Hàng nghìn m3 chất thải của bãi rác Cam Ly đổ xuống, vùi lấp nhiều nhà kính trồng rau ở TP Đà Lạt, sau đợt mưa lớn vừa qua. 

bai rac do xuong thung lung trong rau o da lat
Bãi rác trên đỉnh đồi tràn xuống kéo dài khoảng một km. Ảnh: Khánh Hương.

Chất thải từ ngọn đồi cao 60 m lăn thành vệt dài hơn một km. Nước chảy ra từ bãi rác đen kịt, nồng nặc mùi, theo dòng suối chảy xuống khu vực sản xuất nông nghiệp rộng lớn phía hạ lưu, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

"Gia đình tôi trồng gần 2.000 m2 hoa cẩm tú cầu. Khu vườn cho thu hoạch được hai lần, là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình, bây giờ nằm trọn dưới lớp rác này", bà Lê Thị Hồi (53 tuổi, ở phường 5) nói.

Theo người dân sống quanh khu vực, nhiều năm qua, chất thải được đưa về đổ ngay trên đỉnh đồi, sau đó đơn vị vận hành lợi dụng độ cao dùng xe cơ giới ủi đẩy thẳng xuống phía dưới mà không hề chôn lấp. Núi rác cao khoảng 10 m.

UBND phường 5, TP Đà Lạt cho biết, hiện vẫn chưa thống kê được tổng diện tích, giá trị thiệt hại của người dân. Khu vực các hộ bị chất thải từ bãi rác Cam Ly vùi lấp nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp nhưng được người dân sản xuất từ nhiều năm. Sau khi xảy ra sự việc, phường đã báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý cụ thể.

Bãi rác Cam Ly cách trung tâm Đà Lạt khoảng 5 km, hiện do Công ty Cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt quản lý, có diện tích 11,8 ha, gồm mặt bằng đổ rác và thung lũng chứa rác. Bãi rác hình thành từ hàng chục năm trước, là nơi thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương.

bai rac do xuong thung lung trong rau o da lat
Rác thải tràn xuống gây hư hỏng nhà kính của người dân. Ảnh: Khánh Hương.

Sau khi Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt (ở xã Xuân Trường ) đi vào hoạt động 2015, một thời gian rác không đưa về đây. Tuy nhiên khoảng một năm nay, dây chuyền sản xuất của nhà máy này không đáp ứng được hoạt động, một phần rác thải tiếp tục đưa về bãi rác Cam Ly để xử lý. Theo quy định, chất thải rắn sau khi thu gom đưa về bãi rác này bắt buộc phải chôn lấp.

Do ảnh hưởng gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, từ đêm 6/8 đến ngày 10/8, Tây Nguyên và nhiều tỉnh Nam Bộ có mưa lớn. Mưa lũ làm 11 người chết, hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập, hàng chục nghìn hecta cây trồng thiệt hại; gia cầm, gia súc, cá nuôi lồng bè bị cuốn trôi.

Tại Lâm Đồng có 2.430 nhà bị ngập; hơn 2.558 ha hoa màu bị ngập úng, hư hỏng; 2,3 ha nhà kính bị thiệt hại... Riêng TP Đạt Lạt có hơn 10 căn nhà bị ngập nước, trong đó ba nhà bị sập tường, 20 ha hoa màu bị cuốn trôi, 3.000 m2 nhà kính tốc mái, hàng chục ôtô bị ngập.

bai rac do xuong thung lung trong rau o da lat Nhiều khách du lịch huỷ phòng ở Đà Lạt vì mưa lũ
bai rac do xuong thung lung trong rau o da lat Đèo Bảo Lộc sạt lở hàng chục điểm, đường lên Đà Lạt tê liệt
bai rac do xuong thung lung trong rau o da lat Thời tiết 3 ngày tới, mưa lớn ở Đà Lạt tiếp diễn ngày mai

/ vnexpress.net