồn chỉ mất hai năm. Hay như nhà ga mới ở Cam Ranh chúng tôi đầu tư và vừa khai trương, mất có 18 tháng. Như vậy tư nhân có làm được không?", nữ tỷ phú nêu ví dụ.
Bà Thảo đánh giá, thời gian qua, nhiều việc mà Chính phủ muốn giao cho tư nhân vẫn chưa đến tay tư nhân. "Nó bị vướng ở chỗ nào đó. Nó chỉ nằm được ở chủ trương, đường lối, mong muốn và ý chí của Chính phủ", nữ CEO thẳng thắn và cho rằng bản thân doanh nghiệp tư nhân cũng phải củng cố mình, không thể chỉ chờ vào đổi mới cơ chế chính sách.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất trao nhiều cơ hội hơn cho kinh tế tư nhân. |
Người đứng đầu Vietjet Air nêu một số góp ý cụ thể cần tập trung thời gian tới. Theo đó, tốc độ tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng cần đẩy nhanh hơn, để hạn chế gây ảnh hưởng tới tài chính vĩ mô. Chính phủ cần có chính sách, biện pháp giảm các chi phí trong chuỗi cung ứng và phân phối, hình thành hệ thống logistic cạnh tranh, sự đồng bộ và phối hợp chính sách của các bộ ngành, điều hành theo tinh thần của Thủ tướng “Những gì tư nhân có thể làm thì để tư nhân làm”.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI thừa nhận hiện vẫn còn tình trạng "trên thì thông thoáng nhưng vào thể chế, luật thi hành thì còn thách thức". Ông cho rằng, chìa khóa hiện này của nền kinh tế là cải cách thể chế, trước hết là cải cách thủ tục hành chính. "Làm sao tinh thần của Thủ tướng phải trở thành hành vi của từng cán bộ công chức. Lúc đó, chúng ta mới thúc đẩy được khu vực kinh tế tư nhân phát triển", ông Lộc nói.
Đóng góp cụ thể, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc phát triển và Giảng viên trường FullBright khuyến nghị ba việc Chính phủ cần làm ngay để tư nhân phát triển. Đó là điều kiện kinh doanh, khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính và nguồn lực đất đai. Theo ông, những việc này phải cần công bằng và minh bạch. Bởi hiện nay, vẫn có tình trạng cùng là doanh nghiệp tư nhân nhưng mức độ được ưu ái khác nhau.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Hải - Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, cần ghi nhận thành quả của Chính phủ trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, ông Hải khuyến nghị tinh thần quyết liệt của các cấp quản lý.
"Tôi nói chuyện với các vị quản lý của bộ ngành thì họ có khi mang tâm lý rất ngại. Xin trình một sản phẩm hay cách làm mới, mặc dù nếu áp dụng sẽ tốt cho doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng vì chưa có cơ sở pháp lý nên kêu chờ. Mà chờ cơ sở pháp lý thì chắc vài năm sau mới được triển khai. Tôi nghĩ điều này làm suy giảm rất nhiều sự năng động của nền kinh tế", ông Hải bình luận.
Mặc dù còn những điểm cần cải thiện nhưng kết phiên thảo luận, các doanh nhân và chuyên gia đồng thuận rằng, nền kinh tế vẫn đang phát triển đúng hướng và tích cực. Các động thái gần đây nhất nhằm ứng phó với biến động tỷ giá cũng được đưa ra hợp lý.
Viễn Thông
Đại gia nào \'mất\' nhiều tiền nhất trong ngày chứng khoán đỏ lửa? Ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo là hai vị đại gia "mất" nhiều tiền nhất trong ngày hôm nay (19/4) vì ... |
Công ty của tỷ phú Phương Thảo tính chi 3.000 tỷ gom cổ phiếu Vietjet Sovico, doanh nghiệp do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch, đã đăng ký mua thêm 13,67 triệu cổ phiếu VJC, để ... |