6h sáng đến viện, 8h vào phòng mổ đến nửa đêm mới ra ngoài, bác sĩ Trần Quốc Khánh ví "thời gian như biến mất" trong phòng phẫu thuật.
22h, tiếng còi xe cứu thương rú bên ngoài phòng cấp cứu bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Một phụ nữ luống tuổi nằm trên cáng với thanh sắt cắm sâu trên ngực trái, được đẩy nhanh vào trong.
"Vào thẳng phòng mổ", tiếng bác sĩ trực cất lên dứt khoát. Trong phòng phẫu thuật, bác sĩ Trần Quốc Khánh cùng kíp mổ đã nhận được thông tin. Máu, dịch truyền, băng gạc, thuốc, dao, kim chỉ... sẵn sàng.
"Chúng tôi luôn chuẩn bị tinh thần cho các ca cấp cứu. Mỗi bệnh nhân là một tình huống hoàn toàn khác biệt với tổn thương bên trong chưa thể biết", bác sĩ Khánh nói.
Kíp gây mê bắt tay vào việc. Phẫu thuật viên mở lồng ngực bệnh nhân, cắt, lọc, khâu, nối... Sau 3 tiếng, người phụ nữ qua cơn nguy kịch, các vết cắt vào mạch máu, thương tổn ở ngực được xử lý và chuyển về khu hồi sức.
Đèn phòng mổ tắt, bác sĩ Khánh và các cộng sự trong kíp mới bắt đầu đi ăn tối.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh chuyên phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: NVCC
Bác sĩ Trần Quốc Khánh sinh năm 1983, công tác tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức từ năm 2008, là bác sĩ chuyên phẫu thuật cột sống. Bệnh viện là trung tâm ngoại khoa lớn nhất miền Bắc, một ngày có 250-300 ca phẫu thuật, riêng khoa Phẫu thuật cột sống thực hiện trung bình 30 ca.
Hàng tuần, bác sĩ Khánh có hai ngày mổ phiên, một ngày trực cấp cứu, một ngày khám bệnh và một ngày tham gia hội chẩn.
"Số ca mổ phụ thuộc vào loại phẫu thuật. Ví dụ, mổ tiêu hóa mỗi ngày khoảng 3 ca, mỗi ca mổ kéo dài 4-5 tiếng. Còn mổ xương khớp, mỗi ngày cả chục ca", anh Khánh cho biết.
Mỗi ca mổ nhanh cần khoảng 30 phút, nhưng những ca lâu có khi đến 12 tiếng, thậm chí nguyên một ngày. Thông thường, 6h sáng bác sĩ Khánh đến viện, 8h bắt đầu vào phòng mổ, và chỉ ra khỏi phòng lúc 12h đêm. "Ăn tối kiêm ăn khuya là chuyện bình thường", bác sĩ cho biết. Những ngày kết thúc công việc quá muộn, anh không về nhà mà ở lại viện ngủ một chút để sáng hôm sau làm việc luôn.
"Phẫu thuật viên không có khái niệm hết giờ hành chính, mà chỉ có hết bệnh nhân, hết ca mổ thì về. Còn ca mổ kết thúc lúc nào? Không ai biết trước được".
Bác sĩ trong ca phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC
Những ngày mổ phiên, bác sĩ phẫu thuật luôn chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và cả thể lực, nhưng những đêm trực cấp cứu mới thật vất vả. Nhiều ca tai nạn hàng loạt, bệnh nhân bị ôtô, tàu hỏa đâm phải mổ cấp cứu ngay trong đêm. Những lúc đó, các bác sĩ đều phải "chạy xoắn hết lên" và "tà áo blouse không kịp chạm vào người bởi đi nhanh quá, đi như chạy". Nhiều ca mổ dài, phải có vài kíp y bác sĩ thay nhau.
Các phòng mổ ở Bệnh viện Việt Đức gần như giống nhau, là căn phòng kín mít, chỉ có tiếng máy thở và ánh đèn vàng lạnh lẽo.
