Ban quản lý bán đảo đã cho nhân viên căng dây, đặt hàng rào và biển cảnh báo để hướng dẫn du khách khi đi qua những điểm sạt lở.
Sau những cơn mưa lớn kéo dài hai ngày 9 và 10/12, ba tuyến đường chính trên bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đều bị sạt lở, nhiều cành cây gãy đổ, mương nước và hộ lan bảo vệ bị sụt lún.
Hầu hết các tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà đều bị sạt lở. Ảnh: N.Đ.
Theo thống kê của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, khu vực bán đảo này có tới 26 điểm sạt lở lớn nhỏ. Trong đó đoạn đường từ đầu tuyến Tiên Sa đến Suối Ôm (nơi voọc chà vá chân nâu sinh sống nhiều nhất) sạt lở 10 điểm.
Một số tuyến đường nhỏ dẫn xuống khu vực Cây đa nghìn năm, Bãi cát vàng bị những khối đá lớn chắn ngang. Khu vực gần đỉnh Bàn Cờ cũng bị ảnh hưởng. Người dân có thể lách xe máy đi qua, nhưng tiềm ẩn nguy hiểm nếu đá núi bất ngờ rơi xuống.
Tuyến đường Hoàng Sa dẫn lên chùa Linh Ứng và khu resort cao cấp bị sạt lở nhẹ nhất, xe máy và ôtô đi bình thường.
Những phiến đá to rơi xuống đường ở khu vực bán đảo Sơn Trà. Ảnh: N.Đ.
Chiều 11/12, Ban quản lý bán đảo đã cho nhân viên căng dây, đặt hàng rào và biển cảnh báo, hướng dẫn người dân, du khách khi đi qua những điểm sạt lở. Nhiều điểm có cây ngã đổ, đất đá vương vãi đã được đơn vị kiểm lâm thu dọn.
Bán đảo Sơn Trà có diện tích khoảng 4.400 ha, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10 km về phía Đông Bắc. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Đêm 8/12 và ngày 9/12, không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao gây mưa rất to cho Đà Nẵng, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng, nhiều đường phố biến thành sông, mức ngập từ 0,3 đến 0,7 m. Lượng mưa lớn kỷ lục, tới 635 mm trong 24 giờ.
Dự báo, mưa ở miền Trung sẽ kéo dài đến ngày 12/12, trong đó khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định mưa rất to. Lũ sông dâng cao, có thể đạt báo động 3, nguy cơ ngập lụt vùng trũng, sạt lở đất ở miền núi rất cao.