Ban Kinh tế Trung ương được đánh giá đã có một năm đạt nhiều kết quả toàn diện.
Chiều ngày 9/1, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết trong năm, Ban đã chủ trì và triển khai 7 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có 4 đề án đã được Bộ Chính trị thông qua và ban hành nghị quyết, 3 đề án đã có sản phẩm báo cáo Bộ Chính trị để họp trong quý I/2019.
Tính chung từ năm 2016 đến nay, Ban Kinh tế Trung ương đã được giao chủ trì 14 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; 3 báo cáo trình Ban Bí thư; tham gia phối hợp xây dựng 4 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương và một đề án trình Ban Bí thư.
Đối với công tác thẩm định, Ban Kinh tế Trung ương đã tham gia ý kiến với 129 đề án, dự án về xây dựng thể chế và phát triển kinh tế-xã hội. Ban đã tiến hành 128 cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tiếp 54 lượt khách quốc tế đến thăm và làm việc.
Ban cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đã tổ chức 24 diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học trong năm 2018. Trong số đó có 4 hội thảo lớn mang tầm quốc tế là Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018; Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0; Hội thảo và triển lãm quốc tế Smart IoT Việt Nam 2018 và Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Đánh giá về hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương năm 2018, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho rằng Ban đã hoàn thành tốt một số đề án có tầm chiến lược về kinh tế - xã hội trong điều kiện nguồn lực không nhiều. Điều này là minh chứng cho sự vươn lên và phản ánh tiến bộ, trưởng thành của Ban Kinh tế Trung ương.
"Kết quả hoạt động đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương", ông Trần Quốc Vượng nhận xét và cho rằng với kết quả đạt được, Ban đã thực hiện đúng vai trò chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương trong việc định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế và hoạch định đường lối, chủ trương quan trọng về kinh tế-xã hội.
Minh Sơn
Đề án cải cách tiền lương: Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển Đây là quan điểm của ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - khi trao đổi với PV Báo Lao động ... |
Giảm cồng kềnh bộ máy là cách ngắn nhất để tăng lương Theo Đề án cải cách chính sách tiền lương vừa được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII), dự kiến ... |