Quân sự hóa đang diễn ra ngày một nhanh ở Bắc Cực, và quá trình này càng được thúc đẩy bởi những tiềm năng kinh tế và chiến lược của khu vực.

Theo cây bút Frida Ghitis của CNN, có một sự thay đổi đang diễn ra ở Bắc Cực, bên cạnh băng tuyết trắng phau, sự xuất hiện của tàu chiến với lớp sơn xám đang làm cảnh quan thiên nhiên ở đây bị phá vỡ.

Việc tàu chiến của hải quân Na Uy xuất hiện nhiều hơn ở cảng Tromso ngay cửa ngõ dẫn vào Bắc Cực là một lời nhắc nhở rằng khu vực này không tránh khỏi những căng thẳng đang bao trùm phần còn lại của thế giới.

Trên thực tế, nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh hơn gần bốn lần so với phần còn lại của hành tinh - và đó chỉ là kết quả của nhiệt kế. Khi nói đến địa chính trị, vùng đất lạnh nhất thế giới có nguy cơ trở nên nóng nhất.

Trong bài phát biểu gần đây trước Hội đồng Bắc, Đô đốc Rob Bauer, người đứng đầu Ủy ban Quân sự của NATO đã đưa ra cảnh báo: “Chúng ta không thể ngây thơ và bỏ qua những cạnh tranh tiềm ẩn của một số tác nhân trong khu vực. Xung đột có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, trên mọi lĩnh vực, kể cả Bắc Cực”.

Một tàu khu trục của hải quân Na Uy được triển khai đến cảng Tromso, tiếp giáp với cửa ngõ dẫn vào Bắc Cực. (Ảnh: CNN)

Một tàu khu trục của hải quân Na Uy được triển khai đến cảng Tromso, tiếp giáp với cửa ngõ dẫn vào Bắc Cực. (Ảnh: CNN)

Tuyên bố của Đô đốc Rob Bauer không hề cường điệu khi tiến trình quân sự hóa đang diễn ra ngày một nhanh ở Bắc Cực, và quá trình càng được thúc đẩy bởi những tiềm năng kinh tế và chiến lược của khu vực này. Băng tan cũng đang tạo ra các tuyến đường vận chuyển mới và mở ra nguồn tài nguyên thiên nhiên để khai thác, khiến việc kiểm soát chiến lược ở Bắc Cực trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Cách cảng Tromso vài trăm kilomet, Bán đảo Kola ở Nga là nơi đặt Hạm đội phương Bắc của nước này. Đây cũng là nơi Moskva đặt các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.

Vừa giữa tháng 12/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đưa ra cảnh báo đối với Phần Lan, một trong 8 quốc gia ở Bắc Cực và là thành viên mới nhất của NATO rằng “sẽ có vấn đề” giữa hai nước khi Helsinki gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Nhà lãnh đạo Nga cho biết, Nga sẽ sớm tập trung các đơn vị quân sự gần phía bắc biên giới chung của hai nước.

Cũng theo ông Putin, Moskva và Helsinki không có vấn đề gì trước khi Phần Lan gia nhập NATO và các tranh chấp lãnh thổ trong thế kỷ 20 đã được giải quyết.

Chỉ vài tuần trước đó, Phần Lan đã đóng cửa các cửa khẩu biên giới với Nga với cáo buộc Moskva phát động một “chiến dịch hỗn hợp” khi dòng người di cư đến biên giới châu Âu thông qua vùng cực phía bắc của Phần Lan.

 

Căng thẳng dọc Bắc Cực cũng gia tăng theo cấp số nhân kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra dù các bên đã có sự cạnh tranh từ trước đó.

Trong nhiều thập kỷ, Bắc Cực dường như là một vùng đất đặc biệt, nơi các cường quốc có thể cùng nhau vì lợi ích chung. Hội đồng Bắc Cực  trông giống như một mô hình chung chính trị phù hợp cho sự phát triển của các thành viên.

Nhóm gồm 8 quốc gia có lãnh thổ bên trong Bắc Cực và người dân bản địa gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ đã tìm cách thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, bảo vệ khu vực này.

Cùng với cuộc chiến ở Ukraine, hoạt động của Hội đồng Bắc Cực. Ngay sau đó Nga cũng tiến hành tăng cường các hoạt động quân sự và thương mại trong khu vực.

Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận mang tên

Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận mang tên "Cold Response 2022" với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ từ các nước thành viên NATO, cùng với Phần Lan và Thụy Điển gần Bjerkvik ở Vòng Bắc Cực ngay sau khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. (Ảnh: CNN)

Bất chấp các tiêu chuẩn an toàn môi trường, Nga bắt đầu sử dụng tàu chở dầu thân mỏng thay vì tàu chở dầu phá băng để vận chuyển dầu thô thông qua tuyến đường biển Phương Bắc.

Trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3/2023, hai nước đã nhất trí tập trung vào hợp tác song phương ở Bắc Cực. Theo một số ước tính, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 90 tỷ USD vào khu vực.

Moskva và Bắc Kinh đang hợp tác cùng nhau để xây dựng “Con đường tơ lụa vùng cực” với các mục tiêu kinh tế, địa chính trị và quân sự. Trung Quốc đang ngầm tạo ra một lý do để trở thành một bên tham gia trong khu vực khi tuyên bố mình là một “quốc gia gần Bắc Cực”.

Theo Đô đốc Bauer, NATO thấy tất cả hoạt động trên đều đáng lo ngại bởi vì trong khi ý định của Nga ở Bắc Cực đã trở nên rõ ràng trong những năm gần đây thì ý định của Trung Quốc vẫn chưa rõ rang.

Trong khi đó, Moskva chỉ trích việc NATO mở rộng về phía đông. Và giờ đây, việc Phần Lan và có thể cả Thụy Điển gia nhập liên minh sẽ khiến Nga trở thành quốc gia Bắc Cực duy nhất ngoài NATO.

Giờ đây, vùng biển Bắc Cực gần Na Uy không chỉ là nơi để ngắm đàn cá voi đi kiếm cá trích giữa những vịnh hẹp băng giá cao vút. Lực lượng quân sự của NATO cũng thường xuyên đến thăm, đáp trả các hành động khiêu khích trước sự hiện diện quân sự ồ ạt của Nga.

Vào tháng 9/2023, cư dân Tromso đã nhìn thấy một  tàu ngầm của Hải quân Pháp nổi lên từ vùng biển của nước này. Vài ngày sau, một  tàu ngầm Mỹ cũng được chào đón khi đến thăm Tromso.

https://vtc.vn/bac-cuc-tan-bang-my-doi-mat-voi-moi-de-doa-tu-nga-va-trung-quoc-ar844203.html

Trà Khánh / VTC News