"Khung cảnh này ở phòng mổ không thể hiện căng thẳng, mà là một sắc thái", bác sĩ giải thích. "Bác sĩ mổ luôn phải bình tĩnh, xử lý tình huống bằng trái tim nóng nhưng cái đầu phải lạnh, bởi thời gian có khi chỉ tính bằng giây, không được phép có động tác thừa, chậm một chút thôi bệnh nhân có thể không giữ được tính mạng".
Để trở thành một phẫu thuật viên, "không phải học xong mà nhảy vào mổ ngay được mà phải qua nhiều năm tháng dài học hỏi, thực hành", bác sĩ kể. Thời sinh viên, bác sĩ Khánh phải làm các bài tập phẫu thuật chó, lợn, và xác người. Khi học lâm sàng, sinh viên được phụ mổ, làm các việc như kéo van, bê chân thiết bị, hút máu. Đến lúc trở thành bác sĩ nội trú mới được tham gia tiểu phẫu, đóng da, dẫn lưu. Sau gần 10 năm học, thạo mổ xẻ rồi mới được rạch da, rồi dần trở thành bác sĩ phụ, bác sĩ chính.
"Những mũi khâu phẫu thuật đầu tiên còn nguệch ngoạc lắm", bác sĩ Khánh nhớ lại. "Tôi nhớ mãi lần đầu được khâu, bị các thầy nghiêm khắc mắng mỏ vì sẽ để lại vết sẹo không đẹp cho bệnh nhân".
Bác sĩ Khánh tư vấn bệnh cho một bệnh nhân về tình trạng cột sống. Ảnh: NVCC
10 năm làm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nói chưa bao giờ thấy hết yêu công việc. "Điều thú vị của nghề là chúng tôi luôn biết câu trả lời cuối cùng cho bệnh trạng của mọi người. Bệnh nhân đến viện được các bác sĩ thăm khám, chụp chiếu và chẩn đoán, cuối cùng là phẫu thuật. Kết quả của ca mổ chính là câu trả lời chính xác nhất, thực tế nhất cho những chẩn đoán, nhận định ban đầu của các bác sĩ", anh nói.
Với bác sĩ Khánh và đồng nghiệp của anh, cảm giác về thời gian cũng là một câu đố khác trong công việc. Anh giải thích, thời gian không phải là yếu tố quyết định lúc nào bác sĩ được nghỉ ngơi, mà chính là ca mổ và bệnh nhân quyết định. Trong ca mổ, thời gian như không tồn tại, kim đồng hồ và khái niệm thời gian chỉ trở lại với bác sĩ khi mũi khâu cuối cùng kết thúc và vết thương được đắp gạc. Có những hôm sáng sớm trước khi vào phòng mổ anh chợt thấy cô lao công đang quét lá rụng, tiết trời mùa thu tuyệt đẹp. Nhưng khi rời viện ra về mới biết đêm đã khuya và trời trở mưa lạnh.
"Cuộc sống diễn ra bên ngoài phòng mổ bác sĩ không hay biết", anh tâm sự. "Dường như đời phẫu thuật viên ngắn hơn mọi người".
Thúy Quỳnh
Bác sĩ bị người nhà chửi, dọa giết khi lấy máu cứu sản phụ: Bệnh viện báo cáo Sở y tế Hải Dương thế nào? Mặc dù các nhân viên y tế đã cố gắng hết sức kể cả hiến máu cấp cứu thành công sản phụ nhưng người nhà ... |
Bác sĩ Chiêm Quốc Thái lên tiếng trước tin đồn trực tiếp \'dao kéo\' cho tân Hoa hậu Trái đất Phương Khánh Bác sĩ Chiêm Quốc Thái lần đầu lên tiếng trước tin đồn là người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho tân Hoa ... |
Nữ bác sĩ không bị xử lý trong vụ ông Chiêm Quốc Thái bị chém Bà Sen khai không biết vợ bác sĩ Chiêm Quốc Thái "hợp đồng" với nhóm giang hồ để chém chồng, chỉ đưa giúp tiền giữa ... |
Dàn người đẹp Việt dính nghi án tình ái với bác sĩ Chiêm Quốc Thái Là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nhưng cái tên Chiêm Quốc Thái lại khá quen thuộc trong đời sống showbiz khi từng dính ... |