Từ ngày 28/5, ba nước châu Âu gồm Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland sẽ chính thức công nhận nhà nước Palestine, bất chấp việc Chính phủ Israel phản đối điều này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Dublin ngày 22/5, Thủ tướng Ireland Simon Harris nêu rõ: "Hôm nay, Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha thông báo rằng chúng tôi công nhận nhà nước Palestine. Mỗi người trong chúng tôi giờ đây sẽ thực hiện các bước đi cần thiết cấp quốc gia để việc công nhận này chính thức có hiệu lực".
Tại Oslo, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre tuyên bố: "Trong một cuộc chiến mà hàng chục ngàn người thiệt mạng và bị thương, chúng ta phải duy trì một giải pháp chính trị cho cả Israel và Palestine, đó là giải pháp hai nhà nước, sống cạnh nhau trong hoà bình và an ninh".
Về phần mình, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez khẳng định, nước này công nhận nhà nước Palestine vì hòa bình, gắn kết và công lý: "Sự công nhận này không chống lại người dân Israel và chắc chắn không chống lại người Do Thái".
Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin cho hay, việc công nhận nhà nước Palestine của ba quốc gia châu Âu nói trên sẽ đi vào hiệu lực từ ngày 28/5 tới.
Động thái nêu trên diễn ra trong bối cảnh quân đội Israel tiến hành nhiều cuộc tấn công vào rìa phía Bắc và phía Nam của dải Gaza, gây ra một cuộc di cư mới của hàng trăm nghìn người và hạn chế dòng viện trợ, làm tăng nguy cơ nạn đói ở khu vực.
Về phía Israel, Ngoại trưởng Israel Katz ngay sau đó tuyên bố sẽ triệu hồi đại sứ nước này tại Na Uy và Ireland để phản đối động thái của chính phủ hai nước trên.
Ông Katz cho biết: “Hôm nay, tôi gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ireland và Na Uy rằng Israel sẽ không bỏ qua vấn đề này trong im lặng. Tôi vừa ra lệnh cho các đại sứ Israel từ Dublin và Oslo trở về Israel để tham vấn thêm”.
Được biết, tối 10/5 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.
Trước đó, Mỹ và nhiều nước khác ở Tây Âu cho hay, họ sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine vào một thời điểm nào đó trong tương lai, song đặt ra yêu cầu đạt được thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi như vấn đề đường biên giới cuối cùng và vị thế tương lai của Jerusalem.